CHƯƠNG III: ĐẢNG BỘ THỊ XÃ THANH HÓA RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN GÓP PHẦN KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945- 1954)

Ngày 03/11/2014 16:10:59

Lịch sử Đảng bộ Thành phố Thanh Hóa 1945-2020 (Tiếp theo)

I. ĐẢNG BỘ THỊ XÃ THANH HÓA RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN ĐẤU TRANH GIỮ VỮNG CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (1945- 1946)

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

Chặng đường mới của nhân dân Thị xã đầy khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi căn bản, là nền tảng để Thị xã vững bước đi lên. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, chính quyền và Mặt trận Việt Minh, tinh thần cách mạng của quần chúng dâng cao, đội ngũ cán bộ được tôi luyện, trưởng thành qua phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đây nhân dân Thị xã Thanh Hóa bắt tay xây dựng chế độ mới, một lòng theo Đảng và Chính phủ, quyết tâm giữ vững quyền tự do độc lập theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những thách thức và những khó khăn sau Cách mạng Tháng Tám đe dọa nghiêm trọng nền độc lập, tự do mà dân tộc ta vừa giành lại được, đặt chính quyền dân chủ nhân dân và vận mệnh non sông trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Chiếm một vị thế trọng yếu ở khu vực Bắc Trung Bộ bước vào xây dựng chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền dân chủ nhân dân vừa được thiết lập, bên cạnh những thuận lợi to lớn, phong trào cách mạng của Thị xã Thanh Hóa đứng trước những khó khăn, thử thách nghiêm trọng.

Nạn đói khủng khiếp năm 1945 chưa chấm dứt, đồng bằng Bắc Bộ lại vỡ đê, vụ mùa thất thu lớn. Hậu quả nặng nề của chế độ thực dân, phong kiến và chiến tranh thế giới thứ II làm cho nền kinh tế kiệt quệ, sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn.

Ở Tỉnh Thanh Hóa, kinh tế-xã hội ngày càng khó khăn, sản xuất nông nghiệp tiêu điều, sau vụ chiêm 1945, hạn hán kéo dài, ruộng đồng nứt nẻ khô hạn, đất đai bị bỏ hoang nhiều, đến kỳ thu hoạch lại bị bão lụt phá hủy hàng vạn héc ta, mất khoảng 50% sản lượng lúa. Khắp nơi rải rác người chết đói. Trâu bò bị dịch bệnh chết hàng loạt. Các ngành sản xuất bị đình đốn; nhiều công nhân, viên chức không có việc làm; tài chính cạn kiệt, trống rỗng...

Chín phần mười số dân không biết chữ. Cũng như nhiều huyện trong Tỉnh, Thị xã Thanh Hóa chưa có tổ chức Đảng. Phong trào quần chúng cách mạng diễn ra sôi nổi, song Mặt trận Việt Minh tuy rộng rãi nhưng chưa tập hợp và huy động được hết các giới, nhất là bộ phận tầng lớp trên. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận vốn đã thiếu sau khi giành chính quyền lại càng thiếu người chỉ đạo trực tiếp vì những cốt cán của Thị bộ Việt Minh được giao những nhiệm vụ của chính quyền Thị xã. Trên cương vị mới, đội ngũ cán bộ này tuy có nhiệt huyết song công tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, trình độ lý luận còn non yếu, bỡ ngỡ, lúng túng trong công tác.

Thử thách to lớn đối với nhân dân tỉnh Thanh Hóa và nhân dân Thị xã là nạn "thù trong giặc ngoài" đe dọa sự an nguy của chính quyền cách mạng non trẻ. Chính quyền cách mạng mới thành lập, còn nhiều lúng túng trong quản lý và điều hành, trong lúc phải tập trung sức giải quyết những khó khăn chồng chất về kinh tế-xã hội thì phải đối phó với nạn "Hoa quân nhập Việt" của chính quyền Tưởng Giới Thạch trong mưu đồ "Tiêu diệt Đảng ta. Phá tan Việt Minh". Giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền nhân dân để lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng.

Tháng 9-1945, quân đội Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật ồ ạt kéo vào miền Bắc nước ta. Tháng 11-1945, một trung đoàn quân Tưởng kéo vào Thanh Hóa. Đi theo đội quân ô hợp này là bọn Việt gian trong các đảng Việt Quốc, Việt Cách kéo vào câu kết với bọn phản động địa phương tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng.

Trong bối cảnh đó, ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Tổ quốc bị xâm lăng, cũng như nhân dân cả nước, nhân dân Thanh Hóa và nhân dân Thị xã đứng trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp.

Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của nhân dân ta lúc này là: tăng gia sản xuất để chống đói; chống nạn mù chữ; tổ chức tổng tuyển cử; bài trừ thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, cấm hút thuốc phiện; tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết. Tiếp đó, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc đề ra những nhiệm vụ cần kíp cho toàn Đảng, toàn dân ta là ...phải củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

Dựa trên tinh thần sáu nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay của Chính phủ cách mạng lâm thời và Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc ngày 25-11-1945 của Trung ương Đảng; nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thành Hóa là: Đấu tranh với âm mưu xâm lược của Tưởng Giới Thạch và bọn tay sai của Tưởng, tiêu diệt phản động địa phương; củng cố chính quyền cách mạng các cấp từ xã đến tỉnh. Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói và mở phong trào xoá nạn mù chữ. Đồng thời, tích cực chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam.

Để thực hiện những nhiêm vụ to lớn và khó khăn trên, nhận thức rõ tầm quan trọng của công cuộc xây dựng chế độ mới trên địa bàn tỉnh lỵ, Đảng bộ Thanh Hóa quan tâm xây dựng và củng cố các đoàn thể chính trị. Tỉnh bộ Việt Minh cử đồng chí Lưu Văn Bân (Lưu Cộng Hòa) và Đỗ Đông Uyên về củng cố xây dựng Thị bộ Việt Minh.

Tại một cuộc hội nghị ở Trụ sở Tri tân học hội, đã bầu Ban chấp hành Thị bộ Việt Minh do đồng chí Lưu Văn Bân làm Chủ nhiệm, Đỗ Đông Uyên là Phó Chủ nhiệm. Hội nghị thống nhất chương trình hoạt động thiết thực là gấp rút củng cố và kiện toàn các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ từ khu phố thống nhất lên Thị xã, lập các đoàn thể mới xuống khu phố, đến công sở nhằm nhiệt liệt hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương do Chính phủ đề ra. Mặt trận Việt Minh từ Thị xã xuống khu phố đã trở thành tổ chức đoàn kết, tập hợp lực lượng, đồng thời (cùng với Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời) thực hiện những nhiệm vụ cấp bách ở địa phương. Mặt trận và các đoàn thể quần chúng hoạt động tích cực bên cạnh Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thị xã.

Từ kết quả củng cố kiện toàn Thị bộ Việt Minh, Tỉnh bộ thấy rõ là phải gấp rút bồi dưỡng nhận thức, thống nhất phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt Việt Minh huyện, xã trong hoàn cảnh mới nên chủ trương mở lớp bồi dưỡng cán bộ tại Nhà máy Diêm Hàm Rồng, giao cho đồng chí Lê Trọng Thoàn phụ trách.

Đầu tháng 10-1945, gần 500 cán bộ Việt Minh của các huyện đồng bằng trong tỉnh đã tham gia lớp học. Tuy thời gian ngắn, nhưng với nội dung cô đọng nhằm trang bị những hiểu biết cơ bản để làm được việc ngay, Tỉnh bộ đã kịp thời cung cấp cho phong trào một lực lượng cán bộ đông đảo. Thị bộ Việt Minh và nhân dân Thị xã tự hào vì đã góp công sức lớn cho việc tổ chức lớp học cả về nội dung và công tác đảm bảo hậu cần.

Sau khi giành được chính quyền, Ủy ban cách mạng lâm thời các cấp ở các địa phương khẩn trương ổn định tình hình kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân; từng bước xây dựng bộ máy chính quyền mới. Ủy ban nhân dân cách mạng phân công các thành viên phụ trách các ngành: kinh tế, quốc phòng, nội vụ, tài chính, giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội, thông tin tuyên truyền,...

Công tác xây dựng chính quyền được đặc biệt coi trọng. Hội nghị cán bộ các tỉnh Trung Bộ, ngày 2-9-1945 quyết định thành lập và bầu Ủy ban nhân dân cách mạng Trung Bộ. Ủy ban chủ trương trong vòng một tháng bộ máy chính quyền từ cấp kỳ xuống cấp xã và tương đương phải tổ chức xong và đi vào hoạt động. Cuối năm 1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các cấp được đổi thành Ủy ban hành chính lâm thời (sau đó là Ủy ban hành chính). Các ngành chuyên môn được tổ chức thành các ty ở cấp tỉnh hoặc thành phố, các phòng ở cấp huyện, Thị xã. Chính quyền các cấp đã bắt tay ngay vào việc tổ chức thực hiện chương trình của Việt Minh. Mặt trận Việt Minh phát triển ngày càng nhanh, các hội cứu quốc được tổ chức thống nhất từ Thị xã xuống các khu phố.

Việc củng cố các đoàn thể được quan tâm. Tại Tri tân học hội, Đội Thiếu niên Tiền phong và Đội Nhi đồng Cứu vong (sau đổi tên là Đội Nhi đồng Cứu quốc) là tổ chức đoàn thể của những công dân nhỏ tuổi được thành lập sớm sau Thị bộ Việt Minh. Anh Nguyễn Thế Kỷ và chị Lê Nữ Tú là những phụ trách đầu tiên của lớp thiếu niên, nhi đồng Thị xã Thanh Hóa sau Cách mạng Tháng Tám.

Phụ nữ là lực lượng đông đảo hoạt động với các hình thức nhóm bí mật riêng lẻ, nhưng khi được huy động thì nhanh chóng trở thành một đội quân hoạt động có hiệu quả về nhiều mặt. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Phụ nữ Cứu quốc Thị xã tại Trường Nữ sinh. Gần 100 đại biểu thay mặt cho một ngàn hội viên ở các khu phố sôi nổi thảo luận kiểm điểm công việc chị em đã đóng góp cho khởi nghĩa thắng lợi và đề án công tác trước mắt tập trung nhất là góp phần cứu trợ người thiếu đói, xây dựng ngân quỹ quốc gia. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 13 người do bà Lê Thị Ngọ làm Bí thư.

Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người có chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý hành chính, quản lý Giáo dục, Y tế, Tài chính, Kho bạc, Bưu điện làm việc trong bộ máy chính quyền cũ vẫn được chính quyền cách mạng sử dụng. Vì vậy, cần phải tập hợp số người này cùng với số cán bộ công chức mới của các cơ quan Nhà nước vào một tổ chức là Hội Công chức cứu quốc. Đồng chí Nguyễn Văn Yêm thay mặt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thị xã chủ trì Đại hội, gồm 150 người họp tại Câu lạc bộ thể thao Kiến Hương thành lập Hội Công chức cứu quốc; cử ra Ban Chấp hành để điều hành hoạt động do ông Lê Xuân Ấp, một thầy giáo có uy tín, là Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thị xã làm Hội trưởng.

Từ sau ngày thành lập, Hội Công chức cứu quốc đã làm nòng cốt trong việc giúp chính quyền tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ công chức tinh thần phục vụ cách mạng và ý thức bảo vệ các công sở, góp phần đẩy mạnh hoạt động chuyên môn vào nền nếp mới.

Những đoàn viên Thanh niên cứu quốc hoạt động trong thời kỳ bí mật với danh nghĩa các nhóm Việt Minh riêng lẻ, sau Cách mạng Tháng Tám cũng mở Đại hội thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc Thị xã. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 11 người, do ông Nguyễn Văn Yêm làm Bí thư, Lê Kinh Hùng làm Phó bí thư.

Từ những cơ sở Hội Công nhân cứu quốc đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả, tập hợp đoàn kết được lực lượng lao động có nghề nghiệp, hoạt động trong Nhà máy Điện - Nước, Nhà ga xe lửa, ngành Vận tải ô tô và Phu xe cứu quốc (Hội cứu quốc của những người lao động xe kéo), giới công nhân lao động Thị xã đã mở Đại hội thành lập Hội Công nhân Cứu quốc Thị xã tại Hội trường Nhà máy đèn. Đại hội bầu Ban Chấp hành mới thống nhất lực lượng công nhân lao động toàn Thị xã do đồng chí Võ Nguyên Lượng, hội viên Việt Minh trong thời kỳ bí mật, là người phụ trách đầu tiên của Nhà máy Điện - Nước làm Hội trưởng.

Tiếp sau Đại hội của các giới Thanh niên, Phụ nữ, Thiếu niên, Nhi đồng là Đại hội của giới Phụ lão thành lập Hội Phụ lão Cứu quốc Thị xã, do ông Phạm Gia Mỹ - chủ một xưởng in làm Hội trưởng.

Không chỉ là trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, Thị xã Thanh Hóa còn là trung tâm văn hóa, nơi tập trung mọi hoạt động của giới văn nghệ sĩ cả tỉnh. Khi chính quyền cách mạng vừa mới được thành lập chưa kịp với tới giới văn nghệ sĩ thì đã có một sốngười tự tập hợp thành tổ chức văn hóa. Thấy rõ cách làm không phù hợp đó của họ, Thị bộ Việt Minh đã chính thức tuyên bố thành lập Hội Văn hóa cứu quốc thay cho tổ chức văn hóa mà một số người lập ra trước đó.

Nhằm góp phần ổn định thị trường lương thực, chống đầu cơ tích trữ thóc gạo, Thị bộ Việt Minh chủ trương thành lập Công thương cứu quốc Hội để tập hợp những người buôn bán nhỏ bằng việc làm cụ thể trên thương trường tỏ rõ lòng yêu nước ủng hộ chính quyền cách mạng. Sau ngày Hội thành lập, những nhà buôn bán nhỏ hưởng ứng chủ trương của Thị bộ Việt Minh đã tự nguyện góp vốn được 50 vạn đồng Đông Dương để mua thóc gạo dự trữ chống đói. Số thóc gạo mua trên thị trường tự do được giữ lại cho đến lúc giáp hạt mới đem bán cho người thiếu ăn theo giá chỉ đạo của Chính phủ. Giới công thương Thị xã hưởng ứng chủ trương của chính quyền đứng ra bán một số mặt hàng thiết yếu cho nhân dân như: muối, dầu, vải, nước mắm… theo giá quy định, góp phần bình ổn thị trường. Thị bộ Việt Minh vận động đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo đòi giao quyền quản lý Nhà Chung cho linh mục Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao nhận thức đấu tranh vì nền độc lập của Tổ quốc cho giáo dân.

Giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản nhân dân, trên cơ sở đó mà ổn định tình hình chính trị, đó là điều kiện tiên quyết thể hiện năng lực quản lý điều hành của chính quyền cách mạng.

Lúc này, lực lượng vũ trang của Tỉnh đóng trên địa bàn gồm: Cảnh sát xung phong có 300 người, Chi đội Cứu quốc quân Đinh Công Tráng có 1.500 người và Tiểu đoàn Cảnh vệ tỉnh thành lập tháng 11-1946.

Ngay từ buổi đầu, chính quyền cách mạng Thị xã đã lập Đội Cảm tử quân xung phong gồm 200 người, là những thanh niên hăng hái thuộc đủ mọi tầng lớp đông nhất là thanh niên học sinh đã thôi học nhưng tự nguyện để làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền. Đội được tổ chức theo hình thức quân sự bán tập trung, bình thường thì đội viên ai ở nhà nấy, ăn cơm nhà, tự trang bị giầy, mũ, quần áo, vũ khí thô sơ, khi có nhiệm vụ thì tập trung đội viên, mỗi đội viên được đeo một huy hiệu “Tự vệ Sao vuông”.

Tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ nổ ra ngày 23-9-1945, một trung đội nòng cốt của Đội Cảm tử quân xung phong gồm 40 người theo sự chỉ huy của đồng chí Võ Thức (Thức râu) lên đường Nam tiến, chi viện cho chiến trường Buôn Ma Thuột.  Buổi tiễn đưa các chiến sĩ diễn ra tại sân Ga Thanh Hóa trong khí thế hào hùng. Người lên đường hứa hẹn dũng cảm chiến đấu tiêu diệt giặc Pháp, người ở lại nguyện tích cực xây dựng hậu phương.

Trong suốt quá trình vận động thành lập Đảng bộ tỉnh (1925-1930), nhất là sau khi Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa ra đời (29-7-1930) cho đến khi giành được chính quyền (8-1945), Thị xã là một trong những địa bàn hoạt động của các tổ chức cách mạng liên hệ bắt mối với Trung ương và Xứ ủy. Nhiều lần Đảng bộ Tỉnh đã cử cán bộ, đảng viên về xây dựng cơ sở, xây dựng tổ chức Đảng ở Thị xã, nhưng vì nơi đây là hang ổ mật thám và là dinh lũy của chính quyền thống trị thực dân, phong kiến, nên việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng để trực tiếp lãnh đạo phong trào địa phương rất khó khăn. Do vậy, mọi phong trào và hoạt động của Thị xã đều do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo thông qua một số đảng viên và cán bộ cách mạng được phân công phụ trách.

Sau khi giành được chính quyền (20-8-1945), nhiệm vụ cấp bách là tiến tới thành lập tổ chức Đảng để lãnh đạo nhân dân chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ.

Tháng 11-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tại nhà Phó Sứ (đường Vườn Hoa) Thị xã Thanh Hóa, đánh giá tình hình chung của tỉnh từ sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền và đề ra chủ trương, biện pháp thực hiện những nhiệm vụ cấp bách mà Trung ương Đảng, Chính phủ đã đề ra. Hội nghị chủ trương củng cố, kiện toàn Tỉnh ủy lâm thời, đặt công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang,...

Đồng thời với tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất, uy tín về các địa phương gây dựng phong trào, phát triển tổ chức cơ sở đảng, Tỉnh ủy cử đồng chí Trần Tiến Quân về Thị xã Thanh Hóa để phát triển đảng viên, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc; phát triển cơ sở trung kiên và tạo lập những điều kiện quan trọng để thành lập tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên của Thị xã Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, ngày 15 - 11 - 1945, tại Nhà máy Đèn, đồng chí Bùi Đạt, đại diện Tỉnh ủy đã triệu tập Hội nghị công bố Quyết định của Tỉnh ủy thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Thị xã, do đồng chí Trần Tiến Quân (Trịnh Huy Lãng) làm Bí thư.

Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Đạt nêu lên tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và giao trách nhiệm cho Chi bộ phải ra sức tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ cách mạng, những công nhân ưu tú và quần chúng lao động tốt để kết nạp vào Đảng, làm cho Đảng ngày càng lớn mạnh, để nhanh chóng thành lập Thị ủy chính thức đủ sức lãnh đạo nhân dân bảo vệ chính quyền non trẻ và tổ chức xây dựng cuộc sống mới.

Sự kiện thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên có ý nghĩa lớn lao trong đời sống chính trị của nhân dân Thị xã. Suốt quá trình theo Đảng làm cách mạng cho đến khi giành được chính quyền, lần đầu tiên nhân dân Thị xã Thanh Hóa có được Bộ tham mưu trực tiếp của mình để lãnh đạo nhân dân tiến lên dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, cùng với nhân dân tỉnh và cả nước hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà lịch sử giao phó trong giai đoạn cách mạng trọng đại này.



Ngày 21-12-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 77, quy định các tỉnh lỵ và những nơi đô hội biệt lập và trực tiếp với tỉnh về mặt hành chính đều (từ nay gọi là Thị xã).  

Sách: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá tập I, 1930 - 1954, tr. 138.

Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H,1995, T.6, tr.161

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 26-27.

.Nay là khu đất Ủy ban nhân dân Thành phố Thanh Hóa .

.Trước đây là khu đất Cửa hàng bách hóa ở Đại lộ Lê Lợi, đối diện với Kho bạc Nhà nước. Hiện nay là Trung tâm Thương mại của Công ty Sông Đà.

.Nay là khu đất phía Tây Bắc Ngã tư Lê Hoàn  Tống Duy Tân.

 

 

 

Sau khi thành lập, Chi bộ đã tổ chức Hội nghị tại Nhà máy Đèn, do đồng chí Trần Tiến Quân chủ trì, đề ra một số chủ trương công tác cụ thể như: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên; kiện toàn bộ máy lãnh đạo trong các tổ chức chính quyền và đoàn thể cứu quốc, củng cố các ủy ban công sở, ủy ban xí nghiệp (Nhà máy Đèn, Nhà máy Diêm, Nhà máy Ép dầu Hàm Rồng), giải tán Ủy ban Công sở Nam Đồng Ích; kết hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể cứu quốc, tổ chức vận động quần chúng đoàn kết xung quanh Mặt trận Việt Minh; thành lập dân quân tự vệ ở các khu phố để giữ gìn trật tự trị an, đấu tranh ngăn chặn, trấn áp mọi hành động bắt cóc, tống tiền, cướp của, gây rối của bọn Quốc dân đảng tay sai của bọn Tưởng Giới Thạch. Chi bộ phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Chấp hành chỉ đạo các mặt công tác một cách khẩn trương, tập trung vào những công việc cần kíp của chính quyền cách mạng.

 

 

Công tác xây dựng Đảng trên địa bàn Thị xã được quan tâm, như: phát triển đảng viên, nhanh chóng xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Các đồng chí đảng viên của Chi bộ đi sâu tìm hiểu, bồi dưỡng và giáo dục những cán bộ nòng cốt trong công nhân và nhân dân lao động để kết nạp vào Đảng. Sau một thời gian đi sâu tuyên truyền vận động những công nhân tích cực, giáo dục và chọn lựa những quần chúng ưu tú, tổ chức đã kết nạp được một số đảng viên mới, hình thành nên 2 chi bộ Công vận và Phụ vận, cùng với chi bộ Thanh niên tỉnh đóng vai trò rất quan trọng, nòng cốt trong công tác phát triển đảng, gây dựng phong trào cách mạng trên địa bàn. Do vậy, chỉ một thời gian ngắn, số đảng viên trong Chi bộ đã lên tới 20 đồng chí. Chấp hành Chỉ thị của Tỉnh ủy, tháng 3-1946, tại tầng 2 Nhà máy Đèn, đã diễn ra Hội nghị toàn thể bầu Thị ủy lâm thời, gồm 3 đồng chí: Trần Tiến Quân, Nguyễn Thị Nghiên và Võ Nguyên Lượng, do đồng chí Trần Tiến Quân làm Bí thư.

Hội nghị đã đánh giá tình hình Thị xã từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tập trung bàn biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đấu tranh chống bọn Quốc dân đảng phản động và tay sai. Đồng thời, quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài.

Sau Hội nghị lịch sử này, tuy số lượng đảng viên còn ít, nhưng Đảng bộ đã phát huy được vai trò lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu của mỗi đảng viên, hướng dẫn quần chúng xây dựng cuộc sống mới và chống lại âm mưu phá hoại của bọn phản động.

Sau khi được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ xây dựng, phụ trách Nhà máy in, Đảng bộ Thị xã đã đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới. Đến cuối năm 1946, Nhà máy in kết nạp được 15 đảng viên.

Cùng với việc xây dựng Đảng, Chi bộ chú ý xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, phát triển Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc và tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ chính trị của nhân dân được xúc tiến khẩn trương. Các đội tuyên truyền xung phong do Việt Minh tỉnh và Thị xã thành lập đi về các làng xã, khu phố để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; động viên toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ chế độ mới, sẵn sàng kháng chiến cứu nước.

Trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", tháng 11-1945 Đảng ta "tuyên bố tự giải tán", thực chất là rút vào hoạt động bí mật.

Về xây dựng lực lượng vũ trang, sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là kể từ sau khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, thực hiện âm mưu cướp nước ta lần nữa, lực lượng vũ trang được gấp rút xây dựng, tổ chức hoạt động; các thôn xã đều thành lập các đơn vị dân quân tự vệ. Ở Thanh Hóa, Tỉnh ủy khẩn trương chỉ đạo việc lựa chọn những chiến sĩ yêu nước và điều động một số đơn vị tự vệ ở các huyện thành lập Chi đội Giải phóng quân mang tên gọi Chi đội Đinh Công Tráng (Chi đội Giải phóng quân sau đổi là Chi đội Vệ quốc đoàn, đến đầu năm 1946 đổi là Chi đội Vệ quốc quân). Trên cơ sở lực lượng dân quân, tự vệ rộng rãi, ở Thị xã đã chọn một số thanh niên khỏe mạnh, hăng hái, tổ chức thành các đội dân quân du kích, đội tự vệ. Mỗi khu phố có từ 1-2 trung đội dân quân, du kích hoặc tự vệ chiến đấu, có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, vận động xây dựng nếp sống mới. Lực lượng này chủ yếu được trang bị gậy gộc, gươm, đao; số ít được trang bị lựu đạn, súng trường.

Để kịp thời có vũ khí trang bị cho bộ đội, dân quân du kích, tự vệ, các lò rèn ở xã, khu phố tập trung rèn dao, kiếm; ở Tỉnh lập công binh xưởng sản xuất và sửa chữa vũ khí. Tháng 9-1945, Tỉnh Thanh Hóa thành lập xưởng Cao Thắng, với gần 30 công nhân, máy móc lấy từ nhà máy diêm Hàm Rồng và mỏ Crôm Cổ Định.

Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính Tỉnh chủ trương lập Đoàn Tự vệ thành thay thế Đội Cảm tử quân xung phong. Phần lớn đội viên Đội Cảm tử quân xung phong gia nhập Tự vệ thành.

Tự vệ thành là một đơn vị vũ trang mang tính quần chúng rộng rãi, nhưng kết nạp có lựa chọn những thanh niên ở nội thị, thuộc các tầng lớp khác nhau, không phân biệt tôn giáo, thanh niên học sinh, thợ thủ công, tiểu thương, tiểu chủ, văn nghệ sĩ, cựu binh sĩ, công chức có lòng yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Song, vì chế độ bán thoát ly nên không kết nạp nữ thanh niên.

Đội viên và cán bộ sinh hoạt tập trung, nhưng không thoát ly kinh tế và sản xuất của gia đình. Cán bộ chỉ huy tự vũ trang bằng súng ngắn, dao găm hay kiếm trường. Đội viên tự vệ trang bị lấy đồng phục, giầy da, thắt lưng, túi đạn, mũ calô đính "sao vuông", ghệt phủ giầy, băng bông cá nhân. Ngày thử súng, mỗi đội viên tự túc 5 viên đạn và được nhận 1 khẩu súng trường.

Đoàn Tự vệ thành là đơn vị trung tâm của Tự vệ, có 2 ban: Ban Quản trị hành chính gồm những nhân sĩ có uy tín trong nhân dân và Ban Chỉ huy gồm những cán bộ đã ít nhiều hiểu biết về lĩnh vực quân sự phối hợp chặt chẽ với nhau để điều hành học tập chính trị, rèn luyện quân sự, thực hiện công tác bố phòng, tuần tra canh gác Thị xã.

Lực lượng nòng cốt của Đoàn là Đại đội Hồ Chí Minh do đồng chí Hoàng Kim Cúc làm Đại đội trưởng, đồng chí Trương Khâm làm Chính trị viên (kiêm Chính trị viên đại đội Hồ Chí Minh). Với 100 đội viên, Đại đội Hồ Chí Minh chia làm 3 trung đội: Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong, Hoàng Hoa Thám do các đồng chí Lê Văn Phúc, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn Thới làm Trung đội trưởng. Mỗi trung đội chia thành 3 tiểu đội… Mỗi sáng hàng ngày, các chiến sĩ Đại đội Hồ Chí Minh tập chạy việt dã để bố trí chiến thuật tiến công, ngày mưa thì tổ chức học chính trị. Ở tất cả các khu phố đều có Trung đội tự vệ khu phố. Việc rèn luyện quân sự, học tập chính trị thường phối hợp với lực lượng Tự vệ thành, do đó mà có sự gắn bó giữa đơn vị tự vệ toàn Thị xã với đơn vị tự vệ từng khu phố, mà chưa có sự chỉ huy chung.

Việc mua sắm vũ khí được quan tâm. Cùng với sự quyên góp từ các nhà tư sản yêu nước, chính quyền tỉnh đã tài trợ cho Thị xã 20 vạn đồng Đông Dương để mua sắm vũ khí. Với số tiền đó, Ban Chỉ huy Đoàn đã tìm mua được 100 khẩu súng trường (súng Mousqueton) mà bà con dân chài Đồ Sơn (Hải Phòng) vớt được từ dưới sông, biển do lính Nhật phản chiến ném xuống. Để tránh tai mắt bọn Tàu Tưởng, số súng mua về được cất giấu tại Nhà thờ họ Trần ở thôn Phú Cốc.

Sau khi thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm Nam Bộ (23-9-1945), Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ kháng chiến. Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập các đơn vị Nam tiến. Hưởng ứng lời kêu gọi, tỉnh Thanh Hóa thành lập ngay “Phòng Nam Bộ”, ghi tên những người tình nguyện vào Nam chiến đấu và tổ chức các đơn vị Nam tiến. Ở Thị xã thành lập Ủy ban ủng hộ chiến sĩ Nam Bộ, lập Quỹ Nam Bộ, tổ chức Ngày kháng chiến, Ngày nỗ lực sản xuất; tổ chức mít tinh, biểu tình ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Tại Thị xã Thanh Hóa, Tỉnh ủy tổ chức một cuộc mít tinh lớn, hàng vạn người xuống đường tuần hành qua các đường phố hô vang khẩu hiệu phản đối thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ. Một đại đội bộ đội Thanh Hóa đã gia nhập đoàn quân Nam tiến ngay từ những ngày đầu.

Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền nhân dân được thiết lập, song tình hình tài chính hết sức nguy ngập. Ngân khố Trung ương gần như trống rỗng. Ngân khố địa phương cũng trong tình trạng ấy. Đồng bạc Đông Dương mất giá. Phải dựa vào sức mạnh nhân dân để huy động nguồn tài chính đảm bảo duy trì hoạt động của bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân.

Để góp phần giải quyết khó khăn về tài chính, ngân sách của Trung ương và các địa phương, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thị xã cùng với các địa phương trong tỉnh tổ chức tốt "Tuần lễ vàng" và các cuộc quyên góp xây dựng "Quỹ độc lập", "Quỹ đảm phụ quốc phòng". Những cuộc vận động này được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng bằng cách góp tiền, vàng, bạc, đồng, lúa gạo, trâu bò[3].

Trong cuộc vận động ủng hộ Quỹ độc lập (9-1945), Ban vận động của Thị xã đã đi đến từng nhà dân, kể cả Hoa kiều, Ấn kiều giải thích chủ trương của Chính phủ, vận động các gia đình đóng góp giúp Chính phủ giải quyết khó khăn. Một phong trào quần chúng ủng hộ tài lực cho Chính phủ đã được phát động, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và niềm mong ước thiết tha giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa mới giành được. Tiếp theo là Tuần lễ vàng được tổ chức thành cuộc mít tinh hưởng ứng tại Hành Cung[4], do đồng chí Lê Tất Đắc Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Tỉnh phát biểu ý kiến khai mạc. Sau khi nêu rõ ý nghĩa của Tuần lễ vàng là để làm cơ sở cho việc xây dựng đồng tiền quốc gia độc lập, đồng chí kêu gọi mọi người, mọi gia đình thể hiện lòng yêu nước thiết tha, ý chí tự chủ, tự cường, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, có thứ gì góp thứ ấy, ủng hộ để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Tổng kết Tuần lễ vàng ở Thị xã nhân dân đóng góp được 187 lạng 2 chỉ 4 phân vàng (toàn tỉnh quyên góp được 523 lạng, 6 chỉ, 6 phân vàng)[5].

Đúng 2 giờ chiều ngày 23-11-1945, chính quyền Thị xã tổ chức cuộc mít tinh tại “Vườn hoa Độc lập”[6] khai mạc Tuần lễ đồng. Đông đảo nhân dân và cán bộ chính quyền 10 khu phố đã tham dự. Sau khi nghe giới thiệu ý nghĩa, mục đích đóng góp đồng để rèn đúc vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang, nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, mọi người tỏa về từng khu phố, cán bộ đi thành đoàn đến nhà dân quyên góp. Cuối tuần lễ, toàn Thị xã thu được 1.781 kg đồng.

Hưởng ứng Lời kêu gọi "Nhường cơm sẻ áo" thực hiện những "Ngày đồng tâm". Cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, 1 tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đề nghị đồng bào cả nước và tôi xin thực hiện trước", trong mỗi gia đình của Thị xã đã xuất hiện "Hũ gạo tiết kiệm cứu đói". Lúc đầu nhân dân cũng thực hiện nhịn ăn, song về sau đã sáng tạo hơn dưới hình thức: cứ mỗi lần vo gạo nấu ăn trong ngày thì bớt lại 1-2 lẻ gạo bỏ vào hũ. Dồn lại trong 10 ngày 1 lần đem hũ gạo đó đóng góp chung, kết quả thu được nhiều hơn là "10 ngày nhịn ăn một bữa".

Nhờ hũ gạo tiết kiệm cứu đói mà dân nghèo Thị xã và các làng thôn lân cận được giúp đỡ kịp thời, vượt qua khó khăn lúc giáp hạt.

Để ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, về lâu dài, chính quyền và Mặt trận Việt Minh Thị xã ra sức thực hiện chủ trương toàn dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; tích cực phát triển các loại cây rau màu, lương thực ngắn ngày, tận dụng đất hoang hóa để tăng gia sản xuất.

Thực hiện lời kêu gọi diệt giặc dốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng và Mặt trận Việt Minh Thị xã tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào diệt giặc dốt. Ban Bình dân học vụ được thành lập. Phong trào bình dân học vụ được tổ chức khắp các khu phố, làng xã, với nhiều lớp học buổi trưa, buổi tối. Những người biết chữ tự nguyện xung phong làm giáo viên dạy cho người chưa biết chữ. Nhiều hình thức diệt dốt được thực hiện phong phú, sinh động như tổ chức hỏi chữ ngoài cổng chợ hoặc ngang đường, khích lệ tinh thần học tập mọi lúc, mọi nơi của người dân trong Thị xã.

Hàng chục lớp học được mở ra ở đình chùa, nhà ở, lều chợ. Hàng trăm học viên mọi lứa tuổi, với đội ngũ giáo viên-những chiến sĩ diệt dốt thuộc mọi tầng lớp tự nguyện tham gia dạy chữ, do nhà giáo yêu nước Lê Duy Hoàn phụ trách. Người học không mất tiền lại còn được trợ cấp giấy bút nếu túng thiếu, người dạy không lấy tiền. Những lớp học ấy đã góp phần đưa ánh sáng văn hóa vào tầng lớp thất học do chế độ cũ để lại, giúp người dân biết đọc, biết viết, từ đó nâng cao hiểu biết, góp phần xây dựng chế độ mới.

Cuộc vận động đời sống mới do chính quyền cách mạng đề ra được nhân dân Thị xã nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin, tệ cờ bạc, rượu chè lãng phí, linh đình bị loại trừ. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển, động viên, cổ vũ nhân dân hăng hái tham gia thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Nhiều đội văn nghệ được thành lập, vừa biểu diễn các tiết mục phục vụ nhân dân, vừa góp phần tuyên truyền đời sống văn hóa mới ở cơ sở.

Khi quân Tưởng kéo vào Thanh Hóa, chính quyền Tỉnh và Thị xã thể hiện đầy đủ trách nhiệm chủ nhân đất nước tổ chức chu đáo việc đón tiếp họ với khẩu hiệu bằng tiếng Anh treo khắp đường phố: “Hoan hô quân đội Đồng Minh vào tước vũ khí quân đội Nhật, bố trí địa điểm đóng quân, cung cấp lương thực, thực phẩm cho họ.

Tình hình chính trị ở Thị xã Thanh Hóa lúc này rất phức tạp bởi những hoạt động chống phá của các phần tử cơ hội, phản động. Nhiều phần tử thuộc Đại Việt chưa bị xử lý trong Cách mạng Tháng Tám nổi dậy theo Việt Quốc từ ngoài vào lập nên Đệ lục chiến khu ở ấp Di Linh huyện Nông Cống (nay là xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn).

Với sách lược mềm dẻo, một mặt ta bố trí lực lượng bao vây ấp Di Linh cắt nguồn tiếp tế từ bên ngoài vào, mặt khác phái viên của Tỉnh vào ấp thương lượng cam kết sẽ không bắt một người nào, nếu chúng giải thể chiến khu, nộp khí giới cho chính quyền cách mạng thì được tha bổng. Do chịu sức ép từ nhiều phía nên chúng buộc phải chấp nhận điều kiện này, giao nộp cho ta 71 súng và nhiều đạn dược, phương tiện hoạt động khác.

Lợi dụng thiện chí của ta, vừa về đến Thị xã, bọn chúng dựa vào quân đội Tưởng cướp trụ sở Nông Giang và Khách sạn Tứ Dân lập nên trụ sở Tỉnh bộ Quốc dân đảng, đồng thời chiếm một số nhà dân ở Cầu Sâng, phố Tịch Điền, phố Chợ, phố Nhà Thương để làm trụ sở các Khu bộ.

Dưới sự điều khiển của Đặng Trần Hồ và Nguyễn Hữu Nhơn là Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Tỉnh bộ Quốc dân đảng tại Thanh Hóa, bọn chúng đã dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, ép buộc một số thanh niên kém giác ngộ, một số phần tử bất mãn để lập nên các đội võ trang tiến hành hoạt động khủng bố, giết người, làm đủ điều dã man tồi tệ. Được quân Tưởng che chở, một nhóm 3 tên Việt Quốc có trang bị vũ khí đến nhà dân ở phố Ngô Hải Hoàng (phố Hàng Đồng hiện nay) để tống tiền. Trước hành động đó, 1 tiểu đội Cảnh sát xung phong Thanh Hóa đã vào ngăn chặn chúng hành động, liền bị chúng dùng súng bắn và ném lựu đạn làm Tiểu đội trưởng Lộc và hai chiến sĩ Thuyết và Thọ bị thương nặng . Chúng còn ngang nhiên bắt cả một cán bộ cảnh sát và một cán bộ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Thị xã về giam giữ tại trụ sở của chúng.

Những hành động trái phép công khai diễn ra làm mọi người căm phẫn. Song với khẩu hiệu lúc này là "Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết", thực hiện chính sách “đoàn kết, nhẫn nhục, nhưng không khuất phục”, ta đã huy động lực lượng quần chúng biểu tình phản đối hành động chiếm đóng công sở, đả đảo hành động khủng bố, bắt cóc, tống tiền của bọn Việt Quốc, đòi thả ngay những cán bộ bị chúng bắt cóc, đòi bồi thường thương tật cho những nạn nhân do chúng gây nên. Từ đó tiến hành một chiến dịch tuyên truyền qua hệ thống loa cực mạnh, phối hợp giữa Phòng Thông tin và Hội Công nhân cứu quốc vạch mặt bọn Việt Quốc, Việt Cách ở Thanh Hóa.

 Công tác tuyên truyền đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về Mặt trận Việt Minh, về Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là người thực sự đại diện cho quyền lợi nhân dân, còn bọn Việt Quốc, Việt Cách chỉ là một lũ cơ hội chính trị, phản dân hại nước. Từ đó, sự ủng hộ Chính phủ của nhân dân ngày càng tăng lên.

Nhằm củng cố và phát triển phong trào cách mạng, sau tết Nguyên đán Đinh Hợi năm 1946, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ điều động một lực lượng tuyên truyền xung phong gồm 9 người, do đồng chí Đào Duy Dếnh chỉ huy, ra Thanh Hóa phối hợp với Đội Trinh sát Sao Vàng của Việt Minh tỉnh và lực lượng cảnh sát xung phong Thanh Hóa tiến quân trừng trị bọn Quốc dân Đảng. Một buổi sáng tháng 2-1946, Đội Trinh sát Sao Vàng đã bắn chết Hoàng Văn Bách, một tên Quốc dân Đảng phản động nhất.

Nhằm trấn áp những hành động bắt cóc, tống tiền, ám sát cán bộ, hãm hiếp phụ nữ,… của bọn phản động Quốc dân Đảng, tháng 3-1946, lực lượng  cách mạng tiến công vào các trụ sở Khu bộ của chúng ở phố Tịch Điền, phố Chợ, Cầu Sâng…, trụ sở Việt Cách ở phố Bờ Hồ (khu đất Xí nghiệp Điện cơ đối diện với Công an tỉnh hiện nay). Cùng với kiên quyết trấn áp bọn phản động, nhân dân Thị xã đã hưởng ứng cuộc mít tinh lớn do Tỉnh ủy tổ chức tại Thị xã, tuần hành qua các đường phố nơi bọn Việt quốc, Việt cách và quân đội Tưởng chiếm đóng, hô vang khẩu hiệu phản đối thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ, tiễu trừ Việt gian phản động, Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Nội dung điều khoản Hiệp ước Pháp - Hoa ký ngày 28-2-1946 quy định: “Quân đội Pháp thay thế quân đội Tưởng ở phía Bắc vĩ tuyến 16 làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật”. Đến tháng 5-1946, quân đội Tưởng rút khỏi Thị xã Thanh Hóa, bọn Việt Quốc, Việt Cách cuốn gói chạy theo.

Để xây dựng, củng cố nền dân chủ mới, Chính phủ thấy rõ tính cấp bách phải củng cố cơ sở pháp lý của Nhà nước mới. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị sớm tổ chức tổng tuyển cử và ban hành Hiến pháp. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v…”.

Cuộc Tổng tuyển cử được ấn định vào ngày 6-1-1946 để bầu Quốc hội, đi tới lập Chính phủ chính thức và xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập. Ngày 6-1-1946, như ngày hội lớn của toàn dân, cử tri cả nước Việt Nam nô nức đi bầu cử. Lần đầu tiên trong lịch sử, công dân Thị xã Thanh Hóa, với ý thức chính trị cao của người dân mới giành được độc lập, già trẻ, gái trai, từ 18 tuổi trở lên đã ăn mặc gọn gàng, tươm tất như đi trẩy hội, đến nơi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Bọn Việt Quốc, Việt Cách tìm mọi mưu mô phá hoại cuộc bầu cử. Song tại các địa điểm đặt hòm phiếu, ta đã chú trọng việc canh phòng bảo vệ, nên chúng chỉ la lối phản tuyên truyền ở ngoài khu vực bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của cả nước tại Thị xã Thanh Hóa diễn ra thắng lợi, 99% số cử tri đã tham gia bầu cử, góp phần với cả tỉnh bầu ra 14 đại biểu Quốc hội khóa I tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trong số đại biểu trúng cử có đồng chí Nguyễn Đình Thực, Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa, một cán bộ hoạt động cách mạng liên tục trong nhiều năm và là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng ở Lò Chum.

Tiếp đó, tháng 4-1946, lần đầu tiên cử tri Thị xã tham gia bầu cử cơ quan quyền lực địa phương là Hội đồng nhân dân, theo số lượng được quy định tại Sắc lệnh số 77, ngày 21-12-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

Trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân Thị xã khóa đầu tiên là những người tiểu biểu cho tinh thần đoàn kết xây dựng chính quyền cách mạng, trong đó có Phạm Văn Sáu, Lê Trọng Tân, Vũ Thức, Nguyễn Thế Kỷ,  Trương Khâm, Phan Văn Duệ…

Sau khi được Ủy ban hành chính Tỉnh công nhận tính hợp lệ của cuộc bầu cử, Hội đồng nhân dân Thị xã đã bầu Ủy ban hành chính Thị xã do đồng chí Phạm Văn Sáu làm Chủ tịch, đồng chí Lê Trọng Tân làm Phó Chủ tịch, đồng chí Vũ Thức làm Ủy viên Thư ký. Từ đây, Ủy ban hành chính Thị xã thay thế Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Thị xã được chia làm 10 khu phố. Căn cứ Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945, để phù hợp với tình hình mới, Hội đồng nhân dân Thị xã điều chỉnh từ 10 khu phố thành 4 khu phố.

Đầu năm 1946, thực hiện chủ trương của Bộ Nội vụ về việc bầu Ủy ban hành chính các khu phố, từ 10 khu phố cũ chia thành 4 khu phố mới là: Khu phố 1, từ phía Nam phố Tống Duy Tân đến ngã ba Tịch Điền; Khu phố 2 từ phía Bắc phố Tống Duy Tân đến phía Nam đại lộ Lê Lợi; Khu phố 3 từ phía Bắc đại lộ Lê Lợi đến phía Bắc Thị xã; Khu phố 4 là Khu phố Lò Chum.

Thi hành Nghị định ngày 28-1-1946 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về hướng dẫn bầu cử Ủy ban hành chính khu phố, Ủy ban hành chính Thị xã đã hướng dẫn và tổ chức cho cử tri bầu cử Ủy ban hành chính các khu phố mới theo Nghị định. Trúng cử Ủy ban hành chính các khu phố gồm các vị: Khu phố I, ông Dương Danh Nhượng, Chủ tịch; Khu phố II, ông  Trương Khâm, Chủ tịch; Khu phố III: Ông Trần Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Nhượng, Thư ký; Khu phố IV: ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Thiêm, Phó Chủ tịch.

Hoạt động ngoại giao cũng là một trong những mặt trận đấu tranh quan trọng, chống nguy cơ trở lại xâm lược của thực dân Pháp và sự phá hoại cách mạng của lũ thù trong giặc ngoài. Thị ủy cùng với nhân dân Thị xã theo dõi bước đi hoạt động ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và quyết tâm làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào cuộc đấu tranh ngoại giao đạt kết quả.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước Việt-Pháp (14-9-1946) nhằm kéo dài thời gian hòa bình, để ta chuẩn bị thực lực về mọi mặt cho cuộc kháng chiến được dự đoán là không tránh khỏi, công việc “sửa soạn kháng chiến” được xúc tiến hết sức khẩn trương. Từ cuối năm 1946, trước tình hình cấp bách, Trung ương Đảng và Chính phủ áp dụng những biện pháp đặc biệt để củng cố và tăng cường sức mạnh của hệ thống cơ quan chính quyền địa phương.

Tháng 11-1946, sau khi giải thể Xứ ủy Trung Bộ, Trung ương Đảng quyết định bỏ cấp xứ, chia Trung Bộ thành hai khu: Khu IV và Khu V. Khu IV gồm sáu tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh-Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên). Sau Hội nghị thành lập Khu ủy (11-1946), các Đảng bộ tỉnh cũng lần lượt mở Hội nghị kiểm điểm tình hình, xác định rõ nhiệm vụ mới và kiện toàn cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh.

Cuối năm 1946, liên bộ Quốc phòng-Nội vụ ban hành Thông lệnh số 6/NV-CT về Tổ chức bộ máy chính quyền trong trường hợp đặc biệt. Theo Thông lệnh số 6, sẽ “lập ở mỗi khu quân sự, tỉnh và nếu cần, mỗi huyện, mỗi xã một ủy ban gọi là Ủy ban bảo vệ” (Điều 6). Như vậy, hệ thống cơ quan hành chính địa phương được củng cố thêm bằng một hệ thống các cơ quan bảo vệ nhằm huy động nhân vật lực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ủy ban Kháng chiến Thị xã do đồng chí Lê Hữu Khai (Vũ Hữu Nhân) làm Chủ tịch. Lực lượng dân quân tự vệ các khu phố được xây dựng và củng cố, ra sức luyện tập quân sự, canh phòng bảo vệ Thị xã.

II. LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CHI VIỆN SỨC NGƯỜI, SỨC CỦA GÓP PHẦN KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP THẮNG LỢI (1947-1954)

Sau khi thực dân Pháp bộc lộ rõ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, dân tộc Việt Nam không còn con đường nào khác là phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ đêm 19-12-1946, tiếng súng kháng chiến ở Hà Nội và nhiều nơi khác mở đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 20-12-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đáp ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiếncủa Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta, toàn thể dân tộc Việt Nam bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, đã anh dũng đứng lên kháng chiến.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền cách mạng, nhân dân Thị xã đã tích cực tham gia kháng chiến, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, phá hoại các đường giao thông phòng ngừa quân địch tiến vào địa phương. Đồng thời tổ chức lại bộ máy chính quyền cách mạng cho phù hợp với thời chiến.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Đảng bộ Thị xã và bộ máy chính quyền các cấp đã chuyển hẳn trọng tâm công tác sang lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và động viên toàn dân đứng lên sẵn sàng đánh giặc, kiên quyết bảo vệ vững chắc vùng tự do.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ lớn được đặt ra trước cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương là: Xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương an toàn không cho giặc Pháp tràn tới, nếu chúng có tới thì cũng không thể trụ lại được, xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương vững mạnh chi viện cho các chiến trường, đồng thời là nơi tiếp nhận đồng bào từ các vùng có chiến sự tản cư đến.

Nhân dân Thị xã Thanh Hóa, trung tâm của cả tỉnh, đầu mối giao thông ra Bắc, vào Nam, đã nhất tề anh dũng đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát triển dân quân tự vệ, tăng cường luyện tập quân sự, nâng cao kỹ thuật chiến đấu, thực hành chiến thuật du kích… tạo nên một phong trào kháng chiến, kiến quốc mạnh mẽ. Từ gia đình này đến gia đình khác trong các khu phố đã đục thủng bờ tường, vách ngăn của các hộ gia đình tạo thành đường hành quân bí mật trong từng dãy phố, đào đắp công sự kháng chiến trên các trục đường ở ngã ba, ngã tư… Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền Thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương công tác tản cư. Với tinh thần: Triệt để phá hoại! Nhanh chóng tản cư! Nhiều gia đình ở Thị xã đã sơ tán ra vùng ven ngoại thị, có gia đình đã dọn bớt đồ đạc về làng quê nơi chôn rau cắt rốn…

Từ cuối năm 1946, các cơ quan hành chính cấp tỉnh lần lượt dời khỏi Thị xã. Các cơ quan kháng chiến có nhiệm vụ bám giữ đất thì dời khỏi những khu nhà kiên cố đang được phá hủy đến đóng trong các đình chùa: Ủy ban kháng chiến tỉnh đóng trụ sở ở Hội Phật học, Ủy ban kháng chiến Thị xã đóng ở chùa Quảng Thọ.

Trong hoàn cảnh đồng bào đã tản cư ra ngoại thị, nhằm tăng cường lực lượng kháng chiến, bên cạnh lực lượng vũ trang tập trung, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh quyết định thành lập lực lượng du kích Thị xã gồm 2 đại đội: Đại đội 1 tuyển lựa những thanh niên tự vệ khu phố hăng hái tình nguyện gia nhập; Đại đội 2 đặc cách lấy Đại đội tự vệ Hồ Chí Minh của tự vệ thành. Lực lượng du kích Thị xã do đồng chí Dương Danh Nhượng trực tiếp phụ trách.

Một lực lượng khác là du kích liên huyện C do đồng chí Lê Xuân Tại phụ trách, cùng với lực lượng du kích Thị xã, do đồng chí Nguyễn Trọng Hoàn sau khi được huấn luyện quân sự ở Quân khu về thay cho đồng chí Dương Danh Nhượng, đóng tại Nhà dòng Phơ-răng-xít-canh (Franciscain), địa điểm khu vực Sở Y tế đường Lê Quý Đôn hiện nay.

II. Lãnh đạo nhân dân đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1947-1954)

Nhằm động viên đồng bào và chiến sĩ Tỉnh Thanh Hóa trong phong trào kháng chiến, kiến quốc, xem xét những điều kiện để xây dựng "căn cứ địa kháng chiến", trước khi dời lên chiến khu Việt Bắc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa. Ngày 20-2-1947 được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm, nhân dân Thị xã vô cùng phấn khởi và tự hào, mong chờ được đón vị Cha già dân tộc.

Sau khi làm việc với Tỉnh ủy, gặp mặt các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào của tỉnh, hơn 18 giờ ngày 20-2-1947 (30 tháng giêng Đinh Hợi), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Văn hóa kháng chiến, Chủ tịch Ủy ban hành chính Tỉnh Thanh Hóa và Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ Giao thông công chính, Bộ Canh nông đã dành thời gian gặp gỡ và nói chuyện với đông đảo nhân dân Thị xã trong cuộc mít tinh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sân Nhà Thông tin (nay là Hiệu sách nhân dân, ở Đại lộ Lê Lợi).

Trong tiếng hô vang "Hồ Chủ tịch muôn năm" dậy lên như sấm, Người lanh lẹn, vui vẻ bước lên diễn đàn giơ tay chào đồng bào và chiến sĩ. Sau khi nhận hoa và lời chúc mừng của đại biểu các ngành, các giới, giữa sự yên lặng và hồi hộp của hàng ngàn trái tim, với giọng nói ấm cúng, ngân vang, ấm áp tình thương yêu của lãnh tụ đối với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi để đồng bào, chiến sĩ Thanh Hóa trả lời:

Sau tám mươi năm làm nô lệ cho thực dân Pháp, bây giờ có ai muốn trở lại làm nô lệ không? Mọi người đồng thanh hô vang : "Không".

Người lại hỏi: "Các bạn có muốn tăng gia sản xuất không? Các bạn có muốn giúp đỡ đồng bào tản cư không? Các bạn có nhất tâm quyết chiến không? Các bạn có muốn Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu không"?

Sau mỗi câu hỏi của Bác, mọi người đồng thanh hô vang: "Có! Quyết tâm! làm theo lời dạy của Người".

Nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ vị trí, vai trò của Thanh Hóa và coi đây đã và sẽ là một vùng căn cứ địa kháng chiến, hậu phương chiến lược của cuộc kháng chiến. Người giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa phải ra sức xây dựng địa phương thành một vùng hậu phương với chế độ xã hội mới ưu việt, kiểu mẫu về mọi mặt. Người nhấn mạnh: Phải làm sao cho mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Xây dựng Thanh Hóa kiểu mẫu đồng nghĩa với xây dựng chế độ dân chủ nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra tiềm lực hùng hậu của căn cứ địa, hậu phương kháng chiến; làm tốt chính sách hậu phương, tiếp đón và giúp đỡ cán bộ, đồng bào tản cư từ nơi khác đến.

Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã bày tỏ quyết tâm làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chuyến thăm đồng bào Thanh Hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra sau 2 tháng toàn quốc kháng chiến. Đây cũng là thời điểm tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp bùng lan tới Thị xã Thanh Hóa.

 Hồi 10 giờ 15 phút ngày 21-2-1947, thực dân Pháp đã cho hai chiếc máy bay bay qua Thanh Hóa, liệng xuống bắn mấy hồi liên thanh vào một vài nơi trong Thị xã, bắn trúng hai đầu máy xe lửa đậu ở Nhà ga. Vì không kịp chạy vào hầm trú ẩn, hai người bị thiệt mạng và hai người bị thương. Đây là lần thứ nhất máy bay địch bắn phá Thị xã  Thanh Hóa.

Vụ tấn công thứ hai của giặc Pháp vào Thị xã diễn ra vào tháng 8-1947. Quân Pháp cho một phi đội máy bay B.26 từ phía Tây ào tới ném bom cả bốn phía trung tâm trường Dòng, làm sạt mái, sập trần, gãy tượng Đức Bà ở phía trước và những khối tường khác ở góc sân. Một quả bom khác làm nổ tung mái nhà ăn, xuyên bê tông sàn tầng hai của phòng ăn. Các chiến sĩ du kích lúc bấy giờ đang ở tại khu giảng đường phía Đông đã bằng mọi cách thu hẹp diện tích tiếp xúc để tránh mảnh bom, mảnh gạch ngói bay tới, rồi từ từ rút theo đường giao thông hào ra ngoài an toàn, không một ai bị thương.

Nhằm kiện toàn một bước bộ máy chính quyền các cấp phù hợp với thời chiến, ngày 1-10-1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 91-SL quyết định hợp nhất Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã, và gọi là Ủy ban kháng chiến hành chính (trong đó cấp huyện có 7 ủy viên; cấp xã có 5 ủy viên).

Khi Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh dời lên Thiệu Hóa, đơn vị du kích liên huyện C trở thành đơn vị bộ đội địa phương trực thuộc Tỉnh đội bộ Dân quân. Trên cơ sở lực lượng du kích Thị xã là đơn vị chủ lực, ngày 10-10-1947, Chính trị viên Tỉnh đội Lê Hữu Khai đã ký quyết định thành lập Thị đội bộ Dân quân thị xã Thanh Hóa.

Ngày 7-11-1947, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh quyết định sáp nhập cơ quan Thị đội bộ (gồm 20 cán bộ) vào Tỉnh đội bộ, lực lượng du kích Thị xã xem như đã hoàn thành nhiệm vụ. Đội viên nào có điều kiện thoát ly thì gia nhập quân đội, một số khác trở về gia đình.

Trong hoàn cảnh lực lượng dân quân tập trung, cán bộ Tỉnh, Thị xã  và khu phố ở lại giải quyết mọi công việc trong khi gia đình đã tản cư ra ngoại thành, những cán bộ, chiến sĩ quân đội có nhiệm vụ về công tác qua Thị xã cần được tạo điều kiện trong ăn uống, nhưng do các gia đình ở Thị xã đã tản cư nên không còn một quán cơm tư nhân nào. Trước tình hình đó, Ủy ban kháng chiến tỉnh giao cho Hội Phụ nữ Cứu quốc tổ chức Quán cơm kháng chiến. Những nữ sinh năm xưa như các chị Túy Nga, Võ Thị Nhẫn, Nữ Tú, Sự, Hồng… tuy chưa quen bếp núc, nhưng đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo cơm ngon, canh ngọt phục vụ cán bộ, chiến sĩ.

Cuối năm 1947, Đảng bộ và nhân dân Thị xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến, tổ chức cho nhân dân tản cư về các nơi. Đảng bộ, chính quyền và đoàn thể Thị xã đều được chuyển sang hình thức tổ chức hoạt động mới cho phù hợp với hoàn cảnh thời chiến. Từ tháng 3 đến tháng 9-1947,  Thị xã Thanh Hóa đã được san bằng, đánh sập các công sở được xây dựng từ thời Pháp thuộc, như Tòa sứ, Kho Bạc, Sở Đoan, Nhà dây thép, Khách sạn Rây-nô và các dinh thự của quan lại triều nhà Nguyễn, như Dinh Tổng đốc, Bố chánh, Án sát và khu hành cung; Rạp chiếu bóng Xi-nê-ắc (Cinéaac), Gô-mông (Gaumont),… Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã từ đầu thế kỷ XX bị đánh chìm xuống lòng sông. Tòa Thành tỉnh có từ đầu thế kỷ XIX khi tỉnh lỵ Thanh Hóa được thành lập, cũng được phá. Máy móc thiết bị của các Nhà máy Đèn, Nhà máy Diêm, Nhà in được tháo dỡ, di chuyển về các huyện miền Tây để xây dựng các xưởng quân giới, xưởng Diêm Hưng Việt, Nhà máy Giấy, Nhà in.

Tiếp đến gần 2 ngàn ngôi nhà gạch của dân, trong đó có hơn ba trăm ngôi nhà 2 tầng do nhân dân tự đập phá, dỡ bỏ. Chính quyền cấp giấy phép cho chủ nhà được vận chuyển luồng, gỗ, gạch, ngói làm vật liệu đi xây dựng nhà ở nơi mới. Vài ba ngôi nhà 3 tầng của người dân còn sót lại đã được lực lượng công binh triệt phá. Tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, những khu đền chùa, những nhà thờ Đạo Thiên chúa… vẫn được giữ nguyên vẹn từ tường rào đến gốc cây, ngôi nhà.

 Tiêu thổ kháng chiến nói lên quyết tâm của nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung và của nhân dân Thị xã Thanh Hóa nói riêng. Chỉ trong vòng mấy tháng, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, Thị xã tỉnh lỵ của Tỉnh Thanh Hóa  trở thành một vùng hoang tàn.

Tháng 7-1947, cấp chính quyền Thị xã và các khu phố chính thức giải thể. Vùng đất Thị xã giao cho Ủy ban hành chính kháng chiến 3 xã: Đông Thọ, Đông Hương, Đông Vệ (huyện Đông Sơn) quản lý.

Từ sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, những năm 1947-1948, ở Thanh Hóa cũng như vùng toàn Liên khu IV, để tránh sự bắn phá của địch, những nơi tập trung đông người, các cơ quan, nơi họp chợ phải di chuyển và nhân dân Thị xã phải sơ tán về vùng nông thôn. Cấp hành chính Thị xã tỉnh lỵ giải thể.

Ở Thị xã Thanh Hóa, 2/3 số dân sống bằng nghề công thương sơ tán ra vùng ven Thị xã như Cầu Bố, Voi, Nấp, Nhồi, Cầu Trầu, Cầu Cáo, Rừng Thông, Phố Kết... Đời sống của người tản cư lúc đầu gặp nhiều khó khăn, các giới buôn bán ở  đô thị tản cư về thôn quê chỉ có 1/2 quen với hoàn cảnh kháng chiến, tìm kế sinh nhai tạm đầy đủ, còn 1/2 lâm vào cảnh thiếu thốn và ngày càng chật vật. Năm 1948, đại đa số dân tản cư sinh sống rất chật vật, sự buôn bán mới hình thành từ Đồng Quan, Chợ Đại vào Cầu Bố, thì đến đầu năm 1949 Cầu Bố đã trở thành một thị trấn lớn, thu hút một số lớn đồng bào tản cư từ Bắc Bộ vào hay ở Thị xã Thanh Hóa tản cư về thôn quê, huyện lỵ. Đồng thời nhu cầu giao lưu hàng hóa giữa các vùng trong thị trường nội địa, giữa vùng tự do và vùng địch hậu tăng lên, hầu hết đồng bào ở Thị xã Thanh Hóa cũ đã có mặt tại Cầu Bố - Mật Sơn, tập trung ở dọc đường từ Mật Sơn - Cầu Bố đến làng Voi. Đa số dân chúng tản cư ở các nơi đã tiếp tục trở về Cầu Bố và làm rất nhiều nhà để ở.

Cuối năm 1948, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh chủ trương triệt để tản cư ở những nơi đông đúc. Đầu năm 1949, Công an quận II đã cùng với đại diện Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Đông Sơn, xã Đông Vệ và ông Lâm Quang Đồng, đại diện cho đồng bào tản cư kiểm kê lập biên bản bắt buộc đình chỉ những nhà mới làm, nhưng cứ qua đêm và sáng hôm sau đã mọc thêm nhiều nhà mới khác. Sở dĩ có tình trạng này là vì dân chúng chủ quan khinh địch, thấy Chính phủ nêu khẩu hiệu chuẩn bị tổng phản công đã vội reo mừng cho là độc lập đến nơi không cần phải đề phòng nữa. Tình trạng ấy có thể gây ra nhiều kết quả không hay: Phi cơ địch oanh tạc, quân địch tiến công đổ bộ bất ngờ, sự thiệt hại rất lớn. Do đó, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh chủ trương: Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Đông Sơn giải thích cho đồng bào để đồng bào vui lòng tự dỡ, ai lần khân thì cho dân quân dỡ, ai có ý định làm nhà mới thì can ngăn ngay để tránh kêu nài. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng gửi nhiều đơn thư khiếu nại về tỉnh, Yêu cầu đình chỉ lệnh phá dỡ để dân có nơi làm ăn buôn bán vì đời sống quá chật vật, khi nào có lệnh khẩn cấp dỡ nhà thì dân sẽ tự tháo dỡ, nếu không thì yêu cầu dỡ hết toàn bộ số nhà đã làm trên đường Quán Mật - Cầu Bố cho được công bằng.

Trước tình hình đó, Tỉnh đã báo cáo và được Liên khu IV chấp nhận cho thành lập Khu phố đặc biệt Cầu Bố để xác định rõ trách nhiệm tổ chức đời sống và vận động cư dân tích cực tham gia kháng chiến. Từ đầu năm 1949, việc lập các khu phố đặc biệt, các trại di cư, tản cư được triển khai rộng ở vùng tự do Liên khu IV.

Ngày 14-5-1949, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV thành lập khu phố đặc biệt Cầu Bố do Ủy ban kháng chiến hành chính khu phố điều hành, trực thuộc huyện Đông Sơn, có 5 ủy viên, phụ cấp hàng tháng của các ủy viên Ủy ban Khu phố tương đương với Ủy ban xã, kinh phí do Chính phủ đài thọ.

Chủ trương của Liên khu được nhân dân Cầu Bố nhiệt liệt hoan nghênh và hưởng ứng tham gia cuộc bầu cử chính quyền Khu phố, do ông Lâm Quang Đồng làm Chủ tịch. Từ tháng 8-1949, nhân dân Khu phố Cầu Bố được tập hợp lại và bố trí sinh hoạt theo đơn vị phố: Tân Lập, Cầu Bố, Nghĩa Địa, Phố Mới nên đã phát huy được nhiều mặt tích cực.

Năm 1947-1948, công tác xây dựng Đảng được chú trọng thường xuyên. Các cấp bộ đảng đã tổ chức nhiều đợt nghiên cứu, học tập và một số lớp huấn luyện cho cán bộ, đảng viên nhằm quán triệt đường lối kháng chiến, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng Đảng và các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ. Sinh hoạt đảng được giữ vững, chủ yếu tập trung bàn việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách và giải quyết những vấn đề cấp thiết do thực tế kháng chiến đặt ra cho từng cấp, từng cơ sở. Việc xây dựng chi bộ tự động công tác có nhiều kết quả tốt. Đến tháng 5-1948 đã có 1/3 số chi bộ bảo đảm 4 nội dung đề ra cho loại chi bộ này.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngày 21-8-1949, Huyện ủy Đông Sơn quyết định thành lập Chi bộ Đảng khu phố đặc biệt Cầu Bố (gồm 10 đảng viên đang sinh hoạt cùng với Chi bộ Công ty Việt Thắng tách ra) do đồng chí Lê Lệnh Liệu, Huyện ủy viên Đông Sơn trực tiếp làm Bí thư.  Các đảng viên có gia đình ở Cầu Bố mà lâu nay đang sinh hoạt với Chi bộ xã Đông Thọ, Đông Vệ đều xin chuyển sinh hoạt về Chi bộ Khu phố Cầu Bố.

Đến năm 1949, khu vực Cầu Bố, Rừng Thông là hai nơi tập trung buôn bán tấp nập vì đó là trung tâm thương mại trong tỉnh. Hàm Rồng, Cầu Quan, chợ Voi, chợ Nấp, chợ Chuối, chợ Neo, chợ Đà, chợ Bôn được xếp vào bậc thứ nhì, thứ ba. Các thị trấn rừng Thông, Cầu Bố là những nơi buôn bán tấp nập. Các hiệu buôn, công ty hợp cổ, hợp doanh hoạt động mạnh. Tuy khu phố Cầu Bố đã hình thành một đơn vị hành chính cơ sở, Tỉnh vẫn chủ trương phân tán Thị trấn này, vì đó là một địa điểm rất có thể bị giặc khủng bố. Chủ trương là như vậy, nhưng trong thực tế hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị vẫn diễn ra tập trung, như Nhà in Tương lai, Nhà in và Xuất bản Hiến Nam của ông Vũ Khắc Thuận từ Hưng Yên tản cư vào số nhà 83 phố Cầu Bố, Nhà In Phúc Lộc ở Trường Tại, Xưởng diêm Đại Lợi của ông Phùng Hữu Tài từ Hà Đông chuyển vào chợ Voi.

Trong hoạt động thương nghiệp, có hiện tượng những mặt hàng ngoại hóa qua con đường buôn lậu nhập vào khá nhiều, một mặt làm cho sản xuất nội địa bị ngưng trệ (nhất là giấy và diêm), mặt khác gây tâm lý chỉ chú trọng đến nhu cầu sinh hoạt cá nhân mà lãng quên sự gian khổ của kháng chiến. Nhập hàng ngoại thì phải chở hàng nội (loại hàng nhu yếu phẩm: lương thực, thực phẩm) đi đổi, gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế.

Năm 1947-1948, cùng với việc đẩy mạnh phong trào luyện quân, lập công, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, phong trào thi đua xây dựng làng chiến đấu phát triển rộng rãi, nhất là ở những vùng dự kiến địch có thể đánh vào. Công tác bố phòng, phòng gian, bảo mật được tăng cường.

Dưới sự lãnh đạo của chi ủy, chi bộ khu phố Cầu Bố tiến triển rõ nét về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh chống bọn lén lút phá hoại, phao tin đồn nhảm, kiểm soát người lạ, phát hiện kẻ gian… kịp thời báo cáo với chính quyền, công an để xử lý, đấu tranh chống các tệ nạn tiêu cực, nhờ tổ chức "Tam gia liên bảo", "Ngũ gia liên bảo" (3-5 nhà gần nhau bảo vệ nhau), thực hiện phong trào 3 không (không biết, không nghe, không thấy) để giữ gìn bí mật quốc gia, bịt mắt quân thù.

Về văn hóa-giáo dục, theo chủ trương của Liên khu IV, kể từ cuối năm 1948, ngành giáo dục Thanh Hóa đã có nhiều sáng kiến phát triển công tác giáo dục; thành lập “tiểu ban điều tra chống mù chữ” từ cấp tỉnh đến cấp huyện; đào tạo, huấn luyện giáo viên bình dân học vụ; liên tục tổ chức các đợt thi đua thanh toán nạn mù chữ.... Phong trào xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa được phát triển rộng rãi khắp khu phố, ở đó các lớp học không chỉ là nơi học chữ mà còn là nơi phổ biến chủ trương chính sách, nhằm nâng cao dân trí, đồng thời lại là nơi tổng kết, nhận xét kết quả công tác. Hội Kháng dốt, Hội Khuyến học, Hội bảo trợ bình dân nhanh chóng được thành lập. Các lớp bình dân học vụ buổi trưa, buổi tối được mở khắp nơi.  Hầu hết các xã đồng bằng, trung du có trường tiểu học. Trường Trung Học Đào Duy Từ mở thêm lớp nhận thêm học sinh 

Những tháng năm đầu kháng chiến, địa bàn Thanh Hóa và Khu IV là nơi tập trung nhiều văn nghệ sĩ các tỉnh phía Bắc sơ tán. Đảng bộ và nhân dân Thị xã đã đón nhận nhiều trí thức, văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào. Trong kháng chiến đầy gian khổ, ác liệt, quân dân Thanh Hóa vẫn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Khắp nơi duy trì nếp sống văn hóa mới vui tươi, lành mạnh. các lớp bình dân học vụ vẫn mở, sách báo ra đều đặn, kịp thời động viên toàn dân tham gia kháng chiến. Thanh Hóa có tờ báo Truyền tin, Chống giặc. Tờ Liên hiệp kháng chiến, xuất bản đều đặn mỗi kỳ trên 1.500 tờ.

Phong trào văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao, nhất là đội Kịch và đội Bóng đá khu phố là những hình thức hoạt động nổi bật, với các cuộc giao lưu, giao hữu với bộ đội.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chỉ đạo nhân dân tích cực xây dựng nền kinh tế kháng chiến để đảm bảo đời sống nhân dân và đáp ứng yêu cầu kháng chiến thắng lợi. Các phong trào thi đua "Tăng gia sản xuất", "Hết sức thực hành chính sách tiết kiệm", "Vụ chiêm quyết thắng", "Vụ mùa chủ lực", "nhân dân tiếp tế cho bộ đội kháng chiến, bộ đội giúp đỡ nhân dân làm ăn"... đã lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia. Nhờ vậy, đời sống nhân dân địa phương được ổn định và có bước cải thiện.

Nhằm đáp ứng nhu cầu kháng chiến ngày càng tăng, nhất là nhu cầu về lương thực-thực phẩm bảo đảm cho bộ đội ăn no đánh thắng, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, Chi bộ khu phố Cầu Bố cùng với chính quyền, đoàn thể như Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên đã vận động ủng hộ bộ đội địa phương được 9.150 ki lô gam lúa và 307.724 đồng bạc, mua lúa cho Hồ Chủ tịch khao quân được 19.914kg, mua công phiếu kháng chiến được 592.508 đồng, trong đó hai đơn vị là Công ty Việt Thắng và Liên đoàn Vận tải xuồng máy cùng cá nhân ông Bùi Văn Vượng mua công phiếu với mức cao nhất là 10.000 đồng. Những người có nghĩa vụ đóng góp Quỹ đảm phụ quốc phòng đã thu được 511 kg lúa và 200 đồng.

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong khu phố được cải thiện, tình đoàn kết quân dân, sự tin tưởng vào Đảng và Chính phủ ngày càng tăng lên. Song vấn đề lớn nhất đặt ra đối với chính quyền khu phố là phòng tránh địch đánh phá, phòng chống xảy ra hỏa hoạn, được đặt ra cấp bách. Mặc dù Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh chủ trương cứ 10 nhà thì dỡ bớt 3 nhà để tạo thành khoảng trống cần thiết, phải chuyển hướng bán hàng vào buổi sáng, buổi chiều…, nhưng nhiều hộ dân không quán triệt thực hiện chu đáo.

Trong khi đó, để phá hoại nền kinh tế kháng chiến, reo rắc hoang mang, sợ hãi trong nhân dân, từ đầu năm 1949, ở Thanh Hóa và Liên khu IV, thực dân Pháp cho máy bay bắn phá nhiều công trình quan trọng về thủy lợi, xưởng quốc phòng, nhà máy, kho tàng, bệnh viện gây cho ta nhiều thiệt hại; ném bom vào chợ phiên làm chết hàng trăm người. Chỉ riêng trận ném bom Chợ Kiểu ở Yên Định, ngày 19-5-1950 đã giết hại 400 người, làm bị thương 300 người; ở chợ Quăng (Hoằng Hóa) làm chết 44 người, bị thương 17 người.

Nửa đầu năm 1950, ở Cầu Bố-Mật Sơn và các vùng phụ cận Hàm Rồng, Nam Ngạn, Tân Hà,  Cốc Hạ, Bào Nội, Đông Tác, Thọ Hạc, Quảng Thắng, Nấp, Voi đã bị quân Pháp cho 104 lần chiếc máy bay oanh tạc 28 vụ, làm chết 83 người, bị thương 51 người, cháy 298 nóc nhà, đắm 55 thuyền và ca nô, sát hại 19 con trâu, bò. Từ ngày 1-1-1950 đến 29-7-1950, riêng khu vực Cầu Bố-Mật Sơn đã có tới 11 vụ địch ném bom bắn phá làm chết 20 người, bị thương 9 người, cháy 131 nóc nhà. Đồng thời, địch tăng cường các hoạt động của các tổ chức phản động chống phá chính quyền.

Những thiệt hại đó có phần do nhân dân chủ quan, lơ là phòng tránh, song chủ yếu là do sự chỉ đạo thiếu kiên quyết của chính quyền Khu phố. Trước tình hình ấy, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh quyết định thôi chức 3 Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Khu phố, trong đó có Chủ tịch Lâm Quang Đồng. Đồng thời, quyết định nâng cấp Khu phố lên Thị trấn đặc biệt Cầu Bố,đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh. Đồng chí Nguyễn Phong Lân, Phó Chủ tịch Khu phố được chỉ định giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Thị trấn.

Tháng 5-1950, Chi bộ Thị trấn Cầu Bố trực thuộc Tỉnh ủy mở Đại hội Chi bộ với sự tham dự của 50 đảng viên. Đại hội đã thẳng thắn tự phê bình và phê bình về tình hình lãnh đạo và chỉ đạo mọi mặt trong thời gian qua, bàn chương trình hành động trước mắt, gồm các vấn đề:

- Thành lập Ban Kinh tài của Chi bộ, khôi phục và phát triển thủ công nghiệp, thu hút lao động, giải quyết việc làm, đấu tranh kinh tế với địch.

- Tổ chức tốt công tác phòng tránh nhằm giảm tổn thất về người và của cho nhân dân.

- Đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hóa.

- Xúc tiến hoạt động của Nhóm nghiên cứu Mác - xít nhằm góp phần nâng cao trình độ lý luận cho đảng viên, xây dựng Chi bộ cả về tư tưởng, tổ chức và kiểm tra.

Đại hội bầu Ban Chi ủy mới gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Viết Châu làm Bí thư.

Việc nâng cấp tổ chức từ Khu phố lên Thị trấn, nâng cấp quản lý trực tiếp từ cấp huyện lên tỉnh, thi hành kỷ luật nghiêm đối với số cán bộ chấp hành không triệt để chủ trương sơ tán phòng tránh, cùng với tổ chức thành công Đại hội Chi bộ bầu Ban Chi ủy mới và việc chỉ định Ủy ban Kháng chiến hành chính mới đã làm tăng thêm sức mạnh để Chi bộ, chính quyền các đoàn thể nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.

Trước các hoạt động phá hoại kinh tế của địch, để đối phó với các âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, nhân dân địa phương đã hăng hái tham gia công tác bố phòng, cùng dân quân, bộ đội, công an địa phương nơi sơ tán tích cực bảo mật, phòng gian, đẩy mạnh xây dựng làng chiến đấu, phát triển hầm hào, phân tán chợ búa, phòng tránh địch ném bom tàn sát, khôi phục và phát triển sản xuất, nâng cao ý thức cảnh giác giữ gìn trật tự trị an.

Thực hiện chủ trương của cấp ủy cấp trên, Chi bộ cùng với chính quyền kết hợp chặt chẽ với Công an Quận II phát động phong trào đấu tranh kinh tế với địch. Chi đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ đi đầu trong việc vận động hội viên không mua bán, không tiêu dùng hàng xa xỉ phẩm, các nhóm "Tam gia liên bảo", "Ngũ gia liên bảo" và quần chúng tích cực phát hiện và giúp đỡ chính quyền ngăn chặn và lùng bắt bọn gian thương lén lút mua hàng nhu yếu phẩm đưa ra vùng địch.

Ban Kinh tài của Chi bộ do đồng chí Phạm Doãn Ứng làm Trưởng ban và đồng chí Trần Trọng Tài làm Phó Trưởng ban đã lập xưởng mộc Đồng Lực đặt tại địa điểm Công ty Việt Thắng mới bàn giao, gồm 40 thợ, với số vốn vay 60.000 đồng. Xưởng mộc Đồng Lực đã sản xuất các mặt hàng gỗ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, góp phần phát triển sản xuất, thu hút lao động vào làm việc, một phần lãi ròng đóng góp cho các chi phí hoạt động của Chi bộ và điều quan trọng là thông qua lao động tập thể, một số anh em thợ đã được bồi dưỡng giáo dục, về sau trở thành những đảng viên, cán bộ tốt của Đảng.

Nắm vững chủ trương sản xuất tự cấp, tự túc trong thời kháng chiến, Ban Kinh tài đã giúp Chi bộ và chính quyền động viên khuyến khích những gia đình có nghề thủ công, vận động một số tư sản dân tộc bỏ vốn kinh doanh giao cho đồng chí Nguyễn Văn Lãng phụ trách, nên đã khôi phục và phát triển một số ngành nghề thủ công như may mặc, làm mũ, làm giấy.. tạo ra việc làm cho những người thợ thủ công để vừa có thu nhập giải quyết đời sống, vừa có sản phẩm tiêu dùng nội địa đấu tranh kinh tế với địch.

Đến năm 1950, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã bước sang giai đoạn mới, bộ đội ta đã giành thế chủ động tiến công địch trên chiến trường, lực lượng vũ trang cũng không ngừng lớn mạnh. Tháng 2-1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng ra Nghị quyết chuyển mạnh sang tổng phản công. Chấp hành Nghị quyết, Liên khu ủy IV ra Nghị quyết về Nhiệm vụ Liên khu IV chuyển mạnh sang tổng phản công, nhấn mạnh: Bảo vệ Thanh-Nghệ-Tĩnh là nhiệm vụ tối quan hệ cho cả chiến trường toàn quốc, là nhiệm vụ trung tâm lãnh đạo để sửa soạn chuyển sang tổng phản công có hiệu quả.

Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới và nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến dịch, yêu cầu các địa phương trong toàn quốc phải phối hợp chặt chẽ. Với khẩu hiệu "tất cả cho chiến dịch được toàn thắng", các địa phương đã thực hiện cuộc động viên lực lượng lớn nhất kể từ khi bước vào cuộc kháng chiến.

Nhằm huy động thóc gạo dự trữ phục vụ Chiến dịch Biên giới, ngày 9-9-1950, Chính phủ ban hành Công trái quốc gia. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh, Chi bộ lãnh đạo chính quyền tổ chức cuộc vận động toàn dân Thị trấn nhiệt liệt hưởng ứng. Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ đã đóng vai trò ích cực trong công tác tuyên truyền, giải thích ý nghĩa to lớn của việc mua công trái quốc gia. Kết quả, toàn Thị trấn đã thu mua được 20.690 kg lúa và 455,080 đồng.

Công tác xây dựng Chi bộ cả về ba mặt chính trị tư tưởng, tổ chức và kiểm tra được Ban Chi ủy chấp hành nghiêm túc. Nhóm nghiên cứu Mác-xít của Chi bộ do đồng chí Phan Văn Duệ phụ trách đã thường xuyên tổ chức việc bồi dưỡng chính trị, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, của Tỉnh cho đảng viên trong Chi bộ, giúp Chi ủy làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Đáng chú ý, trong đợt học tập chủ trương Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, đảng viên, đoàn viên và nhân dân tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng, hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của cho yêu cầu "thực hiện tổng động viên để chuẩn bị mau chóng, đầy đủ đặng chuyển mạnh sang tổng phản công". Kết quả sau đợt học tập này đã có 90 thanh niên tình nguyện tòng quân giết giặc. Chi bộ đã vận động nhân dân Thị trấn đóng góp được 39.000 đồng trong cuộc "Vận động xây dựng quỹ Đảng".

Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới năm 1950, đặc biệt là sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2-1951), sự phát triển của cuộc kháng chiến của quân và dân Liên khu IV đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến của quân và dân Thanh Hóa. Quân và dân Tỉnh Thanh Hóa ra sức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hậu phương, bảo đảm cung cấp sức người sức của cho các mặt trận và là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Bị thua đau trong Chiến dịch Biên giới, bị choáng váng bởi chiếc chiến hạm Anmyotd Inville bị đánh chìm xuống đáy biển ở Sầm Sơn (27-9-1950), giặc Pháp ra sức đánh phá hậu phương của ta, trong đó có vùng tự do Liên khu IV. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuy ở xa, nhưng vẫn luôn nhắc nhở các cấp bộ Đảng và chính quyền Tỉnh Thanh Hóa phải chú ý bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào.

  Mặc dù đã có sự chỉ đạo của cấp trên, nhưng việc sơ tán phòng tránh vẫn là điểm yếu nhất trong công tác bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân ở Thị trấn Cầu Bố. Khi thực hiện chủ trương mọi hoạt động giao dịch, buôn bán phải ngừng hoạt động từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều để tránh tập trung, đề phòng máy bay địch đến bắn phá, thì trong khu vực Thị xã cũ và ở các đầu ngã ba, ngã tư đường vào Thị xã đã mọc lên những quán giải khát và buôn hàng vặt, dần hình thành phố Vườn hoa. Trước tình hình đó, Tỉnh đã đề ra kế hoạch phòng không, với các yêu cầu cơ bản:

- Giải thể Thị trấn Cầu Bố.

- Kiên quyết phân tán những thị trấn lớn khác.

- Phân tán nhỏ các chợ, nhất thiết không cho họp chợ, mở cửa hàng và hạn chế người qua lại trong phố từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

- Có kế hoạch bảo vệ và phòng không ở địa điểm mới: mỗi gia đình phải có đủ hầm hố trú ẩn, hầm giấu của cải, đào thêm nhiều hầm trú ẩn công cộng, nhà cửa chỉ được phép làm thành dãy ngắn từ 30 đến 50 mét, mỗi nhà có một bể nước cứu hỏa.

Theo kế hoạch trên, Tỉnh quyết định giao đất dọc các trục tỉnh lộ thuộc hai xã Đông Hưng - Quảng Thắng cho Chi bộ và chính quyền Thị trấn Cầu Bố tổ chức sơ tán dân, bố trí từng cụm nhà tập trung theo ngành hàng khoảng từ 5 đến 10 nóc nhà, cụm nọ cách cụm kia 15-20 mét, cử cán bộ lên các huyện miền núi mua tranh, tre, nứa, lá về cung cấp cho dân, chỉ đạo dân dỡ dời nhà đến nơi ở mới dựng lại. Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc cử đoàn viên đến giúp đỡ những gia đình neo đơn dỡ, dời, dựng nhà; lực lượng tự vệ theo dõi bảo vệ để tránh mất mát tài sản của nhân dân.

Sau khi mọi việc đã hoàn tất, sinh hoạt của nhân dân đi vào nền nếp mới, tháng 3-1951, Tỉnh ủy quyết định hợp nhất Chi bộ Thị trấn Cầu Bố vào Chi bộ xã Đông Hưng, bổ sung đồng chí Nguyễn Viết Châu, Bí thư Chi bộ Thị trấn làm Phó Bí thư Chi bộ xã Đông Hưng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Chi bộ xã đối với số thị dân sơ tán tập trung đến địa bàn xã. Về phía chính quyền, giải thể Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn Cầu Bố.

Hơn 500 gia đình buôn bán và làm thủ công nghiệp từ Cầu Bố dời lên phố Nhồi với số cử tri gần 1.000 người được tổ chức thành 5 xóm của phố Nhồi, mỗi xóm có Trưởng xóm, có cán bộ thông tin, công an viên phụ trách, dưới sự điều hành của Ủy ban Kháng chiến hành chính xã. Phố Nhồi xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn lúc này trở thành thị trấn lớn nhất trong tỉnh. Tiểu tổ Đảng của phố Nhồi có 34 đảng viên mà gia đình ở rải cả 5 xóm, trong số đó có 12 đồng chí đã kinh qua cấp ủy xã và huyện. Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc với hơn một trăm đoàn viên, thu hút hầu hết số thanh niên hoạt động công thương và trí thức, trực thuộc Tỉnh Đoàn Thanh niên cứu quốc như thời ở Thị trấn Cầu Bố mà không sáp nhập vào xã. Hội Liên hiệp Phụ nữ sáp nhập vào xã, tuy nội dung hoạt động có những mặt chưa phù hợp với phụ nữ Thị trấn.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2-1951), Tỉnh ủy đã giao cho Chi bộ xã Đông Hưng tổ chức lễ ra mắt hoạt động công khai của Đảng bộ Tỉnh và huyện để trực tiếp lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc.

Những năm 1951-1952: nhân dân Thị xã cùng với nhân dân trong tỉnh và Liên khu IV đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm tới các ngành, các cấp, nhằm cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm cung cấp cho bộ đội, có nhiều sản phẩm trao đổi giữa các vùng và tích cực đấu tranh kinh tế với địch. Cuộc đại vận động sản xuất, tiết kiệm đầu năm 1952 diễn ra sâu rộng.

Tháng 7-1951 Chính phủ ban hành thuế công thương nghiệp và hàng hóa, bãi bỏ thuế môn bài, thuế lãi doanh nghiệp, thuế lợi tức tổng hợp và các thứ thuế gián thu khác. Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh Thanh Hóa chọn phố Nhồi là nơi chỉ đạo riêng, được học tập chính sách một cách kỹ càng trong nội bộ và ngoài nhân dân.

Ba Chi ủy viên Chi bộ xã (là người phố Nhồi) chịu trách nhiệm trước cấp ủy trực tiếp phụ trách Tiểu tổ Đảng phố Nhồi. Nhiều đảng viên trong Tiểu tổ được cử phụ trách các ban thuế xóm, ban thuế xã thường xuyên hội ý, hội báo để giải quyết kịp thời những công việc xảy ra hàng ngày.

Phố Nhồi có hơn 400 gia đình có quán hàng, nhiều hộ chuyên buôn bán, một số hộ vừa làm vườn, vừa mở quán bán hàng, một số hộ buôn chuyến, còn một số kinh doanh, nhưng doanh thu dưới 3 vạn đồng thì được miễn thuế. Trước lúc triển khai thuế công thương nghiệp chừng một tháng thì lượng hàng hóa bán ra chững lại, tuy vậy đời sống người buôn bán cũng còn hơn trung, phú nông thôn quê. Trong phố đã có 27 gia đình tiểu công nghệ trở về quê cũ ngoài Bắc để làm ăn.

Nhận thấy các Ban thuế xóm chỉ nặng về chuyên môn sổ sách, lo tính toán mà nhẹ về động viên kinh doanh, Tiểu tổ Đảng đã điều chỉnh lại, yêu cầu các xóm tổ chức các buổi học chủ trương, chính sách một cách thấu đáo.

Từ nhận thức đúng chủ trương, nghĩa vụ và quyền lợi đóng góp thuế phục vụ kháng chiến kiến quốc, bước sang đợt kê khai doanh thu đã vận động "Cán bộ kê khai trước, nhân dân sau, có cán bộ giúp đỡ".

Sau kỳ kê khai đầu tiên thấy những biểu hiện:

- Những người buôn bán nhỏ và những nhà buôn bán lớn tiến bộ phần nhiều kê khai đúng vì họ nghĩ mình có khai đúng mới thuyết phục được những nhà kê khai sai để yêu cầu họ kê khai lại.

- Những nhà buôn nhiều hàng thì cất bớt hàng để kê khai thấp doanh thu, hoặc thông đồng với nhau cùng khai ở mức thấp, rõ nhất là các ngành kinh doanh vàng bạc, thuốc tây, cầm đồ…

- Đảng viên cũng có đồng chí kê khai sút vì chưa thuyết phục được gia đình…, song biểu hiện chung nhất là không dám vận động những gia đình chậm tiến vì sợ mất cảm tình, gặp trường hợp khó thì đùn đẩy cho nhau, chưa nắm vững chính sách để giải thích.

Nhận thấy tình hình kê khai doanh thu chưa ổn, Tiểu tổ Đảng đề nghị tiến hành vận động kê khai lại, vẫn theo hai bước: Cán bộ kê khai trước, nhân dân kê khai sau. Do công tác tư tưởng tốt, gây được phong trào kê khai doanh thu đúng mức nên có kết quả rõ rệt.

Sau khi kê khai là bình xếp hạng A, B, C, D điều chỉnh chênh lệch giữa các hạng rồi mới bình doanh thu, đảm bảo tính công bằng hợp lý.

Tiểu tổ Đảng phố Nhồi đã đề nghị và các cấp chấp nhận phương án bình nghị theo ngành hàng trong đơn vị xóm, nếu giữa các xóm chênh lệch nhau quá thì bình ngành hàng toàn phố. Đã tiến hành việc bình gia đình cán bộ trước, chọn xóm I làm trước vì ở đây có đủ các điều kiện: Đảng viên tích cực, cán bộ trong và ngoài Đảng đoàn kết, các đoàn thể nhân dân tương đối vững, nắm chắc được phần tử trung kiên. Kết quả thu được ở xóm I thật khả quan, vì đã nói cho dân hiểu, thật sự dựa vào dân, tin vào sáng kiến của dân nên đã phát động được phong trào rầm rộ “nhà nhà đóng góp thuế công thương nghiệp để kháng chiến thắng lợi”. Chỉ trong một ngày của tháng 1-1952 toàn phố đã nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước.

Việc thu thuế công thương nghiệp lần đầu tiên theo chính sách mới ở nơi Tỉnh chọn làm thí điểm diễn ra nhanh gọn. Tiểu tổ Đảng và nhân dân phố Nhồi thật xứng đáng với lòng tin của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh Thanh Hóa.

Trong một cuộc tiếp xúc của phái đoàn Chính phủ với cán bộ, đảng viên và nhân dân phố Nhồi, mọi người đã trình bày thực trạng xã ít quan tâm đến những công việc của phố vì lãnh đạo xã chỉ mới quan tâm đến nông nghiệp - nông thôn, mà xem nhẹ công tác phòng gian, trừ gian ở phố. Do đó nguyện vọng của người dân khu phố là mong được thành lập Ủy ban quản trị khu phố để chăm lo mọi việc về dân sinh, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự.

Từ thực tiễn hoạt động của Chi bộ Cầu Bố và Tiểu tổ Đảng phố Nhồi, để việc tổ chức quản lý cư dân đô thị trong kháng chiến vừa đảm bảo được đời sống nhân dân lại vừa đóng góp được nhiều cho kháng chiến, đầu năm 1952 lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị với lãnh đạo Liên khu IV, trưng cầu ý kiến lãnh đạo huyện Đông Sơn về việc "thành lập một Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị xã trông coi suốt từ khu phố Voi (Quảng Xương) cho đến Cầu Sâng (Đông Sơn), trong phạm vi gồm có khu phố Voi, khu phố Rừng Thông, Cầu Sâng" và giao nhiệm vụ cho huyện điều tra, nắm bắt nguyện vọng nhân dân báo cáo với tỉnh. Ngày 2-3-1952, lãnh đạo huyện Đông Sơn phúc đáp phản ánh "nguyện vọng của nhân dân muốn có một Ủy ban Thị xã để lãnh đạo họ. Song ủy ban huyện chúng tôi đề nghị tỉnh đổi tên Ủy ban Thị xã là Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn" Vì gọi Ủy ban Thị xã thì nhân dân sẽ có cảm tưởng được hồi cư, do đó sẽ nảy ra óc thái bình".

Ngày 30-4-1952, Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh gửi công văn lên Liên khu IV xin lập Thị trấn đặc biệt. Sau khi được Liên khu chấp thuận về nguyên tắc, ngày 16-6-1952 Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh ra Nghị quyết lập Ban Nghiên cứu Thị trấn do đồng chí Ngô Sĩ Kính thay mặt Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Đông Sơn làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Viết Châu, Phó Bí thư Chi bộ xã Đông Hưng, đại biểu Liên Việt huyện Đông Sơn làm Phó Trưởng ban.

Ngày 20-7-1952, Ban Nghiên cứu Thị trấn trình lãnh đạo Tỉnh báo cáo tình hình chung thị trấn Thanh Hóa và Đề án tổ chức chính quyền Thị trấn.

Qua khảo sát, điều tra, Thị trấn có tổng số 2.962 hộ gia đình, gồm 17.736 nhân khẩu, 8.150 cử tri, trong đó có 50% là đồng bào Thị xã cũ, 50% là đồng bào tản cư từ các tỉnh đến. Hoạt động tiểu công nghệ: 322 hộ (10,8%), thương mại 1.108 hộ (37,4%), lao động, bần thương 1.532 hộ (51,7%).

Về tình hình đời sống nhân dân, tầng lớp phú thương (1%) trường vốn, buôn to lãi lớn (hàng cân, hàng vàng) đời sống dư dả. Lớp trung thương (10%) buôn mặt hàng xe đạp, thuốc tây, chủ các xưởng sản xuất đời sống đầy đủ. Lớp tiểu thương (40%) kiếm ngày nào ăn ngày ấy. Lớp bần thương, bần cố nông, lao động làm thuê (49%) đời sống chật vật.

Các thị trấn đều thuộc quyền quản lý của các xã. Nhờ lãnh đạo hai xã Đông Hưng, Đông Lĩnh quan tâm nên các tổ chức chính quyền, đoàn thể ở Nhồi, Rừng Thông hoạt động có hiệu quả hơn. Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc phố Nhồi, Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc phố Rừng Thông tích cực động viên nhân dân thực hiện chính sách thuế công thương; Thanh niên Cứu quốc phố Nhồi còn gây được phong trào “Lao động hóa nhân dân” rầm rộ, tự gánh đá san lấp, rải đường đi; Chi bộ Đảng Dân chủ phố Nhồi gây được thành tích mua công trái quốc gia…; ở các nơi khác phong trào chỉ sôi nổi trong những ngày lễ lớn, chưa duy trì được thường xuyên.

Từ tình hình thực tiễn, nhiều vấn đề về xây dựng tổ chức bộ máy quản lý và các hoạt động kinh tế-xã hội được đặt ra cấp bách, như:

1. Chỉ định gấp Ủy ban Thị trấn và lập ban quản trị các khu phố.

2. Di dời phố Nhồi vì nơi đây không phù hợp để mở mang kinh doanh.

3. Dời chợ Rừng Thông về nơi thuận tiện đường giao thông thủy bộ để chợ có điều kiện phát triển, có diện tích đất rộng rãiđể đào hầm hố trú ẩn tránh máy bay địch oanh tạc, thuận tiện cho việc giữ gìn trật tự trị an, phòng gian, đảm bảo thu thuế…

Nhằm bảo đảm và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đơn vị hành chính Thị trấn, ngày 6-8-1952, Tỉnh ủy ra Quyết định số 1123 VP/TH về việc thành lập Chi bộ tại Thị trấn Thanh Hóa. Trong Quyết định, Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để thực hiện chủ trương công thương nghiệp trong thời kỳ kháng chiến, việc sắp xếp các thị trấn cần phải bảo đảm được tài sản, tính mạng cho nhân dân đồng thời phải phát triển được nền kinh tế.

Căn cứ vào chủ trương và tình hình đã nghiên cứu, Tỉnh ủy quyết định: Sắp đặt việc phân tán lại Thị trấn Thanh Hóa gồm Rừng Thông, Nhồi, Thị xã cũ, Cầu Bố, Voi.

Đứng về phương diện chính quyền thì Thị trấn Thanh Hóa xem như một đơn vị cơ sở trực thuộc Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh.

Về phương diện Đảng thì tổ chức một Chi bộ theo Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam, trực thuộc Tỉnh ủy cho phù hợp với tính chất của một đơn vị hành chính cơ sở như trên.

Các đoàn thể quần chúng căn cứ vào hình thức tổ chức chính quyền và tổ chức Đảng mà tổ chức cho phù hợp.

Thực hiện Quyết định trên, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Viết Châu cùng với cán bộ lãnh đạo Thị trấn thành lập Chi bộ, đồng thời phối hợp với Chi bộ, chính quyền, đoàn thể sắp xếp tổ chức bộ máy Thị trấn.

Ngày 8-8-1952, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh gửi văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV cho phép “thành lập Chính quyền Thị trấn và di dời chợ Rừng Thông” với lý do để phát triển nền thương mại và công kỹ nghệ trong tỉnh… ; đề nghị “Ủy ban cho tạm chỉ định một ủy ban lâm thời Thị trấn để xúc tiến mọi công tác ở đó”, kèm danh sách Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn để Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV công nhận chính thức.

Sau phiên họp đầu tiên với Ban Chi ủy Chi bộ Thị trấn, ngày 10-8-1952 Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến định hướng về việc bố trí nhân sự chủ chốt là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn với các tiêu chuẩn, phẩm chất phù hợp, đồng thời nhấn mạnh giải quyết gấp ngân sách và các phương tiện làm việc cho các đơn vị chức năng thuộc tổ chức bộ máy đơn vị hành chính Thị trấn.

Căn cứ vào chủ trương của Trung ương, xét nguyện vọng của nhân dân, sau khi được Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV chấp thuận, ngày 20-8-1952, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh đã ra Quyết định 625 - TC/CB thành lập Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa. Theo Quyết định, Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa là một đơn vị cơ sở chính quyền dân chủ nhân dân, có trách nhiệm và quyền hạn như một xã lớn, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh, gồm 7 khu phố, đồng thời chỉ định Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn đặc biệt gồm 6 ủy viên (chưa bố trí được Chủ tịch).

Chiều ngày 20-8-1952, tại xóm Bào Giang, Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn đặc biệt làm lễ ra mắt trước đông đảo nhân dân Thị trấn. Phó Chủ tịch Đặng Sĩ Tuy cùng 5 ủy viên là Trần Văn An, Đào Đình Khuê, Trịnh Hoàng Ngữ, Bùi Văn Quý, Nguyễn Văn Trợ được Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh chỉ định nhận nhiệm vụ trước nhân dân.

Để Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa sớm đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh giao, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban lần lượt được thành lập: Phòng thuế (ngày 15-9), Tòa án nhân dân và Ban Tư pháp (ngày 18-9), Chuyên trách Bình dân học vụ (ngày 11-10), Công an Thị trấn (ngày 15-10), Phòng Giao dịch Ngân hàng (ngày 28-10), Thị đội bộ dân quân (ngày 3-11), Cửa hàng mậu dịch quốc doanh (ngày 17-11).

Sau ba tháng đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính Thị trấn đặc biệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ và Ủy ban Kháng chiến hành chính, Thị trấn đã thành lập được 7 khu phố tự quản với 49 xóm; điều tra nắm tình hình dân số 24 xóm; lập danh sách tân binh, cựu binh đào lạc ngũ và động viên được 2/3 số đó trở lại quân đội; huy động dân công phục vụ chiến dịch Tây Bắc theo phương thức người có tiền mua xe để người có sức lao động dùng xe đi phục vụ, sau khi mua xe thì số tiền còn dư đem trợ giúp những gia đình dân công khó khăn. Thị trấn đã thành lập 4 tập đoàn xe ba gác vận chuyển hàng hóa; đắp lại các hố kháng chiến để nối dài tuyến đường ôtô từ phố Kết về dốc Ga đi Bái Thượng; điều chỉnh động viên thu thuế công thương nghiệp công bằng và hợp lý giữa các ngành hàng, giữa các xóm trong khu phố, giữa các khu phố trong Thị trấn… Từ Rừng Thông, chợ trâu bò được dời về Đình Hương, chợ Tỉnh được dời về sân vận động trại lính trong thành (Camp militaire), ở cả hai nơi họp chợ đều trống trải không có cây che bóng mát, lại họp chợ ban ngày nên được một thời gian thì chuyển sang họp đêm, giao lưu hàng hóa sút kém.

Một trong những vấn đề đặt ra trong kế hoạch xây dựng Thị trấn là tổ chức và hướng dẫn làm nhà ở cho nhân dân bảo đảm hợp lý trên các con đường từ trong Thị trấn ra và từ ngoài vào, thuận tiện cho giao lưu hàng hóa, bảo đảm các yếu tố cao ráo, thoáng mát, nhiều giếng nước ăn, thuận lợi cho việc đào hầm hố tránh máy bay địch. Để thực hiện yêu cầu kế hoạch đó, cấp ủy, chính quyền địa phương nhấn mạnh phải tránh tư tưởng hồi cư về Thị xã; tránh hiện tượng ghen tị giữa nơi này với nơi khác (lúc đó có hiện tượng người dân phố Nhồi được ưu tiên chia đất làm nhà); chú ý đến gia đình bộ đội, cán bộ thoát ly cần sinh sống ở Thị trấn; trong thiết kế, xây dựng cách quãng hai nhà một; chỉ đạo chặt chẽ việc trao đổi mua bán nhà để chống tư tưởng lợi dụng, hành động vô nguyên tắc của một số người tự tư tự lợi, gây trở ngại công việc quản lý của chính quyền.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện không đúng như kế hoạch đã vạch ra. Thị trấn có một Ban hồi cư do đồng chí Trần Trọng Tài phụ trách; chỉ những người được phép mới được hồi cư về Thị xã cũ. Nhưng trong tình trạng nặng óc thái bình, nhiều người đua nhau về dựng nhà ở Thị xã cũ, nên chỉ trong một thời gian ngắn đã mọc thêm 7000 nóc nhà, tập trung ở đường Lê Lợi (Vườn Hoa) hơn 300 nóc, Cầu Bố hơn 200 nóc, quy mô nhà thì cồng kềnh, đôi nơi còn nhà mới sát vách nhà cũ, dãy nọ sát dãy kia, hầm trú ẩn không đầy đủ, hầm hố cất giấu hàng và hầm hố công cộng rất ít. Để chấn chỉnh tình hình đó, ngày 2-3-1953 Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn đã chủ trì hội nghị kiểm thảo giữa cán bộ và nhân dân Thị trấn. Hội nghị đã chỉ rõ nguyên nhân sai trái của việc làm trên, đó là do chưa nhận rõ âm mưu thâm độc của giặc, còn nặng tư tưởng thái bình, chủ quan khinh địch, cán bộ thiếu theo dõi và hướng dẫn nhân dân trong việc xây dựng nhà cửa và thực hiện kế hoạch bảo vệ do cấp trên đề ra. Một trong 3 biện pháp sửa sai được hội nghị xác định là: “Đình chỉ việc cho làm nhà mới ở Thị trấn và vận động phân tán bớt nhà ở những nơi quá tập trung như Vườn Hoa và Cầu Bố.

Nhận xét về việc làm này, Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh cho rằng: "việc xây dựng phố Nhồi năm 1951 nặng về mặt quân sự mà nhẹ về mặt kinh tế đã đưa phố này đến chỗ suy sụp. Việc xây dựng Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa, trái lại nặng về mặt kinh tế mà nhẹ về mặt quân sự đã làm tiêu hao lực lượng nhân dân, tốn công tốn của trong việc kiến thiết quy mô, hình thức không hợp với hoàn cảnh kháng chiến". Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh chủ trương phải kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong việc để cho dân tùy tiện làm nhà ở Thị trấn không đúng quy định, gây tốn kém tiền của và công sức của nhân dân, và sẽ tổn thất lớn, nếu bị địch đánh phá.

Bộ phận phụ trách nhà đất của Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn không làm đúng theo chỉ đạo của Tỉnh nên 1 cán bộ phải đi tù và khai trừ Đảng, 1 ủy viên phải từ chức, 1 ủy viên khác bị cách chức. Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Đông Hưng có 2 ủy viên bị cách chức.

Tháng 1-1953, đồng chí Đặng Văn Bôi Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Hoằng Hóa, đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh được điều động làm đặc phái viên của Tỉnh tăng cường cho Thị trấn. Đồng chí Trịnh Hữu Thường, Tỉnh ủy viên được cử về làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Thị trấn, đồng chí Nguyễn Viết Châu, Phó Bí thư. Đảng bộ Thị trấn có 6 chi bộ khối là: Rừng Thông, Voi, Hòa Bình (Lò Chum), Vườn Hoa, Quang Trung, Phú Thọ. Tháng 7 năm 1953, các khu phố tự quản được lập Ủy ban Kháng chiến hành chính, cán bộ khu phố được hưởng chế độ như cán bộ xã do ngân sách tỉnh đài thọ.

Những tháng đầu năm 1953, thực dân Pháp mở nhiều trận càng uy hiếp huyện Nga Sơn, đổ quân biệt kích lên Quảng Xương, Tĩnh Gia, ném bom bắn phá trực tiếp phố Nhồi, Voi và chợ trâu bò Đình Hương gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân. Năm 1952, thực dân Pháp ném bom phá đập Bái Thượng, gây mất nước nông giang, chuyển hướng sản xuất gặp nhiều khó khăn, nạn đói rải rác xảy ra trong khắp các huyện. Địa chủ, phú nông, cường hào dây dưa thuế, bọn phản động phá chính sách thuế và gây hoang mang trong nhân dân, làm suy giảm tinh thần kháng chiến, kiến quốc trong quần chúng. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh chủ trương: "Phát động quần chúng đấu tranh chống dây dưa thuế, kết hợp với đấu tranh tô tức, hạ uy thế cường hào, đấu tranh trấn áp phản động, mục đích để giải quyết quyền lợi kinh tế, nâng cao uy thế chính trị của quần chúng cơ bản, hạ uy thế bọn cường hào ngoan cố, trấn áp phá cơ sở bọn phản động, gây đà phấn khởi trong nhân dân, đẩy mạnh mọi mặt công tác.

Chủ trương đúng đắn là vậy, nhưng do sự chỉ đạo thiếu chặt chẽ, nhiều nơi đã xảy ra những lệch lạc nghiêm trọng, đấu tranh trấn áp phản động tràn lan. Tỉnh phải uốn nắn, bổ khuyết hướng tập trung: Chống dây dưa thuế, hạ uy thế cường hào, đấu tranh tô tức, việc trấn áp phản động đi vào khai thác khám phá tổ chức, truy kích bọn đầu sỏ. Nhìn chung cuộc phát động đã làm cho tư tưởng quần chúng được nâng lên, nhận thức rõ hơn âm mưu hành động của thực dân Pháp và sự cấu kết giữa chúng với bọn phản động tay sai, cùng bọn địa chủ cường hào gian ác; giúp cơ quan thẩm quyền bắt giữ hai tên phản động đội lốt Phật giáo là Tuệ Quang, Tuệ Chiếu; bắt giữ và xét xử nhiều phần tử trong vụ án B184 (Hòn Mê - Ba Làng), nông dân tá điền đấu tranh với bọn đại địa chủ đòi thoái tô, có nơi còn đòi truy tô từ mấy năm trước; tạo được kết quả hạ uy thế bọn cường hào ở nông thôn đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân. Tác động của phong trào đấu tranh ở nông thôn về Thị trấn giúp cho công tác quản lý của chính quyền đi vào quy củ, nền nếp hơn; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách Nhà nước ban hành đối với dân công phục vụ các chiến trường đã làm cho tầng lớp lao động nghèo, bần thương hăng hái tham gia phục vụ các chiến dịch.

Đầu năm 1953, Tư lệnh Liên khu IV triệu tập Hội nghị đặt kế hoạch bảo vệ hậu phương Thanh Hóa bằng việc nhanh chóng phân tán Thị trấn Thanh Hóa, trung tâm thương mại toàn Tỉnh, đầu mối kinh tế của cả Liên khu III, Liên khu IV và Việt Bắc, nơi giao lưu kinh tế giữa vùng duyên hải với miền thượng du, sang Lào; chuyển mọi sinh hoạt buôn bán về ban đêm, từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng.

Những khu vực được di chuyển nhân dân đến là Toàn Tân, Đình Hương, Viên Khê (Đông Sơn), Lăng, Cảnh (Quảng Xương)… để từ đó đi sâu vào nội địa. Do phối hợp chặt chẽ với nơi đến, thuyết phục vận động giúp đỡ giải quyết khó khăn vướng mắc ở nơi đi, nên đến đầu tháng 9-1953 đã có 80% số người ở Vườn Hoa, khu phố Voi, 60% số người ở Cầu Bố, 30% số người ở các khu vực Rừng Thông, Phú Thọ, Lò Chum dời khỏi nơi ở cũ đến nơi ở mới. Khó khăn đặt ra đối với việc tổ chức đời sống nhân dân sơ tán là nơi ăn ở còn tạm bợ, việc làm ăn gặp nhiều trở ngại, lòng dân không yên. Hàng hóa được sơ tán, cự ly vận chuyển dài ra mà chợ lại họp đêm nên buôn bán sa sút.

Tháng 10-1953, máy bay địch oanh tạc dữ dội vùng Diễn Châu (Nghệ An), tàu chiến địch áp sát Hòn Mê bắn phá các xã duyên hải Tĩnh Gia, Quảng Xương, cho biệt kích nhảy dù xuống Như Xuân, mở trận càn ra Rịa, Nho Quan (Ninh Bình) áp sát Hà Trung, Nga Sơn, thọc sâu vào Dốc Xây, Bỉm Sơn, Phố Cát, Quý Hương… “nhằm chiếm Thanh Hóa và giam chân Sư đoàn 304 thâm nhập vào đồng bằng.

Trước tình hình đó, các cơ quan Thị trấn Thanh Hóa đã được triệt để phân tán về Triệu Xá - Bôn - Trà Thượng - Ngã Ba Chè - Dốc Vạc; giải tán khu phố Nấp, Nhồi, Rừng Thông, Toàn Tân để nhân dân sơ tán sâu vào vùng Viên Khê, Rủn, Quán Giắt, tỏa về Cổ Định, Chợ Mốc, Chợ Sim..., Ủy ban kháng chiến hành chính xã Đông Trấn được thành lập để tổ chức quản lý các hộ nông nghiệp còn lại ở trên đất Thị xã cũ. Đến năm 1953, Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa đã định hình ở Đường Bôn (Đông Sơn) đi Dốc Vạc (Thiệu Hóa) với 3 khu phố: Khu phố I từ Toàn Tân lên Triệu Xá, Khu phố II từ Triệu Xá lên Bôn, Khu phố III từ Trà Thượng lên ngã Ba Chè và Dốc Vạc.

Sau khi Thị trấn Thanh Hóa sơ tán, số gia đình nông nghiệp, gia đình bán nông bán thương ở lại đất cũ đã tập hợp trong đơn vị kháng chiến hành chính mới là xã Đông Trấn thuộc huyện Đông Sơn. Ông Đặng Sĩ Tuy, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính khu vực Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Đông Trấn.

Xã Đông Trấn gồm 21 xóm: Tây Thọ, Phú Thọ, Hậu Thành, Đông Lân, Hàng Cá, Đội Cung, Trường Thi, Thống Nhất, Tân Hưng, Tân Hà, Hậu Giang, Ba Lít, Phú Cốc, Tân An, Định Bình, Công Chính, Hàn Thuyên, Phan Bội Châu, Lam Sơn… với tổng số 1.513 gia đình, 5.854 nhân khẩu.  Xã Đông Trấn có 506 mẫu, 9 sào ruộng, Đội phát động quần chúng giảm tô đợt 5 quy tất cả 47 địa chủ. Sang bước chỉnh đốn tổ chức, Đội đã buộc toàn bộ thành viên Ủy ban Kháng chiến hành chính xã phải nghỉ việc. Đợt 5 giảm tô vừa kết thúc thì Đội Cải cách ruộng đất đợt 2 đã về xã thâm nhập quần chúng để tiến hành đợt phát động cải cách ruộng đất.

Xã Đông Trấn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng nhân dân trong xã đã hăng hái tham gia phát động quần chúng giảm tô, đẩy mạnh sản xuất, đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ các chiến dịch.

Việc phân tán dân Thị trấn với quy mô lớn đã gây trở ngại cho việc giao lưu buôn bán; đồng thời cũng mắc phải hạn chế. nặng về quân sự, nhẹ về kinh tế, chuyển nghề cho thương nhân tức là hạn chế thương nghiệp, mà thương nghiệp là động cơ làm cho sản xuất phát triển. Trước sai sót đó, Liên khu IV yêu cầu Tỉnh Thanh Hóa phải quyết tâm sửa chữa sai lầm, nếu để lâu có hại về kinh tế và không lợi về chính trị.

Từ những yêu cầu của cấp trên, kết hợp với nguyện vọng nhân dân và đề nghị tích cực của Ban Thường vụ Thị ủy Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa, lần sơ tán này tỉnh vẫn giữ nguyên tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Thị trấn đến một số khu phố để theo sát nhân dân, trực tiếp lãnh đạo và tổ chức giải quyết mọi công việc hàng ngày, đồng thời động viên nhân dân khắc phục khó khăn trong việc tổ chức đời sống và tích cực tham gia kháng chiến như tòng quân, đi dân công phục vụ các chiến dịch.

Từ chủ trương, chính sách cụ thể của Trung ương và của tỉnh về huy động dân công, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể của Thị trấn đã vượt qua khó khăn, gian lao vất vả, làm tốt công tác tư tưởng trong nội bộ Đảng và trong nhân dân, cán bộ, đảng viên đã nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu trong các đợt dân công phục vụ các chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong chiến dịch Thượng Lào (1953), theo đề nghị của Chính phủ kháng chiến Lào và với tinh thần phối hợp chiến đấu nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng Quân giải phóng Lào, mở các mũi tiến công vào vị trí trung tâm của địch ở Xiêng Khoảng và Sầm Nưa. Đồng thời, nhân dân Thanh Hóa lại cùng nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, vốn là hậu phương trực tiếp của cách mạng Lào, lại được Trung ương tin cậy giao nhiệm vụ huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Trong chiến dịch, Tỉnh Thanh Hóa đã huy động tới 141.160 dân công, trên 200 xe đạp thồ, 400 thuyền gỗ, 300 xe bò và nhiều phương tiện khác.

Theo lệnh của Hội đồng cung cấp tỉnh, Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa huy động dân công phục vụ chiến dịch, Thị ủy đã tổ chức học tập cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ kế hoạch, tổ chức Ban Bảo trợ dân công, giúp đỡ những gia đình neo đơn thiếu thốn, bố trí đảng viên cùng đi để lãnh đạo và làm gương mẫu cho nhân dân.

Các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ được phân công trực tiếp chỉ đạo 4 đợt dân công lớn phục vụ chiến dịch Thượng Lào.

Đợt 1 đồng chí Trịnh Văn Phóng làm Chính trị viên phụ trách một đoàn 200 xe đạp thồ.

Đợt 2 đồng chí Trần Trọng Tài, Đoàn trưởng một đoàn 300 xe đạp thồ.

Đợt 3 đồng chí Trần Chiêm phụ trách một đoàn 200 xe đạp thồ.

Đợt 4 đồng chí Nguyễn Văn Thới phụ trách một đoàn 160 xe đạp thồ.

Đoàn xe thồ đi từ Thanh Hóa đến Sầm Nưa, tuy đường dốc cheo leo, khó khăn hiểm trở, nhưng các đoàn xe thồ vẫn nêu cao tinh thần "Tất cả cho chiến dịch" vừa đi vừa hò hát, lạc quan phấn khởi, khắc phục khó khăn đạt năng suất thồ là 250kg, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để phục vụ bộ đội truy kích địch, đoàn xe thồ do đồng chí Nguyễn Văn Thới phụ trách mặc dù đã hết thời hạn phục vụ vẫn ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ, quyết không để bộ đội thiếu lương thực và đạn dược.



[1] Nay là phố Lê Thị Hoa, phường Lam Sơn.

[2] Theo Nguyễn Kiên Giang: Việt Nam - năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám,: "Ngân sách Đông Dương hụt 185 triệu đồng, nợ 564 triệu. Ngân khố Trung ương chỉ còn 1.230.000 đồng, trong đó 586.000 đồng là nát không dùng được… Tuần lễ Vàng cả nước thu được 20 triệu đồng Đông Dương. Đồng tiền tài chính phát hành tháng 10/1946 được nhân dân tín nhiệm" (trang 84-85).

[3] Sau một thời gian ngắn vận động quyên góp, nhân dân Thanh Hóa đóng góp vào Quỹ độc lập 528 lạng vàng, hơn 16 tấn đồng. Xem Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), CTQG, H,2003, tr.78-79

[4] Khu đất Ngã tư Đại lộ Lê Lợi và đường Hạc Thành hiện nay.

[5] Báo cáo ngày 6-12-1945 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Thanh Hoá đăng trên Báo Tiến - cơ quan của Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hoá, số 15 ngày 8-12-1945.

[6] Khu đất được giới hạn bởi 4 đường: Lê Lợi - Lý Thường Kiệt - Lê Hữu Lập - Lê Hoàn

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV, tr. 220, NXB Sự thật.

Về sau đồng chí Lê Duy Hoàn là Trưởng Ty Bình dân học vụ Thanh Hoá.

Báo Tiến - cơ quan tuyên truyền đấu tranh của Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hoá, số ra ngày 6-3-1946.

Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc ngày 25-11-1945 của Trung ương Đảng.

. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.ập 8, tr. 2.

Số đại biểu từng tỉnh và thành phố (Bản đính theo Sắc lệnh số 51 ngày 17-10-1945 đăng trên Việt Nam dân quốc Công báo số 5 ngày 25-10-1945 quy định Thanh Hoá bầu 14 đại biểu, trong đó có 1 đại biểu dân tộc Mường.

Theo Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đối với khu vực thành thị, cơ quan chính quyền địa phương ở Thị xã, Thành phố được tổ chức như sau: "ở mỗi Thành phố (trừ Đà Lạt) sẽ đặt một Hội đồng nhân dân" và một Ủy ban hành chính; ở mỗi khu phố có một Ủy ban hành chính khu phố. Dẫn theo Việt Nam dân quốc Công báo, số 16 năm 1945, tr.197.

Theo Công báo nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, số 1 năm 1946, tr. 6, sau ngày kháng chiến toàn quốc 19/12/1946 trở thành ủy ban kháng chiến.

Sách: Việt Nam những sự kiện 1945 - 1986, Nxb KHXH, tr. 30.

Bác Hồ với Thanh Hóa. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa xuất bản 1990, tr.15

Xem Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H 2002, T.5, tr.62-65

Theo tường thuật của báo Chống giặc - cơ quan của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, số 33, ra ngày 23 - 2 - 1947, cho biết thêm: Cuối buổi nói chuyện, vui vẻ và tươi cười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mọi người hô khẩu hiệu "Thanh Hóa muôn năm!". Mọi người cùng hô to "Thanh Hóa muôn năm!", "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị bộ trưởng đi thăm làng Quý Hương (Hà Trung).

Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, số 11 năm 1947, tr.2

Theo Báo cáo tổng kết hai năm 1947-1948 của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa, Lưu trữ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Hồ sơ lưu trữ 183/1949 phòng lưu trữ Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Hồ sơ lưu trữ số 200/1949, Ủy ban nhân dân tỉnh

Hồ sơ lưu trữ số 200/1949, Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh

Hồ sơ lưu trữ số 159/1949, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Hồ sơ lưu trữ số 236/1949, Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh Thanh Hóa

Ở tỉnh Thanh Hóa, tháng 10-1947 có 2000 đảng viên, đến tháng 5-1948 tăng lên trên 4000 đảng viên.  Xem thêm Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), CTQG, H,2003, tr.173-174

Hồ sơ lưu trữ số 204/1949, Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh

 

Hồ sơ lưu trữ số 226/1949, Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh.

Theo Báo cáo tổng kết hai năm 1947-1948 của Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh Thanh Hóa, "80% dân số trong tỉnh ấm no hơn trước, 10% giữ mức như xưa. So với đầu năm 1945 thì cuối năm 1948 giá hàng hóa cao lên từ 200 % đến 300%, trái lại, giá lúa gạo đã hạ từ 50 % đến 60%, nạn đói đầu năm 1945 đã giải quyết, mức độ tăng gia sản xuất phát triển lớn". Dẫn theo: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), CTQG, H,2003, tr.262-263.

Hồ sơ lưu trữ số 405/1951.

Hồ sơ lưu trữ số 357/1951

 

Toàn tỉnh Thanh Hóa, chỉ riêng trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, đã có 49.009 hộ gia đình lập kế hoạch phát triiển kinh tế và đăng ký thi đua sản xuất. Việc thu thuế nông nghiệp đạt từ 80-90% trong vụ chiêm xuân năm 1952. Nhiều xí nghiệp đã đạt và vượt năng suất từ 10-100%.

Hồ sơ lưu trữ số 298/1951, 491/1952.

Hồ sơ lưu trữ số 298/1951,  491/1952

Hồ sơ lưu trữ số 298/1951.

Công văn số 157/TT/NC ngày 16-2-1952 Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hoá.

Hồ sơ lưu trữ số 491/1952 và 614/1953

 

Lịch sử Thanh Hoá kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, trang 154.

Số hộ ở lại tăng hơn 2 lần khi kiểm kê ban đầu vì họ tản cư ít bữa rồi lại về.  Thực hiện chủ trương của Trung ương, từ tháng 5 đến tháng 10-1953, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành hai đợt giảm tô, tịch thu của địa chủ cường hào gian ác hơn 1.680 mẫu ruộng dất đem chia cho nông dân nghèo. Cùng với giảm tô, các địa phương có phát động quần chúng đã tiến hành chia lại xã, củng cố nông hội, điều chỉnh lại bộ máy chính quyền, bộ máy chỉ huy dân quân, du kích, công an. Công tác chỉnh đảng, cơ cấu lại các chi ủy cũng được tiến hành nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp bộ đảng. Trong hai đợt giảm tô, tỉnh Thanh Hóa đã chia 38 xã đã phát động quần chúng thành 91 xã mới; theo đó, số chi ủy cũng tăng từ 401 lên 629 chi ủy. Dẫn theo: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), CTQG, H,2003, tr.506-507.

Tuy nhiên, trong hai đợt phát động quần chúng giảm tô kết hợp với chỉnh đốn tổ chức, số đảng viên trong 38 xã đã phát động giảm tô lại giảm từ 7.406 đảng viên xuống còn 6.463 đảng viên, có 11 đảng viên bị đem ra đấu tố. Một bộ phận trung nông, phú nông hoang mang, sợ sệt, một số địa chủ bỏ sản xuất hoặc tìm cách chạy ra vùng địch. Ở Quảng Xương, hai địa chủ Ứng Đình Ngọc và Tôn Thất Toại đã bỏ hoang 2000 mẫuDẫn theo: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), CTQG, H,2003, tr.510-511 .

. Hồ sơ lưu trữ về Thị trấn đặc biệt.

Chiếc xe đạp thồ nguyên là phương tiện đi lại, buôn bán làm ăn của nhân dân Thị trấn đặc biệt Thanh Hoá, do yêu cầu phục vụ kháng chiến, xe đạp được cải tiến làm phương tiện vận chuyển hàng hoá phục vụ tiền tuyến, đạt năng suất và hiệu quả cao.

http://thanhhoacity.gov.vn/Documents/lich%20su%20dang%20bo%20TP%20TH/anhtulieu_lamtronnv.jpg

 

 

 

Ngày 3-5-1953, chiến dịch Thượng Lào kết thúc, các đoàn xe thồ Thị trấn được khen thưởng cờ: “Đã ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ Thu Đông năm 1953” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ: “Quân đội giải phóng Lào tặng Đoàn dân công có thành tích” có thêu chim hòa bình trên nền xanh da trời.

Chiến sĩ dân công Bùi Xuân Tín được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba. Hai chiến sĩ dân công Nguyễn Xuân Thục, Nguyễn Xuân Khoát được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn tuyến, 20 chiến sĩ khác được tặng Giấy khen của Bộ Quốc phòng và Hội đồng Cung cấp tỉnh.

Ngoài ra còn có những đợt dân công phục vụ nhiều nhiệm vụ khác với số lượng ít hơn, nhưng đều được tổ chức lãnh đạo chặt chẽ, kiên quyết nêu cao tinh thần phục vụ khi có yêu cầu đặt ra. Theo báo cáo của Trạm VC5 phụ trách 40 km từ bến đò Phú Yên (Thọ Xuân) lên giáp giới Lang Chánh, với nhiệm vụ bảo quản kho tàng 500 tấn và xây dựng Bệnh xá đón tiếp 400 bệnh nhân, hoạt động trong thời gian từ 20-1-1953 đến 30-5-1953, thì ngoài số lớn dân công các huyện vận chuyển trong tỉnh, Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa có 641 dân công thường trực và 315 dân công gánh bộ. Cùng với một số đơn vị như Hoàng Sơn (Nông Cống), Đông Hoàng (Đông Sơn), Quảng Văn (Quảng Xương), Thọ Long (Thọ Xuân)… Đoàn dân công Thị trấn đặc biệt đã thực hiện tốt khẩu hiệu “bảo vệ gạo như bảo vệ người”, khi gặp mưa, gạo được che đậy nên không bị ẩm mốc, cả quá trình vận chuyển không hao hụt một cân nào. Về cuối đợt có yêu cầu dân công thường trực ở lại phục vụ thêm một tháng, đoàn Thị trấn đặc biệt xung phong ở lại cùng với xã Thọ Ngọc (Thọ Xuân).

Trạm VC5 đã kịp thời biểu dương, nêu cao khẩu hiệu “Hoan nghênh các Đoàn dân công xung phong phục vụ thêm 1 tháng”, “Hoan nghênh đoàn Dân công Thị trấn Thanh Hóa”[1].

Tháng 9-1953, Hội đồng cung cấp Tỉnh giao nhiệm vụ cho Thị trấn huy động dân công phục vụ chiến dịch Tây Nam Ninh Bình[2].

Nhiệm vụ của đợt dân công này là chuyển gạo từ Thanh Hóa ra Yên Mô, sau lại quay về Nho Quan lấy gạo chuyển tiếp. Trong đợt này, đã huy động 2.200 dân công gánh bộ, mà nhiều tiểu thương lại chưa quen gánh nặng đi đường xa.

Thấy rõ khó khăn đó, Thị ủy và chính quyền Thị trấn đã động viên được tinh thần hăng hái tương trợ, những người có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, tạo nên sự phấn khởi cho mọi người. Đồng chí Nguyễn Văn Thới được giao nhiệm vụ chính trị viên đơn vị kiêm Bí thư Chi bộ dân công đã phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ, tổ chức tương trợ, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Theo định mức, mỗi dân công gánh 15 kg gạo, không kể tiêu chuẩn ăn của mình, nhưng nhiều người đã gánh vượt định mức để đỡ cho những người gánh chưa quen. Chỉ trong vòng một tháng, Thị trấn đã hoàn thành nhiệm vụ, nhiều chiến sĩ dân công được cấp bằng khen và giấy khen.

Trên cơ sở sở phân tích toàn diện chiến trường, tháng 9-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra phương châm tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 là: Tập trung binh lực mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu và sơ hở, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo thuận lợi để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đập tan kế hoạch Nava thâm độc của địch.

Để chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, hàng chục vạn dân công được huy động phục vụ công tác chuẩn bị chiến trường.

Trải qua bảy năm kháng chiến, vùng tự do Thanh Hóa ngày càng khẳng định vai trò to lớn của một căn cứ địa, một hậu phương trọng yếu của chiến tranh nhân dân. Tiềm năng về nhân tài, vật lực của tỉnh được khơi dậy, nhân lên đồng thời với những đóng góp nhu cầu thiết yếu phục vụ kháng chiến.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cục diện mới của cuộc kháng chiến lại đặt ra yêu cầu mới, to lớn hơn cho hậu phương Thanh Hóa. Quân và dân Tỉnh lại gồng mình, dốc toàn lực phục vụ các chiến trường, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

Quán triệt yêu cầu nhiệm vụ do Tỉnh giao, Thị ủy và chính quyền Thị trấn đã phát động được tinh thần tự giác nhận nhiệm vụ của đảng viên và nhân dân. Mọi người cùng nhau thảo luận dân chủ về ý nghĩa, quá trình của đợt công tác, trước khi xung phong nhận nhiệm vụ và bình nghị người đi phục vụ, người ở lại hậu phương.

Do được học tập và hiểu rõ tầm quan trọng của đợt phục vụ này, nhân dân Thị trấn đã hăng hái xung phong góp của, góp công để phục vụ chiến dịch.

Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể đã tổ chức quyên góp, động viên giúp đỡ những gia đình có người đi phục vụ mà gặp khó khăn, để người ngoài tiền tuyến yên tâm làm tròn nhiệm vụ.

Trong đợt phục vụ này, Thị trấn đã huy động tới 17 đợt dân công với 1.780 xe đạp thồ và hàng ngàn dân công gánh bộ. Người đợt trước chưa về, người đợt sau đã nối tiếp. Phục vụ xong đợt này về nghỉ ít ngày lại tiếp tục đi phục vụ đợt khác. Các cán bộ cấp ủy (Thị ủy viên, Chi ủy viên) và đảng viên trong Đảng bộ thay phiên nhau dẫn đoàn quân lên đường thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị chiến dịch.

Thực hiện phương châm chiến lược của Bộ Chính trị, các đơn vị chủ lực của ta liên tiếp mở những cuộc tiến công vào những hướng đã định, buộc thực dân Pháp phải vội vã điều quân ứng cứu.

Tháng 11-1953, quân chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, uy hiếp địa bàn chiến lược sơ hở nhất của địch. Từ chỗ không phải là tâm điểm của kế hoạch, Nava vội vã điều các binh đoàn cơ động tăng cường xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm với 16.000 quân cùng với xe tăng, đại bác, máy bay, sẵn sàng ứng chiến bảo vệ  cứ điểm được coi là "Pháo đài bất khả xâm phạm", "con nhím khổng lồ giữa núi rừng Tây bắc", "cối xay thịt Việt Minh".

Phát huy thắng lợi vừa giành được của đợt đầu chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, tháng 12- 1953 Hội nghị Bộ chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch.

Để giải quyết vấn đề cung cấp to lớn cho các đòn tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng vừa chủ trương khai thác hậu cần tại chỗ, vừa huy động nguồn lực từ các vùng tự do, vùng căn cứ địa. Theo quyết định của Trung ương, ở Liên khu IV, Thanh Hóa (và một phần Nghệ An) đảm nhiệm cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 25-4-1954, Thường vụ Liên khu Ủy IV họp quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc phối hợp tác chiến với chiến trường Điện Biên Phủ và chỉ rõ Thanh Hóa tập trung phục vụ tiền tuyến hoàn thành nhiệm vụ Trung ương giao về thóc gạo. Để có đủ số lương thực, thực phẩm Trung ương giao, nhân dân Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa cùng nhân dân Tỉnh phải ăn ngô non, khoai non, dành gạo cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Những tấn lương thực, thực phẩm cuối cùng lại được dân công vận chuyển qua hai chặng: Thanh Hóa-Suối Rút, Suối Rút-Điện Biên Phủ, dài 600 km đến tiền tuyến cung cấp cho chiến sĩ[3].

Theo kế hoạch, phải mở thông con đường 41 lên Điện Biên Phủ. Lực lượng dân công được huy động làm đường rất đông. Do yêu cầu phục vụ, Đoàn dân công Thị trấn được giao nhiệm vụ gánh gạo phục vụ dân công làm đường.

Số lượng dân công Thị trấn được giao đợt này là gần 2.000 người, chia thành nhiều đợt do các đồng chí Phạm Doãn Ứng, Trần Trọng Tài, Trần Văn An phụ trách. Riêng đợt do đồng chí Phạm Doãn Ứng phụ trách được biên chế thành 4 đại đội: 3 đại đội nam, 1 đại đội nữ.

Về chỉ huy lãnh đạo, Thị ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính giao nhiệm vụ đồng chí Phạm Doãn Ứng là Đoàn trưởng, đồng chí Lê Thị Khuê là Đoàn phó phụ trách công tác phụ vận, đồng chí Thiệu Hồng làm Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ Đoàn. Đoàn có nhiệm vụ gánh gạo từ Thanh Hóa đến Hồi Xuân, qua Phú Lệ sang Vạn Mai, đến điểm cuối cùng là đường 41 thì giao gạo, thời gian phục vụ là 3 tháng. Các đảng viên trong Chi bộ Đoàn đã nêu cao vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, cùng chiến sĩ dân công hoàn thành xuất sắc đợt phục vụ này.

Riêng Đại đội nữ gồm 152 người do chị Nguyễn Thị Hiểu là Đại đội trưởng và chị Nguyễn Thị Nghĩa làm Đại đội phó, đa số chị em trong đơn vị là tiểu thương chưa quen việc gánh vác, lại gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nên ban đầu có một số người tỏ ra chán nản. Nhưng được sự cổ vũ, động viên kịp thời của Ban Chỉ huy Đoàn và Đại đội, chị em đã cố gắng vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, trong suốt ba tháng phục vụ, chị em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao, nhiều chị em được bầu là cá nhân xuất sắc. Riêng chị Nguyễn Thị Nghĩa được công nhận là Chiến sĩ thi đua loại I của toàn tuyến.

Tuyến hậu cần chủ yếu để phục vụ chiến dịch kéo dài suốt từ Thanh Hóa đi Suối Rút, qua Mộc Châu sang Cò Nòi đến Sơn La. Lực lượng dân công xe thồ của Thị trấn được bố trí phục vụ ở cả ba tuyến: Hậu tuyến, trung tuyến và hỏa tuyến. Vượt qua những đèo cao, dốc đứng, những đồi trọc và những trận mưa rừng xối xả, đường vận chuyển lầy lội trơn như đổ mỡ, máy bay địch thường xuyên bắn phá, đoàn xe đạp thồ Thị trấn vẫn vui văn nghệ dọc tuyến đường phục vụ. Có đêm đoàn thồ đi được 22km, đoàn vừa đi vừa rút kinh nghiệm, tìm ra thao tác giữ cho xe khỏi đổ, đi nhanh, chở nhiều,...



[1] Hồ sơ lưu trữ số 632/1953.

[2] Chiến dịch này diễn ra từ ngày 15-10 đến 16-11-1953.

[3] Trong đợt vận chuyển thứ 3 số lượng dân công toàn tỉnh chiếm tới 80% số dân công trên toàn tuyến cung cấp; trong lực lượng dân công chi viện chiến trường Điện Biên Phủ, có 25.000 nữ dân công Thanh Hóa. Trong toàn chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động 30% số người ở độ tuổi lao động; 3.530 xe đạp thồ; 1.126 thuyền; 31 ô tô; 180 xe bò; 42 ngựa, 3 voi vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược cho bộ đội. Thanh Hóa cung cấp cho chiến dịch hơn 11.000 tấn lương thực, thực phẩm (toàn hậu phương là 26.000 tấn). Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Sơ thảo, Tập 1 (1930-1954).

 

Điển hình trong tăng năng suất toàn tuyến là anh Trịnh Ngọc (Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa) đã nâng mức thồ lên 345,5 kg và trở thành người đạt mức thồ cao nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh Đào Đức Ty đã nâng mức thồ từ 160kg lên 195kg và sau đó thường xuyên đạt 320kg. Ở hỏa tuyến, đồng chí Nguyễn Viết Châu trực tiếp phụ trách một đoàn đã tổ chức thao diễn cách thồ, cách dựng, cách đẩy, vì vậy thường xuyên đưa năng suất thồ lên cao hơn, kịp thời phục vụ yêu cầu khẩn trương của hỏa tuyến. Cũng tại hỏa tuyến, đơn vị do đồng chí Hồ Văn Huấn phụ trách sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) tiếp tục nêu cao tinh thần phục vụ, tham gia giải quyết các công việc hậu chiến dịch, như: khiêng cáng thương binh, chôn cất liệt sĩ, thu dọn chiến lợi phẩm,...

Với những thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phục vụ chiến đấu, tổng kết công tác dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, lãnh đạo Tỉnh Thanh Hóa đã tuyên dương "Thị trấn Thanh Hóa khá về xây dựng các đoàn xe đạp, các xe điển hình". Ở ngay trên chiến trường, đơn vị đồng chí Hồ Văn Huấn vinh dự được nhận cờ "Thi đua khá nhất" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với thành tích đặc biệt về năng suất thồ, đồng chí Trịnh Ngọc đã được Hội đồng cung cấp Mặt trận Liên khu IV tặng Bằng khen. Nhiều đoàn khác được tặng thưởng 1 Cờ của Hội đồng cung cấp Trung ương, 2 Cờ của Hội đồng cung cấp tỉnh; 5 chiến sĩ được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba, 13 Chiến sĩ thi đua được thưởng Huy hiệu Hồ Chủ tịch.

*

*        *

Sau khi giành được chính quyền, Đảng bộ và nhân dân Thị xã đã thực hiện những việc cấp bách nhằm tăng cường thực lực cách mạng: xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, bồi dưỡng sức dân, củng cố, phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, bài trừ nội phản, chống giặc đói, giặc dốt, cải thiện sức dân, chuẩn bị kháng chiến, động viên sức người, sức của cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Cuộc động viên, tổ chức lực lượng toàn dân kháng chiến, kiến quốc phát triển mạnh mẽ. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đã thực hiện triệt để chủ trương "tiêu thổ kháng chiến", thực hiện vườn không nhà trống, xây dựng căn cứ và hậu phương kháng chiến...

Đảng bộ, chính quyền cách mạng đã động viên nhân dân đồng lòng, quyết tâm đánh thắng giặc. Niềm tin ở sức mạnh vô địch của toàn dân kháng chiến đã được khẳng định ngay từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhân dân Thị xã Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, chịu đựng gian khổ hy sinh, vượt qua bao thử thách khắc nghiệt, chiến đấu bảo vệ quê hương, tích cực chi viện sức người sức của cho cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Sự đóng góp, hy sinh anh dũng của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã góp phần làm cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do, làm nên thiên sử vàng chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Đánh giá về công lao của quân và dân Thanh Hóa trong đó có vai trò của cán bộ, đảng viên và quân dân Thị xã, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điên Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó"[1].

Lịch sử Đảng bộ chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ cùng toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H.2002, T.8, tr.400 

CHƯƠNG III: ĐẢNG BỘ THỊ XÃ THANH HÓA RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN GÓP PHẦN KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945- 1954)

Đăng lúc: 03/11/2014 16:10:59 (GMT+7)

Lịch sử Đảng bộ Thành phố Thanh Hóa 1945-2020 (Tiếp theo)

I. ĐẢNG BỘ THỊ XÃ THANH HÓA RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN ĐẤU TRANH GIỮ VỮNG CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (1945- 1946)

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

Chặng đường mới của nhân dân Thị xã đầy khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi căn bản, là nền tảng để Thị xã vững bước đi lên. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, chính quyền và Mặt trận Việt Minh, tinh thần cách mạng của quần chúng dâng cao, đội ngũ cán bộ được tôi luyện, trưởng thành qua phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đây nhân dân Thị xã Thanh Hóa bắt tay xây dựng chế độ mới, một lòng theo Đảng và Chính phủ, quyết tâm giữ vững quyền tự do độc lập theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những thách thức và những khó khăn sau Cách mạng Tháng Tám đe dọa nghiêm trọng nền độc lập, tự do mà dân tộc ta vừa giành lại được, đặt chính quyền dân chủ nhân dân và vận mệnh non sông trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Chiếm một vị thế trọng yếu ở khu vực Bắc Trung Bộ bước vào xây dựng chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền dân chủ nhân dân vừa được thiết lập, bên cạnh những thuận lợi to lớn, phong trào cách mạng của Thị xã Thanh Hóa đứng trước những khó khăn, thử thách nghiêm trọng.

Nạn đói khủng khiếp năm 1945 chưa chấm dứt, đồng bằng Bắc Bộ lại vỡ đê, vụ mùa thất thu lớn. Hậu quả nặng nề của chế độ thực dân, phong kiến và chiến tranh thế giới thứ II làm cho nền kinh tế kiệt quệ, sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn.

Ở Tỉnh Thanh Hóa, kinh tế-xã hội ngày càng khó khăn, sản xuất nông nghiệp tiêu điều, sau vụ chiêm 1945, hạn hán kéo dài, ruộng đồng nứt nẻ khô hạn, đất đai bị bỏ hoang nhiều, đến kỳ thu hoạch lại bị bão lụt phá hủy hàng vạn héc ta, mất khoảng 50% sản lượng lúa. Khắp nơi rải rác người chết đói. Trâu bò bị dịch bệnh chết hàng loạt. Các ngành sản xuất bị đình đốn; nhiều công nhân, viên chức không có việc làm; tài chính cạn kiệt, trống rỗng...

Chín phần mười số dân không biết chữ. Cũng như nhiều huyện trong Tỉnh, Thị xã Thanh Hóa chưa có tổ chức Đảng. Phong trào quần chúng cách mạng diễn ra sôi nổi, song Mặt trận Việt Minh tuy rộng rãi nhưng chưa tập hợp và huy động được hết các giới, nhất là bộ phận tầng lớp trên. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận vốn đã thiếu sau khi giành chính quyền lại càng thiếu người chỉ đạo trực tiếp vì những cốt cán của Thị bộ Việt Minh được giao những nhiệm vụ của chính quyền Thị xã. Trên cương vị mới, đội ngũ cán bộ này tuy có nhiệt huyết song công tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, trình độ lý luận còn non yếu, bỡ ngỡ, lúng túng trong công tác.

Thử thách to lớn đối với nhân dân tỉnh Thanh Hóa và nhân dân Thị xã là nạn "thù trong giặc ngoài" đe dọa sự an nguy của chính quyền cách mạng non trẻ. Chính quyền cách mạng mới thành lập, còn nhiều lúng túng trong quản lý và điều hành, trong lúc phải tập trung sức giải quyết những khó khăn chồng chất về kinh tế-xã hội thì phải đối phó với nạn "Hoa quân nhập Việt" của chính quyền Tưởng Giới Thạch trong mưu đồ "Tiêu diệt Đảng ta. Phá tan Việt Minh". Giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền nhân dân để lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng.

Tháng 9-1945, quân đội Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật ồ ạt kéo vào miền Bắc nước ta. Tháng 11-1945, một trung đoàn quân Tưởng kéo vào Thanh Hóa. Đi theo đội quân ô hợp này là bọn Việt gian trong các đảng Việt Quốc, Việt Cách kéo vào câu kết với bọn phản động địa phương tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng.

Trong bối cảnh đó, ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Tổ quốc bị xâm lăng, cũng như nhân dân cả nước, nhân dân Thanh Hóa và nhân dân Thị xã đứng trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp.

Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của nhân dân ta lúc này là: tăng gia sản xuất để chống đói; chống nạn mù chữ; tổ chức tổng tuyển cử; bài trừ thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, cấm hút thuốc phiện; tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết. Tiếp đó, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc đề ra những nhiệm vụ cần kíp cho toàn Đảng, toàn dân ta là ...phải củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

Dựa trên tinh thần sáu nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay của Chính phủ cách mạng lâm thời và Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc ngày 25-11-1945 của Trung ương Đảng; nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thành Hóa là: Đấu tranh với âm mưu xâm lược của Tưởng Giới Thạch và bọn tay sai của Tưởng, tiêu diệt phản động địa phương; củng cố chính quyền cách mạng các cấp từ xã đến tỉnh. Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói và mở phong trào xoá nạn mù chữ. Đồng thời, tích cực chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam.

Để thực hiện những nhiêm vụ to lớn và khó khăn trên, nhận thức rõ tầm quan trọng của công cuộc xây dựng chế độ mới trên địa bàn tỉnh lỵ, Đảng bộ Thanh Hóa quan tâm xây dựng và củng cố các đoàn thể chính trị. Tỉnh bộ Việt Minh cử đồng chí Lưu Văn Bân (Lưu Cộng Hòa) và Đỗ Đông Uyên về củng cố xây dựng Thị bộ Việt Minh.

Tại một cuộc hội nghị ở Trụ sở Tri tân học hội, đã bầu Ban chấp hành Thị bộ Việt Minh do đồng chí Lưu Văn Bân làm Chủ nhiệm, Đỗ Đông Uyên là Phó Chủ nhiệm. Hội nghị thống nhất chương trình hoạt động thiết thực là gấp rút củng cố và kiện toàn các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ từ khu phố thống nhất lên Thị xã, lập các đoàn thể mới xuống khu phố, đến công sở nhằm nhiệt liệt hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương do Chính phủ đề ra. Mặt trận Việt Minh từ Thị xã xuống khu phố đã trở thành tổ chức đoàn kết, tập hợp lực lượng, đồng thời (cùng với Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời) thực hiện những nhiệm vụ cấp bách ở địa phương. Mặt trận và các đoàn thể quần chúng hoạt động tích cực bên cạnh Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thị xã.

Từ kết quả củng cố kiện toàn Thị bộ Việt Minh, Tỉnh bộ thấy rõ là phải gấp rút bồi dưỡng nhận thức, thống nhất phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt Việt Minh huyện, xã trong hoàn cảnh mới nên chủ trương mở lớp bồi dưỡng cán bộ tại Nhà máy Diêm Hàm Rồng, giao cho đồng chí Lê Trọng Thoàn phụ trách.

Đầu tháng 10-1945, gần 500 cán bộ Việt Minh của các huyện đồng bằng trong tỉnh đã tham gia lớp học. Tuy thời gian ngắn, nhưng với nội dung cô đọng nhằm trang bị những hiểu biết cơ bản để làm được việc ngay, Tỉnh bộ đã kịp thời cung cấp cho phong trào một lực lượng cán bộ đông đảo. Thị bộ Việt Minh và nhân dân Thị xã tự hào vì đã góp công sức lớn cho việc tổ chức lớp học cả về nội dung và công tác đảm bảo hậu cần.

Sau khi giành được chính quyền, Ủy ban cách mạng lâm thời các cấp ở các địa phương khẩn trương ổn định tình hình kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân; từng bước xây dựng bộ máy chính quyền mới. Ủy ban nhân dân cách mạng phân công các thành viên phụ trách các ngành: kinh tế, quốc phòng, nội vụ, tài chính, giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội, thông tin tuyên truyền,...

Công tác xây dựng chính quyền được đặc biệt coi trọng. Hội nghị cán bộ các tỉnh Trung Bộ, ngày 2-9-1945 quyết định thành lập và bầu Ủy ban nhân dân cách mạng Trung Bộ. Ủy ban chủ trương trong vòng một tháng bộ máy chính quyền từ cấp kỳ xuống cấp xã và tương đương phải tổ chức xong và đi vào hoạt động. Cuối năm 1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các cấp được đổi thành Ủy ban hành chính lâm thời (sau đó là Ủy ban hành chính). Các ngành chuyên môn được tổ chức thành các ty ở cấp tỉnh hoặc thành phố, các phòng ở cấp huyện, Thị xã. Chính quyền các cấp đã bắt tay ngay vào việc tổ chức thực hiện chương trình của Việt Minh. Mặt trận Việt Minh phát triển ngày càng nhanh, các hội cứu quốc được tổ chức thống nhất từ Thị xã xuống các khu phố.

Việc củng cố các đoàn thể được quan tâm. Tại Tri tân học hội, Đội Thiếu niên Tiền phong và Đội Nhi đồng Cứu vong (sau đổi tên là Đội Nhi đồng Cứu quốc) là tổ chức đoàn thể của những công dân nhỏ tuổi được thành lập sớm sau Thị bộ Việt Minh. Anh Nguyễn Thế Kỷ và chị Lê Nữ Tú là những phụ trách đầu tiên của lớp thiếu niên, nhi đồng Thị xã Thanh Hóa sau Cách mạng Tháng Tám.

Phụ nữ là lực lượng đông đảo hoạt động với các hình thức nhóm bí mật riêng lẻ, nhưng khi được huy động thì nhanh chóng trở thành một đội quân hoạt động có hiệu quả về nhiều mặt. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Phụ nữ Cứu quốc Thị xã tại Trường Nữ sinh. Gần 100 đại biểu thay mặt cho một ngàn hội viên ở các khu phố sôi nổi thảo luận kiểm điểm công việc chị em đã đóng góp cho khởi nghĩa thắng lợi và đề án công tác trước mắt tập trung nhất là góp phần cứu trợ người thiếu đói, xây dựng ngân quỹ quốc gia. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 13 người do bà Lê Thị Ngọ làm Bí thư.

Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người có chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý hành chính, quản lý Giáo dục, Y tế, Tài chính, Kho bạc, Bưu điện làm việc trong bộ máy chính quyền cũ vẫn được chính quyền cách mạng sử dụng. Vì vậy, cần phải tập hợp số người này cùng với số cán bộ công chức mới của các cơ quan Nhà nước vào một tổ chức là Hội Công chức cứu quốc. Đồng chí Nguyễn Văn Yêm thay mặt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thị xã chủ trì Đại hội, gồm 150 người họp tại Câu lạc bộ thể thao Kiến Hương thành lập Hội Công chức cứu quốc; cử ra Ban Chấp hành để điều hành hoạt động do ông Lê Xuân Ấp, một thầy giáo có uy tín, là Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thị xã làm Hội trưởng.

Từ sau ngày thành lập, Hội Công chức cứu quốc đã làm nòng cốt trong việc giúp chính quyền tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ công chức tinh thần phục vụ cách mạng và ý thức bảo vệ các công sở, góp phần đẩy mạnh hoạt động chuyên môn vào nền nếp mới.

Những đoàn viên Thanh niên cứu quốc hoạt động trong thời kỳ bí mật với danh nghĩa các nhóm Việt Minh riêng lẻ, sau Cách mạng Tháng Tám cũng mở Đại hội thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc Thị xã. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 11 người, do ông Nguyễn Văn Yêm làm Bí thư, Lê Kinh Hùng làm Phó bí thư.

Từ những cơ sở Hội Công nhân cứu quốc đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả, tập hợp đoàn kết được lực lượng lao động có nghề nghiệp, hoạt động trong Nhà máy Điện - Nước, Nhà ga xe lửa, ngành Vận tải ô tô và Phu xe cứu quốc (Hội cứu quốc của những người lao động xe kéo), giới công nhân lao động Thị xã đã mở Đại hội thành lập Hội Công nhân Cứu quốc Thị xã tại Hội trường Nhà máy đèn. Đại hội bầu Ban Chấp hành mới thống nhất lực lượng công nhân lao động toàn Thị xã do đồng chí Võ Nguyên Lượng, hội viên Việt Minh trong thời kỳ bí mật, là người phụ trách đầu tiên của Nhà máy Điện - Nước làm Hội trưởng.

Tiếp sau Đại hội của các giới Thanh niên, Phụ nữ, Thiếu niên, Nhi đồng là Đại hội của giới Phụ lão thành lập Hội Phụ lão Cứu quốc Thị xã, do ông Phạm Gia Mỹ - chủ một xưởng in làm Hội trưởng.

Không chỉ là trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, Thị xã Thanh Hóa còn là trung tâm văn hóa, nơi tập trung mọi hoạt động của giới văn nghệ sĩ cả tỉnh. Khi chính quyền cách mạng vừa mới được thành lập chưa kịp với tới giới văn nghệ sĩ thì đã có một sốngười tự tập hợp thành tổ chức văn hóa. Thấy rõ cách làm không phù hợp đó của họ, Thị bộ Việt Minh đã chính thức tuyên bố thành lập Hội Văn hóa cứu quốc thay cho tổ chức văn hóa mà một số người lập ra trước đó.

Nhằm góp phần ổn định thị trường lương thực, chống đầu cơ tích trữ thóc gạo, Thị bộ Việt Minh chủ trương thành lập Công thương cứu quốc Hội để tập hợp những người buôn bán nhỏ bằng việc làm cụ thể trên thương trường tỏ rõ lòng yêu nước ủng hộ chính quyền cách mạng. Sau ngày Hội thành lập, những nhà buôn bán nhỏ hưởng ứng chủ trương của Thị bộ Việt Minh đã tự nguyện góp vốn được 50 vạn đồng Đông Dương để mua thóc gạo dự trữ chống đói. Số thóc gạo mua trên thị trường tự do được giữ lại cho đến lúc giáp hạt mới đem bán cho người thiếu ăn theo giá chỉ đạo của Chính phủ. Giới công thương Thị xã hưởng ứng chủ trương của chính quyền đứng ra bán một số mặt hàng thiết yếu cho nhân dân như: muối, dầu, vải, nước mắm… theo giá quy định, góp phần bình ổn thị trường. Thị bộ Việt Minh vận động đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo đòi giao quyền quản lý Nhà Chung cho linh mục Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao nhận thức đấu tranh vì nền độc lập của Tổ quốc cho giáo dân.

Giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản nhân dân, trên cơ sở đó mà ổn định tình hình chính trị, đó là điều kiện tiên quyết thể hiện năng lực quản lý điều hành của chính quyền cách mạng.

Lúc này, lực lượng vũ trang của Tỉnh đóng trên địa bàn gồm: Cảnh sát xung phong có 300 người, Chi đội Cứu quốc quân Đinh Công Tráng có 1.500 người và Tiểu đoàn Cảnh vệ tỉnh thành lập tháng 11-1946.

Ngay từ buổi đầu, chính quyền cách mạng Thị xã đã lập Đội Cảm tử quân xung phong gồm 200 người, là những thanh niên hăng hái thuộc đủ mọi tầng lớp đông nhất là thanh niên học sinh đã thôi học nhưng tự nguyện để làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền. Đội được tổ chức theo hình thức quân sự bán tập trung, bình thường thì đội viên ai ở nhà nấy, ăn cơm nhà, tự trang bị giầy, mũ, quần áo, vũ khí thô sơ, khi có nhiệm vụ thì tập trung đội viên, mỗi đội viên được đeo một huy hiệu “Tự vệ Sao vuông”.

Tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ nổ ra ngày 23-9-1945, một trung đội nòng cốt của Đội Cảm tử quân xung phong gồm 40 người theo sự chỉ huy của đồng chí Võ Thức (Thức râu) lên đường Nam tiến, chi viện cho chiến trường Buôn Ma Thuột.  Buổi tiễn đưa các chiến sĩ diễn ra tại sân Ga Thanh Hóa trong khí thế hào hùng. Người lên đường hứa hẹn dũng cảm chiến đấu tiêu diệt giặc Pháp, người ở lại nguyện tích cực xây dựng hậu phương.

Trong suốt quá trình vận động thành lập Đảng bộ tỉnh (1925-1930), nhất là sau khi Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa ra đời (29-7-1930) cho đến khi giành được chính quyền (8-1945), Thị xã là một trong những địa bàn hoạt động của các tổ chức cách mạng liên hệ bắt mối với Trung ương và Xứ ủy. Nhiều lần Đảng bộ Tỉnh đã cử cán bộ, đảng viên về xây dựng cơ sở, xây dựng tổ chức Đảng ở Thị xã, nhưng vì nơi đây là hang ổ mật thám và là dinh lũy của chính quyền thống trị thực dân, phong kiến, nên việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng để trực tiếp lãnh đạo phong trào địa phương rất khó khăn. Do vậy, mọi phong trào và hoạt động của Thị xã đều do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo thông qua một số đảng viên và cán bộ cách mạng được phân công phụ trách.

Sau khi giành được chính quyền (20-8-1945), nhiệm vụ cấp bách là tiến tới thành lập tổ chức Đảng để lãnh đạo nhân dân chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ.

Tháng 11-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tại nhà Phó Sứ (đường Vườn Hoa) Thị xã Thanh Hóa, đánh giá tình hình chung của tỉnh từ sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền và đề ra chủ trương, biện pháp thực hiện những nhiệm vụ cấp bách mà Trung ương Đảng, Chính phủ đã đề ra. Hội nghị chủ trương củng cố, kiện toàn Tỉnh ủy lâm thời, đặt công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang,...

Đồng thời với tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất, uy tín về các địa phương gây dựng phong trào, phát triển tổ chức cơ sở đảng, Tỉnh ủy cử đồng chí Trần Tiến Quân về Thị xã Thanh Hóa để phát triển đảng viên, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc; phát triển cơ sở trung kiên và tạo lập những điều kiện quan trọng để thành lập tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên của Thị xã Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, ngày 15 - 11 - 1945, tại Nhà máy Đèn, đồng chí Bùi Đạt, đại diện Tỉnh ủy đã triệu tập Hội nghị công bố Quyết định của Tỉnh ủy thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Thị xã, do đồng chí Trần Tiến Quân (Trịnh Huy Lãng) làm Bí thư.

Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Đạt nêu lên tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và giao trách nhiệm cho Chi bộ phải ra sức tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ cách mạng, những công nhân ưu tú và quần chúng lao động tốt để kết nạp vào Đảng, làm cho Đảng ngày càng lớn mạnh, để nhanh chóng thành lập Thị ủy chính thức đủ sức lãnh đạo nhân dân bảo vệ chính quyền non trẻ và tổ chức xây dựng cuộc sống mới.

Sự kiện thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên có ý nghĩa lớn lao trong đời sống chính trị của nhân dân Thị xã. Suốt quá trình theo Đảng làm cách mạng cho đến khi giành được chính quyền, lần đầu tiên nhân dân Thị xã Thanh Hóa có được Bộ tham mưu trực tiếp của mình để lãnh đạo nhân dân tiến lên dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, cùng với nhân dân tỉnh và cả nước hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà lịch sử giao phó trong giai đoạn cách mạng trọng đại này.



Ngày 21-12-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 77, quy định các tỉnh lỵ và những nơi đô hội biệt lập và trực tiếp với tỉnh về mặt hành chính đều (từ nay gọi là Thị xã).  

Sách: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá tập I, 1930 - 1954, tr. 138.

Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H,1995, T.6, tr.161

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 26-27.

.Nay là khu đất Ủy ban nhân dân Thành phố Thanh Hóa .

.Trước đây là khu đất Cửa hàng bách hóa ở Đại lộ Lê Lợi, đối diện với Kho bạc Nhà nước. Hiện nay là Trung tâm Thương mại của Công ty Sông Đà.

.Nay là khu đất phía Tây Bắc Ngã tư Lê Hoàn  Tống Duy Tân.

 

 

 

Sau khi thành lập, Chi bộ đã tổ chức Hội nghị tại Nhà máy Đèn, do đồng chí Trần Tiến Quân chủ trì, đề ra một số chủ trương công tác cụ thể như: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên; kiện toàn bộ máy lãnh đạo trong các tổ chức chính quyền và đoàn thể cứu quốc, củng cố các ủy ban công sở, ủy ban xí nghiệp (Nhà máy Đèn, Nhà máy Diêm, Nhà máy Ép dầu Hàm Rồng), giải tán Ủy ban Công sở Nam Đồng Ích; kết hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể cứu quốc, tổ chức vận động quần chúng đoàn kết xung quanh Mặt trận Việt Minh; thành lập dân quân tự vệ ở các khu phố để giữ gìn trật tự trị an, đấu tranh ngăn chặn, trấn áp mọi hành động bắt cóc, tống tiền, cướp của, gây rối của bọn Quốc dân đảng tay sai của bọn Tưởng Giới Thạch. Chi bộ phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Chấp hành chỉ đạo các mặt công tác một cách khẩn trương, tập trung vào những công việc cần kíp của chính quyền cách mạng.

 

 

Công tác xây dựng Đảng trên địa bàn Thị xã được quan tâm, như: phát triển đảng viên, nhanh chóng xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Các đồng chí đảng viên của Chi bộ đi sâu tìm hiểu, bồi dưỡng và giáo dục những cán bộ nòng cốt trong công nhân và nhân dân lao động để kết nạp vào Đảng. Sau một thời gian đi sâu tuyên truyền vận động những công nhân tích cực, giáo dục và chọn lựa những quần chúng ưu tú, tổ chức đã kết nạp được một số đảng viên mới, hình thành nên 2 chi bộ Công vận và Phụ vận, cùng với chi bộ Thanh niên tỉnh đóng vai trò rất quan trọng, nòng cốt trong công tác phát triển đảng, gây dựng phong trào cách mạng trên địa bàn. Do vậy, chỉ một thời gian ngắn, số đảng viên trong Chi bộ đã lên tới 20 đồng chí. Chấp hành Chỉ thị của Tỉnh ủy, tháng 3-1946, tại tầng 2 Nhà máy Đèn, đã diễn ra Hội nghị toàn thể bầu Thị ủy lâm thời, gồm 3 đồng chí: Trần Tiến Quân, Nguyễn Thị Nghiên và Võ Nguyên Lượng, do đồng chí Trần Tiến Quân làm Bí thư.

Hội nghị đã đánh giá tình hình Thị xã từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tập trung bàn biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đấu tranh chống bọn Quốc dân đảng phản động và tay sai. Đồng thời, quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài.

Sau Hội nghị lịch sử này, tuy số lượng đảng viên còn ít, nhưng Đảng bộ đã phát huy được vai trò lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu của mỗi đảng viên, hướng dẫn quần chúng xây dựng cuộc sống mới và chống lại âm mưu phá hoại của bọn phản động.

Sau khi được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ xây dựng, phụ trách Nhà máy in, Đảng bộ Thị xã đã đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới. Đến cuối năm 1946, Nhà máy in kết nạp được 15 đảng viên.

Cùng với việc xây dựng Đảng, Chi bộ chú ý xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, phát triển Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc và tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ chính trị của nhân dân được xúc tiến khẩn trương. Các đội tuyên truyền xung phong do Việt Minh tỉnh và Thị xã thành lập đi về các làng xã, khu phố để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; động viên toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ chế độ mới, sẵn sàng kháng chiến cứu nước.

Trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", tháng 11-1945 Đảng ta "tuyên bố tự giải tán", thực chất là rút vào hoạt động bí mật.

Về xây dựng lực lượng vũ trang, sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là kể từ sau khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, thực hiện âm mưu cướp nước ta lần nữa, lực lượng vũ trang được gấp rút xây dựng, tổ chức hoạt động; các thôn xã đều thành lập các đơn vị dân quân tự vệ. Ở Thanh Hóa, Tỉnh ủy khẩn trương chỉ đạo việc lựa chọn những chiến sĩ yêu nước và điều động một số đơn vị tự vệ ở các huyện thành lập Chi đội Giải phóng quân mang tên gọi Chi đội Đinh Công Tráng (Chi đội Giải phóng quân sau đổi là Chi đội Vệ quốc đoàn, đến đầu năm 1946 đổi là Chi đội Vệ quốc quân). Trên cơ sở lực lượng dân quân, tự vệ rộng rãi, ở Thị xã đã chọn một số thanh niên khỏe mạnh, hăng hái, tổ chức thành các đội dân quân du kích, đội tự vệ. Mỗi khu phố có từ 1-2 trung đội dân quân, du kích hoặc tự vệ chiến đấu, có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, vận động xây dựng nếp sống mới. Lực lượng này chủ yếu được trang bị gậy gộc, gươm, đao; số ít được trang bị lựu đạn, súng trường.

Để kịp thời có vũ khí trang bị cho bộ đội, dân quân du kích, tự vệ, các lò rèn ở xã, khu phố tập trung rèn dao, kiếm; ở Tỉnh lập công binh xưởng sản xuất và sửa chữa vũ khí. Tháng 9-1945, Tỉnh Thanh Hóa thành lập xưởng Cao Thắng, với gần 30 công nhân, máy móc lấy từ nhà máy diêm Hàm Rồng và mỏ Crôm Cổ Định.

Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính Tỉnh chủ trương lập Đoàn Tự vệ thành thay thế Đội Cảm tử quân xung phong. Phần lớn đội viên Đội Cảm tử quân xung phong gia nhập Tự vệ thành.

Tự vệ thành là một đơn vị vũ trang mang tính quần chúng rộng rãi, nhưng kết nạp có lựa chọn những thanh niên ở nội thị, thuộc các tầng lớp khác nhau, không phân biệt tôn giáo, thanh niên học sinh, thợ thủ công, tiểu thương, tiểu chủ, văn nghệ sĩ, cựu binh sĩ, công chức có lòng yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Song, vì chế độ bán thoát ly nên không kết nạp nữ thanh niên.

Đội viên và cán bộ sinh hoạt tập trung, nhưng không thoát ly kinh tế và sản xuất của gia đình. Cán bộ chỉ huy tự vũ trang bằng súng ngắn, dao găm hay kiếm trường. Đội viên tự vệ trang bị lấy đồng phục, giầy da, thắt lưng, túi đạn, mũ calô đính "sao vuông", ghệt phủ giầy, băng bông cá nhân. Ngày thử súng, mỗi đội viên tự túc 5 viên đạn và được nhận 1 khẩu súng trường.

Đoàn Tự vệ thành là đơn vị trung tâm của Tự vệ, có 2 ban: Ban Quản trị hành chính gồm những nhân sĩ có uy tín trong nhân dân và Ban Chỉ huy gồm những cán bộ đã ít nhiều hiểu biết về lĩnh vực quân sự phối hợp chặt chẽ với nhau để điều hành học tập chính trị, rèn luyện quân sự, thực hiện công tác bố phòng, tuần tra canh gác Thị xã.

Lực lượng nòng cốt của Đoàn là Đại đội Hồ Chí Minh do đồng chí Hoàng Kim Cúc làm Đại đội trưởng, đồng chí Trương Khâm làm Chính trị viên (kiêm Chính trị viên đại đội Hồ Chí Minh). Với 100 đội viên, Đại đội Hồ Chí Minh chia làm 3 trung đội: Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong, Hoàng Hoa Thám do các đồng chí Lê Văn Phúc, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn Thới làm Trung đội trưởng. Mỗi trung đội chia thành 3 tiểu đội… Mỗi sáng hàng ngày, các chiến sĩ Đại đội Hồ Chí Minh tập chạy việt dã để bố trí chiến thuật tiến công, ngày mưa thì tổ chức học chính trị. Ở tất cả các khu phố đều có Trung đội tự vệ khu phố. Việc rèn luyện quân sự, học tập chính trị thường phối hợp với lực lượng Tự vệ thành, do đó mà có sự gắn bó giữa đơn vị tự vệ toàn Thị xã với đơn vị tự vệ từng khu phố, mà chưa có sự chỉ huy chung.

Việc mua sắm vũ khí được quan tâm. Cùng với sự quyên góp từ các nhà tư sản yêu nước, chính quyền tỉnh đã tài trợ cho Thị xã 20 vạn đồng Đông Dương để mua sắm vũ khí. Với số tiền đó, Ban Chỉ huy Đoàn đã tìm mua được 100 khẩu súng trường (súng Mousqueton) mà bà con dân chài Đồ Sơn (Hải Phòng) vớt được từ dưới sông, biển do lính Nhật phản chiến ném xuống. Để tránh tai mắt bọn Tàu Tưởng, số súng mua về được cất giấu tại Nhà thờ họ Trần ở thôn Phú Cốc.

Sau khi thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm Nam Bộ (23-9-1945), Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ kháng chiến. Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập các đơn vị Nam tiến. Hưởng ứng lời kêu gọi, tỉnh Thanh Hóa thành lập ngay “Phòng Nam Bộ”, ghi tên những người tình nguyện vào Nam chiến đấu và tổ chức các đơn vị Nam tiến. Ở Thị xã thành lập Ủy ban ủng hộ chiến sĩ Nam Bộ, lập Quỹ Nam Bộ, tổ chức Ngày kháng chiến, Ngày nỗ lực sản xuất; tổ chức mít tinh, biểu tình ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Tại Thị xã Thanh Hóa, Tỉnh ủy tổ chức một cuộc mít tinh lớn, hàng vạn người xuống đường tuần hành qua các đường phố hô vang khẩu hiệu phản đối thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ. Một đại đội bộ đội Thanh Hóa đã gia nhập đoàn quân Nam tiến ngay từ những ngày đầu.

Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền nhân dân được thiết lập, song tình hình tài chính hết sức nguy ngập. Ngân khố Trung ương gần như trống rỗng. Ngân khố địa phương cũng trong tình trạng ấy. Đồng bạc Đông Dương mất giá. Phải dựa vào sức mạnh nhân dân để huy động nguồn tài chính đảm bảo duy trì hoạt động của bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân.

Để góp phần giải quyết khó khăn về tài chính, ngân sách của Trung ương và các địa phương, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thị xã cùng với các địa phương trong tỉnh tổ chức tốt "Tuần lễ vàng" và các cuộc quyên góp xây dựng "Quỹ độc lập", "Quỹ đảm phụ quốc phòng". Những cuộc vận động này được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng bằng cách góp tiền, vàng, bạc, đồng, lúa gạo, trâu bò[3].

Trong cuộc vận động ủng hộ Quỹ độc lập (9-1945), Ban vận động của Thị xã đã đi đến từng nhà dân, kể cả Hoa kiều, Ấn kiều giải thích chủ trương của Chính phủ, vận động các gia đình đóng góp giúp Chính phủ giải quyết khó khăn. Một phong trào quần chúng ủng hộ tài lực cho Chính phủ đã được phát động, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và niềm mong ước thiết tha giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa mới giành được. Tiếp theo là Tuần lễ vàng được tổ chức thành cuộc mít tinh hưởng ứng tại Hành Cung[4], do đồng chí Lê Tất Đắc Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Tỉnh phát biểu ý kiến khai mạc. Sau khi nêu rõ ý nghĩa của Tuần lễ vàng là để làm cơ sở cho việc xây dựng đồng tiền quốc gia độc lập, đồng chí kêu gọi mọi người, mọi gia đình thể hiện lòng yêu nước thiết tha, ý chí tự chủ, tự cường, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, có thứ gì góp thứ ấy, ủng hộ để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Tổng kết Tuần lễ vàng ở Thị xã nhân dân đóng góp được 187 lạng 2 chỉ 4 phân vàng (toàn tỉnh quyên góp được 523 lạng, 6 chỉ, 6 phân vàng)[5].

Đúng 2 giờ chiều ngày 23-11-1945, chính quyền Thị xã tổ chức cuộc mít tinh tại “Vườn hoa Độc lập”[6] khai mạc Tuần lễ đồng. Đông đảo nhân dân và cán bộ chính quyền 10 khu phố đã tham dự. Sau khi nghe giới thiệu ý nghĩa, mục đích đóng góp đồng để rèn đúc vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang, nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, mọi người tỏa về từng khu phố, cán bộ đi thành đoàn đến nhà dân quyên góp. Cuối tuần lễ, toàn Thị xã thu được 1.781 kg đồng.

Hưởng ứng Lời kêu gọi "Nhường cơm sẻ áo" thực hiện những "Ngày đồng tâm". Cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, 1 tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đề nghị đồng bào cả nước và tôi xin thực hiện trước", trong mỗi gia đình của Thị xã đã xuất hiện "Hũ gạo tiết kiệm cứu đói". Lúc đầu nhân dân cũng thực hiện nhịn ăn, song về sau đã sáng tạo hơn dưới hình thức: cứ mỗi lần vo gạo nấu ăn trong ngày thì bớt lại 1-2 lẻ gạo bỏ vào hũ. Dồn lại trong 10 ngày 1 lần đem hũ gạo đó đóng góp chung, kết quả thu được nhiều hơn là "10 ngày nhịn ăn một bữa".

Nhờ hũ gạo tiết kiệm cứu đói mà dân nghèo Thị xã và các làng thôn lân cận được giúp đỡ kịp thời, vượt qua khó khăn lúc giáp hạt.

Để ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, về lâu dài, chính quyền và Mặt trận Việt Minh Thị xã ra sức thực hiện chủ trương toàn dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; tích cực phát triển các loại cây rau màu, lương thực ngắn ngày, tận dụng đất hoang hóa để tăng gia sản xuất.

Thực hiện lời kêu gọi diệt giặc dốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng và Mặt trận Việt Minh Thị xã tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào diệt giặc dốt. Ban Bình dân học vụ được thành lập. Phong trào bình dân học vụ được tổ chức khắp các khu phố, làng xã, với nhiều lớp học buổi trưa, buổi tối. Những người biết chữ tự nguyện xung phong làm giáo viên dạy cho người chưa biết chữ. Nhiều hình thức diệt dốt được thực hiện phong phú, sinh động như tổ chức hỏi chữ ngoài cổng chợ hoặc ngang đường, khích lệ tinh thần học tập mọi lúc, mọi nơi của người dân trong Thị xã.

Hàng chục lớp học được mở ra ở đình chùa, nhà ở, lều chợ. Hàng trăm học viên mọi lứa tuổi, với đội ngũ giáo viên-những chiến sĩ diệt dốt thuộc mọi tầng lớp tự nguyện tham gia dạy chữ, do nhà giáo yêu nước Lê Duy Hoàn phụ trách. Người học không mất tiền lại còn được trợ cấp giấy bút nếu túng thiếu, người dạy không lấy tiền. Những lớp học ấy đã góp phần đưa ánh sáng văn hóa vào tầng lớp thất học do chế độ cũ để lại, giúp người dân biết đọc, biết viết, từ đó nâng cao hiểu biết, góp phần xây dựng chế độ mới.

Cuộc vận động đời sống mới do chính quyền cách mạng đề ra được nhân dân Thị xã nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin, tệ cờ bạc, rượu chè lãng phí, linh đình bị loại trừ. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển, động viên, cổ vũ nhân dân hăng hái tham gia thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Nhiều đội văn nghệ được thành lập, vừa biểu diễn các tiết mục phục vụ nhân dân, vừa góp phần tuyên truyền đời sống văn hóa mới ở cơ sở.

Khi quân Tưởng kéo vào Thanh Hóa, chính quyền Tỉnh và Thị xã thể hiện đầy đủ trách nhiệm chủ nhân đất nước tổ chức chu đáo việc đón tiếp họ với khẩu hiệu bằng tiếng Anh treo khắp đường phố: “Hoan hô quân đội Đồng Minh vào tước vũ khí quân đội Nhật, bố trí địa điểm đóng quân, cung cấp lương thực, thực phẩm cho họ.

Tình hình chính trị ở Thị xã Thanh Hóa lúc này rất phức tạp bởi những hoạt động chống phá của các phần tử cơ hội, phản động. Nhiều phần tử thuộc Đại Việt chưa bị xử lý trong Cách mạng Tháng Tám nổi dậy theo Việt Quốc từ ngoài vào lập nên Đệ lục chiến khu ở ấp Di Linh huyện Nông Cống (nay là xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn).

Với sách lược mềm dẻo, một mặt ta bố trí lực lượng bao vây ấp Di Linh cắt nguồn tiếp tế từ bên ngoài vào, mặt khác phái viên của Tỉnh vào ấp thương lượng cam kết sẽ không bắt một người nào, nếu chúng giải thể chiến khu, nộp khí giới cho chính quyền cách mạng thì được tha bổng. Do chịu sức ép từ nhiều phía nên chúng buộc phải chấp nhận điều kiện này, giao nộp cho ta 71 súng và nhiều đạn dược, phương tiện hoạt động khác.

Lợi dụng thiện chí của ta, vừa về đến Thị xã, bọn chúng dựa vào quân đội Tưởng cướp trụ sở Nông Giang và Khách sạn Tứ Dân lập nên trụ sở Tỉnh bộ Quốc dân đảng, đồng thời chiếm một số nhà dân ở Cầu Sâng, phố Tịch Điền, phố Chợ, phố Nhà Thương để làm trụ sở các Khu bộ.

Dưới sự điều khiển của Đặng Trần Hồ và Nguyễn Hữu Nhơn là Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Tỉnh bộ Quốc dân đảng tại Thanh Hóa, bọn chúng đã dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, ép buộc một số thanh niên kém giác ngộ, một số phần tử bất mãn để lập nên các đội võ trang tiến hành hoạt động khủng bố, giết người, làm đủ điều dã man tồi tệ. Được quân Tưởng che chở, một nhóm 3 tên Việt Quốc có trang bị vũ khí đến nhà dân ở phố Ngô Hải Hoàng (phố Hàng Đồng hiện nay) để tống tiền. Trước hành động đó, 1 tiểu đội Cảnh sát xung phong Thanh Hóa đã vào ngăn chặn chúng hành động, liền bị chúng dùng súng bắn và ném lựu đạn làm Tiểu đội trưởng Lộc và hai chiến sĩ Thuyết và Thọ bị thương nặng . Chúng còn ngang nhiên bắt cả một cán bộ cảnh sát và một cán bộ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Thị xã về giam giữ tại trụ sở của chúng.

Những hành động trái phép công khai diễn ra làm mọi người căm phẫn. Song với khẩu hiệu lúc này là "Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết", thực hiện chính sách “đoàn kết, nhẫn nhục, nhưng không khuất phục”, ta đã huy động lực lượng quần chúng biểu tình phản đối hành động chiếm đóng công sở, đả đảo hành động khủng bố, bắt cóc, tống tiền của bọn Việt Quốc, đòi thả ngay những cán bộ bị chúng bắt cóc, đòi bồi thường thương tật cho những nạn nhân do chúng gây nên. Từ đó tiến hành một chiến dịch tuyên truyền qua hệ thống loa cực mạnh, phối hợp giữa Phòng Thông tin và Hội Công nhân cứu quốc vạch mặt bọn Việt Quốc, Việt Cách ở Thanh Hóa.

 Công tác tuyên truyền đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về Mặt trận Việt Minh, về Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là người thực sự đại diện cho quyền lợi nhân dân, còn bọn Việt Quốc, Việt Cách chỉ là một lũ cơ hội chính trị, phản dân hại nước. Từ đó, sự ủng hộ Chính phủ của nhân dân ngày càng tăng lên.

Nhằm củng cố và phát triển phong trào cách mạng, sau tết Nguyên đán Đinh Hợi năm 1946, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ điều động một lực lượng tuyên truyền xung phong gồm 9 người, do đồng chí Đào Duy Dếnh chỉ huy, ra Thanh Hóa phối hợp với Đội Trinh sát Sao Vàng của Việt Minh tỉnh và lực lượng cảnh sát xung phong Thanh Hóa tiến quân trừng trị bọn Quốc dân Đảng. Một buổi sáng tháng 2-1946, Đội Trinh sát Sao Vàng đã bắn chết Hoàng Văn Bách, một tên Quốc dân Đảng phản động nhất.

Nhằm trấn áp những hành động bắt cóc, tống tiền, ám sát cán bộ, hãm hiếp phụ nữ,… của bọn phản động Quốc dân Đảng, tháng 3-1946, lực lượng  cách mạng tiến công vào các trụ sở Khu bộ của chúng ở phố Tịch Điền, phố Chợ, Cầu Sâng…, trụ sở Việt Cách ở phố Bờ Hồ (khu đất Xí nghiệp Điện cơ đối diện với Công an tỉnh hiện nay). Cùng với kiên quyết trấn áp bọn phản động, nhân dân Thị xã đã hưởng ứng cuộc mít tinh lớn do Tỉnh ủy tổ chức tại Thị xã, tuần hành qua các đường phố nơi bọn Việt quốc, Việt cách và quân đội Tưởng chiếm đóng, hô vang khẩu hiệu phản đối thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ, tiễu trừ Việt gian phản động, Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Nội dung điều khoản Hiệp ước Pháp - Hoa ký ngày 28-2-1946 quy định: “Quân đội Pháp thay thế quân đội Tưởng ở phía Bắc vĩ tuyến 16 làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật”. Đến tháng 5-1946, quân đội Tưởng rút khỏi Thị xã Thanh Hóa, bọn Việt Quốc, Việt Cách cuốn gói chạy theo.

Để xây dựng, củng cố nền dân chủ mới, Chính phủ thấy rõ tính cấp bách phải củng cố cơ sở pháp lý của Nhà nước mới. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị sớm tổ chức tổng tuyển cử và ban hành Hiến pháp. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v…”.

Cuộc Tổng tuyển cử được ấn định vào ngày 6-1-1946 để bầu Quốc hội, đi tới lập Chính phủ chính thức và xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập. Ngày 6-1-1946, như ngày hội lớn của toàn dân, cử tri cả nước Việt Nam nô nức đi bầu cử. Lần đầu tiên trong lịch sử, công dân Thị xã Thanh Hóa, với ý thức chính trị cao của người dân mới giành được độc lập, già trẻ, gái trai, từ 18 tuổi trở lên đã ăn mặc gọn gàng, tươm tất như đi trẩy hội, đến nơi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Bọn Việt Quốc, Việt Cách tìm mọi mưu mô phá hoại cuộc bầu cử. Song tại các địa điểm đặt hòm phiếu, ta đã chú trọng việc canh phòng bảo vệ, nên chúng chỉ la lối phản tuyên truyền ở ngoài khu vực bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của cả nước tại Thị xã Thanh Hóa diễn ra thắng lợi, 99% số cử tri đã tham gia bầu cử, góp phần với cả tỉnh bầu ra 14 đại biểu Quốc hội khóa I tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trong số đại biểu trúng cử có đồng chí Nguyễn Đình Thực, Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa, một cán bộ hoạt động cách mạng liên tục trong nhiều năm và là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng ở Lò Chum.

Tiếp đó, tháng 4-1946, lần đầu tiên cử tri Thị xã tham gia bầu cử cơ quan quyền lực địa phương là Hội đồng nhân dân, theo số lượng được quy định tại Sắc lệnh số 77, ngày 21-12-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

Trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân Thị xã khóa đầu tiên là những người tiểu biểu cho tinh thần đoàn kết xây dựng chính quyền cách mạng, trong đó có Phạm Văn Sáu, Lê Trọng Tân, Vũ Thức, Nguyễn Thế Kỷ,  Trương Khâm, Phan Văn Duệ…

Sau khi được Ủy ban hành chính Tỉnh công nhận tính hợp lệ của cuộc bầu cử, Hội đồng nhân dân Thị xã đã bầu Ủy ban hành chính Thị xã do đồng chí Phạm Văn Sáu làm Chủ tịch, đồng chí Lê Trọng Tân làm Phó Chủ tịch, đồng chí Vũ Thức làm Ủy viên Thư ký. Từ đây, Ủy ban hành chính Thị xã thay thế Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Thị xã được chia làm 10 khu phố. Căn cứ Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945, để phù hợp với tình hình mới, Hội đồng nhân dân Thị xã điều chỉnh từ 10 khu phố thành 4 khu phố.

Đầu năm 1946, thực hiện chủ trương của Bộ Nội vụ về việc bầu Ủy ban hành chính các khu phố, từ 10 khu phố cũ chia thành 4 khu phố mới là: Khu phố 1, từ phía Nam phố Tống Duy Tân đến ngã ba Tịch Điền; Khu phố 2 từ phía Bắc phố Tống Duy Tân đến phía Nam đại lộ Lê Lợi; Khu phố 3 từ phía Bắc đại lộ Lê Lợi đến phía Bắc Thị xã; Khu phố 4 là Khu phố Lò Chum.

Thi hành Nghị định ngày 28-1-1946 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về hướng dẫn bầu cử Ủy ban hành chính khu phố, Ủy ban hành chính Thị xã đã hướng dẫn và tổ chức cho cử tri bầu cử Ủy ban hành chính các khu phố mới theo Nghị định. Trúng cử Ủy ban hành chính các khu phố gồm các vị: Khu phố I, ông Dương Danh Nhượng, Chủ tịch; Khu phố II, ông  Trương Khâm, Chủ tịch; Khu phố III: Ông Trần Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Nhượng, Thư ký; Khu phố IV: ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Thiêm, Phó Chủ tịch.

Hoạt động ngoại giao cũng là một trong những mặt trận đấu tranh quan trọng, chống nguy cơ trở lại xâm lược của thực dân Pháp và sự phá hoại cách mạng của lũ thù trong giặc ngoài. Thị ủy cùng với nhân dân Thị xã theo dõi bước đi hoạt động ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và quyết tâm làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào cuộc đấu tranh ngoại giao đạt kết quả.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước Việt-Pháp (14-9-1946) nhằm kéo dài thời gian hòa bình, để ta chuẩn bị thực lực về mọi mặt cho cuộc kháng chiến được dự đoán là không tránh khỏi, công việc “sửa soạn kháng chiến” được xúc tiến hết sức khẩn trương. Từ cuối năm 1946, trước tình hình cấp bách, Trung ương Đảng và Chính phủ áp dụng những biện pháp đặc biệt để củng cố và tăng cường sức mạnh của hệ thống cơ quan chính quyền địa phương.

Tháng 11-1946, sau khi giải thể Xứ ủy Trung Bộ, Trung ương Đảng quyết định bỏ cấp xứ, chia Trung Bộ thành hai khu: Khu IV và Khu V. Khu IV gồm sáu tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh-Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên). Sau Hội nghị thành lập Khu ủy (11-1946), các Đảng bộ tỉnh cũng lần lượt mở Hội nghị kiểm điểm tình hình, xác định rõ nhiệm vụ mới và kiện toàn cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh.

Cuối năm 1946, liên bộ Quốc phòng-Nội vụ ban hành Thông lệnh số 6/NV-CT về Tổ chức bộ máy chính quyền trong trường hợp đặc biệt. Theo Thông lệnh số 6, sẽ “lập ở mỗi khu quân sự, tỉnh và nếu cần, mỗi huyện, mỗi xã một ủy ban gọi là Ủy ban bảo vệ” (Điều 6). Như vậy, hệ thống cơ quan hành chính địa phương được củng cố thêm bằng một hệ thống các cơ quan bảo vệ nhằm huy động nhân vật lực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ủy ban Kháng chiến Thị xã do đồng chí Lê Hữu Khai (Vũ Hữu Nhân) làm Chủ tịch. Lực lượng dân quân tự vệ các khu phố được xây dựng và củng cố, ra sức luyện tập quân sự, canh phòng bảo vệ Thị xã.

II. LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CHI VIỆN SỨC NGƯỜI, SỨC CỦA GÓP PHẦN KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP THẮNG LỢI (1947-1954)

Sau khi thực dân Pháp bộc lộ rõ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, dân tộc Việt Nam không còn con đường nào khác là phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ đêm 19-12-1946, tiếng súng kháng chiến ở Hà Nội và nhiều nơi khác mở đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 20-12-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đáp ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiếncủa Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta, toàn thể dân tộc Việt Nam bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, đã anh dũng đứng lên kháng chiến.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền cách mạng, nhân dân Thị xã đã tích cực tham gia kháng chiến, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, phá hoại các đường giao thông phòng ngừa quân địch tiến vào địa phương. Đồng thời tổ chức lại bộ máy chính quyền cách mạng cho phù hợp với thời chiến.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Đảng bộ Thị xã và bộ máy chính quyền các cấp đã chuyển hẳn trọng tâm công tác sang lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và động viên toàn dân đứng lên sẵn sàng đánh giặc, kiên quyết bảo vệ vững chắc vùng tự do.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ lớn được đặt ra trước cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương là: Xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương an toàn không cho giặc Pháp tràn tới, nếu chúng có tới thì cũng không thể trụ lại được, xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương vững mạnh chi viện cho các chiến trường, đồng thời là nơi tiếp nhận đồng bào từ các vùng có chiến sự tản cư đến.

Nhân dân Thị xã Thanh Hóa, trung tâm của cả tỉnh, đầu mối giao thông ra Bắc, vào Nam, đã nhất tề anh dũng đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát triển dân quân tự vệ, tăng cường luyện tập quân sự, nâng cao kỹ thuật chiến đấu, thực hành chiến thuật du kích… tạo nên một phong trào kháng chiến, kiến quốc mạnh mẽ. Từ gia đình này đến gia đình khác trong các khu phố đã đục thủng bờ tường, vách ngăn của các hộ gia đình tạo thành đường hành quân bí mật trong từng dãy phố, đào đắp công sự kháng chiến trên các trục đường ở ngã ba, ngã tư… Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền Thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương công tác tản cư. Với tinh thần: Triệt để phá hoại! Nhanh chóng tản cư! Nhiều gia đình ở Thị xã đã sơ tán ra vùng ven ngoại thị, có gia đình đã dọn bớt đồ đạc về làng quê nơi chôn rau cắt rốn…

Từ cuối năm 1946, các cơ quan hành chính cấp tỉnh lần lượt dời khỏi Thị xã. Các cơ quan kháng chiến có nhiệm vụ bám giữ đất thì dời khỏi những khu nhà kiên cố đang được phá hủy đến đóng trong các đình chùa: Ủy ban kháng chiến tỉnh đóng trụ sở ở Hội Phật học, Ủy ban kháng chiến Thị xã đóng ở chùa Quảng Thọ.

Trong hoàn cảnh đồng bào đã tản cư ra ngoại thị, nhằm tăng cường lực lượng kháng chiến, bên cạnh lực lượng vũ trang tập trung, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh quyết định thành lập lực lượng du kích Thị xã gồm 2 đại đội: Đại đội 1 tuyển lựa những thanh niên tự vệ khu phố hăng hái tình nguyện gia nhập; Đại đội 2 đặc cách lấy Đại đội tự vệ Hồ Chí Minh của tự vệ thành. Lực lượng du kích Thị xã do đồng chí Dương Danh Nhượng trực tiếp phụ trách.

Một lực lượng khác là du kích liên huyện C do đồng chí Lê Xuân Tại phụ trách, cùng với lực lượng du kích Thị xã, do đồng chí Nguyễn Trọng Hoàn sau khi được huấn luyện quân sự ở Quân khu về thay cho đồng chí Dương Danh Nhượng, đóng tại Nhà dòng Phơ-răng-xít-canh (Franciscain), địa điểm khu vực Sở Y tế đường Lê Quý Đôn hiện nay.

II. Lãnh đạo nhân dân đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1947-1954)

Nhằm động viên đồng bào và chiến sĩ Tỉnh Thanh Hóa trong phong trào kháng chiến, kiến quốc, xem xét những điều kiện để xây dựng "căn cứ địa kháng chiến", trước khi dời lên chiến khu Việt Bắc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa. Ngày 20-2-1947 được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm, nhân dân Thị xã vô cùng phấn khởi và tự hào, mong chờ được đón vị Cha già dân tộc.

Sau khi làm việc với Tỉnh ủy, gặp mặt các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào của tỉnh, hơn 18 giờ ngày 20-2-1947 (30 tháng giêng Đinh Hợi), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Văn hóa kháng chiến, Chủ tịch Ủy ban hành chính Tỉnh Thanh Hóa và Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ Giao thông công chính, Bộ Canh nông đã dành thời gian gặp gỡ và nói chuyện với đông đảo nhân dân Thị xã trong cuộc mít tinh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sân Nhà Thông tin (nay là Hiệu sách nhân dân, ở Đại lộ Lê Lợi).

Trong tiếng hô vang "Hồ Chủ tịch muôn năm" dậy lên như sấm, Người lanh lẹn, vui vẻ bước lên diễn đàn giơ tay chào đồng bào và chiến sĩ. Sau khi nhận hoa và lời chúc mừng của đại biểu các ngành, các giới, giữa sự yên lặng và hồi hộp của hàng ngàn trái tim, với giọng nói ấm cúng, ngân vang, ấm áp tình thương yêu của lãnh tụ đối với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi để đồng bào, chiến sĩ Thanh Hóa trả lời:

Sau tám mươi năm làm nô lệ cho thực dân Pháp, bây giờ có ai muốn trở lại làm nô lệ không? Mọi người đồng thanh hô vang : "Không".

Người lại hỏi: "Các bạn có muốn tăng gia sản xuất không? Các bạn có muốn giúp đỡ đồng bào tản cư không? Các bạn có nhất tâm quyết chiến không? Các bạn có muốn Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu không"?

Sau mỗi câu hỏi của Bác, mọi người đồng thanh hô vang: "Có! Quyết tâm! làm theo lời dạy của Người".

Nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ vị trí, vai trò của Thanh Hóa và coi đây đã và sẽ là một vùng căn cứ địa kháng chiến, hậu phương chiến lược của cuộc kháng chiến. Người giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa phải ra sức xây dựng địa phương thành một vùng hậu phương với chế độ xã hội mới ưu việt, kiểu mẫu về mọi mặt. Người nhấn mạnh: Phải làm sao cho mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Xây dựng Thanh Hóa kiểu mẫu đồng nghĩa với xây dựng chế độ dân chủ nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra tiềm lực hùng hậu của căn cứ địa, hậu phương kháng chiến; làm tốt chính sách hậu phương, tiếp đón và giúp đỡ cán bộ, đồng bào tản cư từ nơi khác đến.

Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã bày tỏ quyết tâm làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chuyến thăm đồng bào Thanh Hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra sau 2 tháng toàn quốc kháng chiến. Đây cũng là thời điểm tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp bùng lan tới Thị xã Thanh Hóa.

 Hồi 10 giờ 15 phút ngày 21-2-1947, thực dân Pháp đã cho hai chiếc máy bay bay qua Thanh Hóa, liệng xuống bắn mấy hồi liên thanh vào một vài nơi trong Thị xã, bắn trúng hai đầu máy xe lửa đậu ở Nhà ga. Vì không kịp chạy vào hầm trú ẩn, hai người bị thiệt mạng và hai người bị thương. Đây là lần thứ nhất máy bay địch bắn phá Thị xã  Thanh Hóa.

Vụ tấn công thứ hai của giặc Pháp vào Thị xã diễn ra vào tháng 8-1947. Quân Pháp cho một phi đội máy bay B.26 từ phía Tây ào tới ném bom cả bốn phía trung tâm trường Dòng, làm sạt mái, sập trần, gãy tượng Đức Bà ở phía trước và những khối tường khác ở góc sân. Một quả bom khác làm nổ tung mái nhà ăn, xuyên bê tông sàn tầng hai của phòng ăn. Các chiến sĩ du kích lúc bấy giờ đang ở tại khu giảng đường phía Đông đã bằng mọi cách thu hẹp diện tích tiếp xúc để tránh mảnh bom, mảnh gạch ngói bay tới, rồi từ từ rút theo đường giao thông hào ra ngoài an toàn, không một ai bị thương.

Nhằm kiện toàn một bước bộ máy chính quyền các cấp phù hợp với thời chiến, ngày 1-10-1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 91-SL quyết định hợp nhất Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã, và gọi là Ủy ban kháng chiến hành chính (trong đó cấp huyện có 7 ủy viên; cấp xã có 5 ủy viên).

Khi Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh dời lên Thiệu Hóa, đơn vị du kích liên huyện C trở thành đơn vị bộ đội địa phương trực thuộc Tỉnh đội bộ Dân quân. Trên cơ sở lực lượng du kích Thị xã là đơn vị chủ lực, ngày 10-10-1947, Chính trị viên Tỉnh đội Lê Hữu Khai đã ký quyết định thành lập Thị đội bộ Dân quân thị xã Thanh Hóa.

Ngày 7-11-1947, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh quyết định sáp nhập cơ quan Thị đội bộ (gồm 20 cán bộ) vào Tỉnh đội bộ, lực lượng du kích Thị xã xem như đã hoàn thành nhiệm vụ. Đội viên nào có điều kiện thoát ly thì gia nhập quân đội, một số khác trở về gia đình.

Trong hoàn cảnh lực lượng dân quân tập trung, cán bộ Tỉnh, Thị xã  và khu phố ở lại giải quyết mọi công việc trong khi gia đình đã tản cư ra ngoại thành, những cán bộ, chiến sĩ quân đội có nhiệm vụ về công tác qua Thị xã cần được tạo điều kiện trong ăn uống, nhưng do các gia đình ở Thị xã đã tản cư nên không còn một quán cơm tư nhân nào. Trước tình hình đó, Ủy ban kháng chiến tỉnh giao cho Hội Phụ nữ Cứu quốc tổ chức Quán cơm kháng chiến. Những nữ sinh năm xưa như các chị Túy Nga, Võ Thị Nhẫn, Nữ Tú, Sự, Hồng… tuy chưa quen bếp núc, nhưng đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo cơm ngon, canh ngọt phục vụ cán bộ, chiến sĩ.

Cuối năm 1947, Đảng bộ và nhân dân Thị xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến, tổ chức cho nhân dân tản cư về các nơi. Đảng bộ, chính quyền và đoàn thể Thị xã đều được chuyển sang hình thức tổ chức hoạt động mới cho phù hợp với hoàn cảnh thời chiến. Từ tháng 3 đến tháng 9-1947,  Thị xã Thanh Hóa đã được san bằng, đánh sập các công sở được xây dựng từ thời Pháp thuộc, như Tòa sứ, Kho Bạc, Sở Đoan, Nhà dây thép, Khách sạn Rây-nô và các dinh thự của quan lại triều nhà Nguyễn, như Dinh Tổng đốc, Bố chánh, Án sát và khu hành cung; Rạp chiếu bóng Xi-nê-ắc (Cinéaac), Gô-mông (Gaumont),… Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã từ đầu thế kỷ XX bị đánh chìm xuống lòng sông. Tòa Thành tỉnh có từ đầu thế kỷ XIX khi tỉnh lỵ Thanh Hóa được thành lập, cũng được phá. Máy móc thiết bị của các Nhà máy Đèn, Nhà máy Diêm, Nhà in được tháo dỡ, di chuyển về các huyện miền Tây để xây dựng các xưởng quân giới, xưởng Diêm Hưng Việt, Nhà máy Giấy, Nhà in.

Tiếp đến gần 2 ngàn ngôi nhà gạch của dân, trong đó có hơn ba trăm ngôi nhà 2 tầng do nhân dân tự đập phá, dỡ bỏ. Chính quyền cấp giấy phép cho chủ nhà được vận chuyển luồng, gỗ, gạch, ngói làm vật liệu đi xây dựng nhà ở nơi mới. Vài ba ngôi nhà 3 tầng của người dân còn sót lại đã được lực lượng công binh triệt phá. Tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, những khu đền chùa, những nhà thờ Đạo Thiên chúa… vẫn được giữ nguyên vẹn từ tường rào đến gốc cây, ngôi nhà.

 Tiêu thổ kháng chiến nói lên quyết tâm của nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung và của nhân dân Thị xã Thanh Hóa nói riêng. Chỉ trong vòng mấy tháng, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, Thị xã tỉnh lỵ của Tỉnh Thanh Hóa  trở thành một vùng hoang tàn.

Tháng 7-1947, cấp chính quyền Thị xã và các khu phố chính thức giải thể. Vùng đất Thị xã giao cho Ủy ban hành chính kháng chiến 3 xã: Đông Thọ, Đông Hương, Đông Vệ (huyện Đông Sơn) quản lý.

Từ sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, những năm 1947-1948, ở Thanh Hóa cũng như vùng toàn Liên khu IV, để tránh sự bắn phá của địch, những nơi tập trung đông người, các cơ quan, nơi họp chợ phải di chuyển và nhân dân Thị xã phải sơ tán về vùng nông thôn. Cấp hành chính Thị xã tỉnh lỵ giải thể.

Ở Thị xã Thanh Hóa, 2/3 số dân sống bằng nghề công thương sơ tán ra vùng ven Thị xã như Cầu Bố, Voi, Nấp, Nhồi, Cầu Trầu, Cầu Cáo, Rừng Thông, Phố Kết... Đời sống của người tản cư lúc đầu gặp nhiều khó khăn, các giới buôn bán ở  đô thị tản cư về thôn quê chỉ có 1/2 quen với hoàn cảnh kháng chiến, tìm kế sinh nhai tạm đầy đủ, còn 1/2 lâm vào cảnh thiếu thốn và ngày càng chật vật. Năm 1948, đại đa số dân tản cư sinh sống rất chật vật, sự buôn bán mới hình thành từ Đồng Quan, Chợ Đại vào Cầu Bố, thì đến đầu năm 1949 Cầu Bố đã trở thành một thị trấn lớn, thu hút một số lớn đồng bào tản cư từ Bắc Bộ vào hay ở Thị xã Thanh Hóa tản cư về thôn quê, huyện lỵ. Đồng thời nhu cầu giao lưu hàng hóa giữa các vùng trong thị trường nội địa, giữa vùng tự do và vùng địch hậu tăng lên, hầu hết đồng bào ở Thị xã Thanh Hóa cũ đã có mặt tại Cầu Bố - Mật Sơn, tập trung ở dọc đường từ Mật Sơn - Cầu Bố đến làng Voi. Đa số dân chúng tản cư ở các nơi đã tiếp tục trở về Cầu Bố và làm rất nhiều nhà để ở.

Cuối năm 1948, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh chủ trương triệt để tản cư ở những nơi đông đúc. Đầu năm 1949, Công an quận II đã cùng với đại diện Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Đông Sơn, xã Đông Vệ và ông Lâm Quang Đồng, đại diện cho đồng bào tản cư kiểm kê lập biên bản bắt buộc đình chỉ những nhà mới làm, nhưng cứ qua đêm và sáng hôm sau đã mọc thêm nhiều nhà mới khác. Sở dĩ có tình trạng này là vì dân chúng chủ quan khinh địch, thấy Chính phủ nêu khẩu hiệu chuẩn bị tổng phản công đã vội reo mừng cho là độc lập đến nơi không cần phải đề phòng nữa. Tình trạng ấy có thể gây ra nhiều kết quả không hay: Phi cơ địch oanh tạc, quân địch tiến công đổ bộ bất ngờ, sự thiệt hại rất lớn. Do đó, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh chủ trương: Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Đông Sơn giải thích cho đồng bào để đồng bào vui lòng tự dỡ, ai lần khân thì cho dân quân dỡ, ai có ý định làm nhà mới thì can ngăn ngay để tránh kêu nài. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng gửi nhiều đơn thư khiếu nại về tỉnh, Yêu cầu đình chỉ lệnh phá dỡ để dân có nơi làm ăn buôn bán vì đời sống quá chật vật, khi nào có lệnh khẩn cấp dỡ nhà thì dân sẽ tự tháo dỡ, nếu không thì yêu cầu dỡ hết toàn bộ số nhà đã làm trên đường Quán Mật - Cầu Bố cho được công bằng.

Trước tình hình đó, Tỉnh đã báo cáo và được Liên khu IV chấp nhận cho thành lập Khu phố đặc biệt Cầu Bố để xác định rõ trách nhiệm tổ chức đời sống và vận động cư dân tích cực tham gia kháng chiến. Từ đầu năm 1949, việc lập các khu phố đặc biệt, các trại di cư, tản cư được triển khai rộng ở vùng tự do Liên khu IV.

Ngày 14-5-1949, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV thành lập khu phố đặc biệt Cầu Bố do Ủy ban kháng chiến hành chính khu phố điều hành, trực thuộc huyện Đông Sơn, có 5 ủy viên, phụ cấp hàng tháng của các ủy viên Ủy ban Khu phố tương đương với Ủy ban xã, kinh phí do Chính phủ đài thọ.

Chủ trương của Liên khu được nhân dân Cầu Bố nhiệt liệt hoan nghênh và hưởng ứng tham gia cuộc bầu cử chính quyền Khu phố, do ông Lâm Quang Đồng làm Chủ tịch. Từ tháng 8-1949, nhân dân Khu phố Cầu Bố được tập hợp lại và bố trí sinh hoạt theo đơn vị phố: Tân Lập, Cầu Bố, Nghĩa Địa, Phố Mới nên đã phát huy được nhiều mặt tích cực.

Năm 1947-1948, công tác xây dựng Đảng được chú trọng thường xuyên. Các cấp bộ đảng đã tổ chức nhiều đợt nghiên cứu, học tập và một số lớp huấn luyện cho cán bộ, đảng viên nhằm quán triệt đường lối kháng chiến, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng Đảng và các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ. Sinh hoạt đảng được giữ vững, chủ yếu tập trung bàn việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách và giải quyết những vấn đề cấp thiết do thực tế kháng chiến đặt ra cho từng cấp, từng cơ sở. Việc xây dựng chi bộ tự động công tác có nhiều kết quả tốt. Đến tháng 5-1948 đã có 1/3 số chi bộ bảo đảm 4 nội dung đề ra cho loại chi bộ này.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngày 21-8-1949, Huyện ủy Đông Sơn quyết định thành lập Chi bộ Đảng khu phố đặc biệt Cầu Bố (gồm 10 đảng viên đang sinh hoạt cùng với Chi bộ Công ty Việt Thắng tách ra) do đồng chí Lê Lệnh Liệu, Huyện ủy viên Đông Sơn trực tiếp làm Bí thư.  Các đảng viên có gia đình ở Cầu Bố mà lâu nay đang sinh hoạt với Chi bộ xã Đông Thọ, Đông Vệ đều xin chuyển sinh hoạt về Chi bộ Khu phố Cầu Bố.

Đến năm 1949, khu vực Cầu Bố, Rừng Thông là hai nơi tập trung buôn bán tấp nập vì đó là trung tâm thương mại trong tỉnh. Hàm Rồng, Cầu Quan, chợ Voi, chợ Nấp, chợ Chuối, chợ Neo, chợ Đà, chợ Bôn được xếp vào bậc thứ nhì, thứ ba. Các thị trấn rừng Thông, Cầu Bố là những nơi buôn bán tấp nập. Các hiệu buôn, công ty hợp cổ, hợp doanh hoạt động mạnh. Tuy khu phố Cầu Bố đã hình thành một đơn vị hành chính cơ sở, Tỉnh vẫn chủ trương phân tán Thị trấn này, vì đó là một địa điểm rất có thể bị giặc khủng bố. Chủ trương là như vậy, nhưng trong thực tế hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị vẫn diễn ra tập trung, như Nhà in Tương lai, Nhà in và Xuất bản Hiến Nam của ông Vũ Khắc Thuận từ Hưng Yên tản cư vào số nhà 83 phố Cầu Bố, Nhà In Phúc Lộc ở Trường Tại, Xưởng diêm Đại Lợi của ông Phùng Hữu Tài từ Hà Đông chuyển vào chợ Voi.

Trong hoạt động thương nghiệp, có hiện tượng những mặt hàng ngoại hóa qua con đường buôn lậu nhập vào khá nhiều, một mặt làm cho sản xuất nội địa bị ngưng trệ (nhất là giấy và diêm), mặt khác gây tâm lý chỉ chú trọng đến nhu cầu sinh hoạt cá nhân mà lãng quên sự gian khổ của kháng chiến. Nhập hàng ngoại thì phải chở hàng nội (loại hàng nhu yếu phẩm: lương thực, thực phẩm) đi đổi, gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế.

Năm 1947-1948, cùng với việc đẩy mạnh phong trào luyện quân, lập công, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, phong trào thi đua xây dựng làng chiến đấu phát triển rộng rãi, nhất là ở những vùng dự kiến địch có thể đánh vào. Công tác bố phòng, phòng gian, bảo mật được tăng cường.

Dưới sự lãnh đạo của chi ủy, chi bộ khu phố Cầu Bố tiến triển rõ nét về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh chống bọn lén lút phá hoại, phao tin đồn nhảm, kiểm soát người lạ, phát hiện kẻ gian… kịp thời báo cáo với chính quyền, công an để xử lý, đấu tranh chống các tệ nạn tiêu cực, nhờ tổ chức "Tam gia liên bảo", "Ngũ gia liên bảo" (3-5 nhà gần nhau bảo vệ nhau), thực hiện phong trào 3 không (không biết, không nghe, không thấy) để giữ gìn bí mật quốc gia, bịt mắt quân thù.

Về văn hóa-giáo dục, theo chủ trương của Liên khu IV, kể từ cuối năm 1948, ngành giáo dục Thanh Hóa đã có nhiều sáng kiến phát triển công tác giáo dục; thành lập “tiểu ban điều tra chống mù chữ” từ cấp tỉnh đến cấp huyện; đào tạo, huấn luyện giáo viên bình dân học vụ; liên tục tổ chức các đợt thi đua thanh toán nạn mù chữ.... Phong trào xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa được phát triển rộng rãi khắp khu phố, ở đó các lớp học không chỉ là nơi học chữ mà còn là nơi phổ biến chủ trương chính sách, nhằm nâng cao dân trí, đồng thời lại là nơi tổng kết, nhận xét kết quả công tác. Hội Kháng dốt, Hội Khuyến học, Hội bảo trợ bình dân nhanh chóng được thành lập. Các lớp bình dân học vụ buổi trưa, buổi tối được mở khắp nơi.  Hầu hết các xã đồng bằng, trung du có trường tiểu học. Trường Trung Học Đào Duy Từ mở thêm lớp nhận thêm học sinh 

Những tháng năm đầu kháng chiến, địa bàn Thanh Hóa và Khu IV là nơi tập trung nhiều văn nghệ sĩ các tỉnh phía Bắc sơ tán. Đảng bộ và nhân dân Thị xã đã đón nhận nhiều trí thức, văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào. Trong kháng chiến đầy gian khổ, ác liệt, quân dân Thanh Hóa vẫn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Khắp nơi duy trì nếp sống văn hóa mới vui tươi, lành mạnh. các lớp bình dân học vụ vẫn mở, sách báo ra đều đặn, kịp thời động viên toàn dân tham gia kháng chiến. Thanh Hóa có tờ báo Truyền tin, Chống giặc. Tờ Liên hiệp kháng chiến, xuất bản đều đặn mỗi kỳ trên 1.500 tờ.

Phong trào văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao, nhất là đội Kịch và đội Bóng đá khu phố là những hình thức hoạt động nổi bật, với các cuộc giao lưu, giao hữu với bộ đội.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chỉ đạo nhân dân tích cực xây dựng nền kinh tế kháng chiến để đảm bảo đời sống nhân dân và đáp ứng yêu cầu kháng chiến thắng lợi. Các phong trào thi đua "Tăng gia sản xuất", "Hết sức thực hành chính sách tiết kiệm", "Vụ chiêm quyết thắng", "Vụ mùa chủ lực", "nhân dân tiếp tế cho bộ đội kháng chiến, bộ đội giúp đỡ nhân dân làm ăn"... đã lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia. Nhờ vậy, đời sống nhân dân địa phương được ổn định và có bước cải thiện.

Nhằm đáp ứng nhu cầu kháng chiến ngày càng tăng, nhất là nhu cầu về lương thực-thực phẩm bảo đảm cho bộ đội ăn no đánh thắng, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, Chi bộ khu phố Cầu Bố cùng với chính quyền, đoàn thể như Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên đã vận động ủng hộ bộ đội địa phương được 9.150 ki lô gam lúa và 307.724 đồng bạc, mua lúa cho Hồ Chủ tịch khao quân được 19.914kg, mua công phiếu kháng chiến được 592.508 đồng, trong đó hai đơn vị là Công ty Việt Thắng và Liên đoàn Vận tải xuồng máy cùng cá nhân ông Bùi Văn Vượng mua công phiếu với mức cao nhất là 10.000 đồng. Những người có nghĩa vụ đóng góp Quỹ đảm phụ quốc phòng đã thu được 511 kg lúa và 200 đồng.

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong khu phố được cải thiện, tình đoàn kết quân dân, sự tin tưởng vào Đảng và Chính phủ ngày càng tăng lên. Song vấn đề lớn nhất đặt ra đối với chính quyền khu phố là phòng tránh địch đánh phá, phòng chống xảy ra hỏa hoạn, được đặt ra cấp bách. Mặc dù Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh chủ trương cứ 10 nhà thì dỡ bớt 3 nhà để tạo thành khoảng trống cần thiết, phải chuyển hướng bán hàng vào buổi sáng, buổi chiều…, nhưng nhiều hộ dân không quán triệt thực hiện chu đáo.

Trong khi đó, để phá hoại nền kinh tế kháng chiến, reo rắc hoang mang, sợ hãi trong nhân dân, từ đầu năm 1949, ở Thanh Hóa và Liên khu IV, thực dân Pháp cho máy bay bắn phá nhiều công trình quan trọng về thủy lợi, xưởng quốc phòng, nhà máy, kho tàng, bệnh viện gây cho ta nhiều thiệt hại; ném bom vào chợ phiên làm chết hàng trăm người. Chỉ riêng trận ném bom Chợ Kiểu ở Yên Định, ngày 19-5-1950 đã giết hại 400 người, làm bị thương 300 người; ở chợ Quăng (Hoằng Hóa) làm chết 44 người, bị thương 17 người.

Nửa đầu năm 1950, ở Cầu Bố-Mật Sơn và các vùng phụ cận Hàm Rồng, Nam Ngạn, Tân Hà,  Cốc Hạ, Bào Nội, Đông Tác, Thọ Hạc, Quảng Thắng, Nấp, Voi đã bị quân Pháp cho 104 lần chiếc máy bay oanh tạc 28 vụ, làm chết 83 người, bị thương 51 người, cháy 298 nóc nhà, đắm 55 thuyền và ca nô, sát hại 19 con trâu, bò. Từ ngày 1-1-1950 đến 29-7-1950, riêng khu vực Cầu Bố-Mật Sơn đã có tới 11 vụ địch ném bom bắn phá làm chết 20 người, bị thương 9 người, cháy 131 nóc nhà. Đồng thời, địch tăng cường các hoạt động của các tổ chức phản động chống phá chính quyền.

Những thiệt hại đó có phần do nhân dân chủ quan, lơ là phòng tránh, song chủ yếu là do sự chỉ đạo thiếu kiên quyết của chính quyền Khu phố. Trước tình hình ấy, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh quyết định thôi chức 3 Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Khu phố, trong đó có Chủ tịch Lâm Quang Đồng. Đồng thời, quyết định nâng cấp Khu phố lên Thị trấn đặc biệt Cầu Bố,đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh. Đồng chí Nguyễn Phong Lân, Phó Chủ tịch Khu phố được chỉ định giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Thị trấn.

Tháng 5-1950, Chi bộ Thị trấn Cầu Bố trực thuộc Tỉnh ủy mở Đại hội Chi bộ với sự tham dự của 50 đảng viên. Đại hội đã thẳng thắn tự phê bình và phê bình về tình hình lãnh đạo và chỉ đạo mọi mặt trong thời gian qua, bàn chương trình hành động trước mắt, gồm các vấn đề:

- Thành lập Ban Kinh tài của Chi bộ, khôi phục và phát triển thủ công nghiệp, thu hút lao động, giải quyết việc làm, đấu tranh kinh tế với địch.

- Tổ chức tốt công tác phòng tránh nhằm giảm tổn thất về người và của cho nhân dân.

- Đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hóa.

- Xúc tiến hoạt động của Nhóm nghiên cứu Mác - xít nhằm góp phần nâng cao trình độ lý luận cho đảng viên, xây dựng Chi bộ cả về tư tưởng, tổ chức và kiểm tra.

Đại hội bầu Ban Chi ủy mới gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Viết Châu làm Bí thư.

Việc nâng cấp tổ chức từ Khu phố lên Thị trấn, nâng cấp quản lý trực tiếp từ cấp huyện lên tỉnh, thi hành kỷ luật nghiêm đối với số cán bộ chấp hành không triệt để chủ trương sơ tán phòng tránh, cùng với tổ chức thành công Đại hội Chi bộ bầu Ban Chi ủy mới và việc chỉ định Ủy ban Kháng chiến hành chính mới đã làm tăng thêm sức mạnh để Chi bộ, chính quyền các đoàn thể nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.

Trước các hoạt động phá hoại kinh tế của địch, để đối phó với các âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, nhân dân địa phương đã hăng hái tham gia công tác bố phòng, cùng dân quân, bộ đội, công an địa phương nơi sơ tán tích cực bảo mật, phòng gian, đẩy mạnh xây dựng làng chiến đấu, phát triển hầm hào, phân tán chợ búa, phòng tránh địch ném bom tàn sát, khôi phục và phát triển sản xuất, nâng cao ý thức cảnh giác giữ gìn trật tự trị an.

Thực hiện chủ trương của cấp ủy cấp trên, Chi bộ cùng với chính quyền kết hợp chặt chẽ với Công an Quận II phát động phong trào đấu tranh kinh tế với địch. Chi đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ đi đầu trong việc vận động hội viên không mua bán, không tiêu dùng hàng xa xỉ phẩm, các nhóm "Tam gia liên bảo", "Ngũ gia liên bảo" và quần chúng tích cực phát hiện và giúp đỡ chính quyền ngăn chặn và lùng bắt bọn gian thương lén lút mua hàng nhu yếu phẩm đưa ra vùng địch.

Ban Kinh tài của Chi bộ do đồng chí Phạm Doãn Ứng làm Trưởng ban và đồng chí Trần Trọng Tài làm Phó Trưởng ban đã lập xưởng mộc Đồng Lực đặt tại địa điểm Công ty Việt Thắng mới bàn giao, gồm 40 thợ, với số vốn vay 60.000 đồng. Xưởng mộc Đồng Lực đã sản xuất các mặt hàng gỗ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, góp phần phát triển sản xuất, thu hút lao động vào làm việc, một phần lãi ròng đóng góp cho các chi phí hoạt động của Chi bộ và điều quan trọng là thông qua lao động tập thể, một số anh em thợ đã được bồi dưỡng giáo dục, về sau trở thành những đảng viên, cán bộ tốt của Đảng.

Nắm vững chủ trương sản xuất tự cấp, tự túc trong thời kháng chiến, Ban Kinh tài đã giúp Chi bộ và chính quyền động viên khuyến khích những gia đình có nghề thủ công, vận động một số tư sản dân tộc bỏ vốn kinh doanh giao cho đồng chí Nguyễn Văn Lãng phụ trách, nên đã khôi phục và phát triển một số ngành nghề thủ công như may mặc, làm mũ, làm giấy.. tạo ra việc làm cho những người thợ thủ công để vừa có thu nhập giải quyết đời sống, vừa có sản phẩm tiêu dùng nội địa đấu tranh kinh tế với địch.

Đến năm 1950, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã bước sang giai đoạn mới, bộ đội ta đã giành thế chủ động tiến công địch trên chiến trường, lực lượng vũ trang cũng không ngừng lớn mạnh. Tháng 2-1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng ra Nghị quyết chuyển mạnh sang tổng phản công. Chấp hành Nghị quyết, Liên khu ủy IV ra Nghị quyết về Nhiệm vụ Liên khu IV chuyển mạnh sang tổng phản công, nhấn mạnh: Bảo vệ Thanh-Nghệ-Tĩnh là nhiệm vụ tối quan hệ cho cả chiến trường toàn quốc, là nhiệm vụ trung tâm lãnh đạo để sửa soạn chuyển sang tổng phản công có hiệu quả.

Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới và nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến dịch, yêu cầu các địa phương trong toàn quốc phải phối hợp chặt chẽ. Với khẩu hiệu "tất cả cho chiến dịch được toàn thắng", các địa phương đã thực hiện cuộc động viên lực lượng lớn nhất kể từ khi bước vào cuộc kháng chiến.

Nhằm huy động thóc gạo dự trữ phục vụ Chiến dịch Biên giới, ngày 9-9-1950, Chính phủ ban hành Công trái quốc gia. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh, Chi bộ lãnh đạo chính quyền tổ chức cuộc vận động toàn dân Thị trấn nhiệt liệt hưởng ứng. Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ đã đóng vai trò ích cực trong công tác tuyên truyền, giải thích ý nghĩa to lớn của việc mua công trái quốc gia. Kết quả, toàn Thị trấn đã thu mua được 20.690 kg lúa và 455,080 đồng.

Công tác xây dựng Chi bộ cả về ba mặt chính trị tư tưởng, tổ chức và kiểm tra được Ban Chi ủy chấp hành nghiêm túc. Nhóm nghiên cứu Mác-xít của Chi bộ do đồng chí Phan Văn Duệ phụ trách đã thường xuyên tổ chức việc bồi dưỡng chính trị, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, của Tỉnh cho đảng viên trong Chi bộ, giúp Chi ủy làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Đáng chú ý, trong đợt học tập chủ trương Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, đảng viên, đoàn viên và nhân dân tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng, hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của cho yêu cầu "thực hiện tổng động viên để chuẩn bị mau chóng, đầy đủ đặng chuyển mạnh sang tổng phản công". Kết quả sau đợt học tập này đã có 90 thanh niên tình nguyện tòng quân giết giặc. Chi bộ đã vận động nhân dân Thị trấn đóng góp được 39.000 đồng trong cuộc "Vận động xây dựng quỹ Đảng".

Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới năm 1950, đặc biệt là sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2-1951), sự phát triển của cuộc kháng chiến của quân và dân Liên khu IV đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến của quân và dân Thanh Hóa. Quân và dân Tỉnh Thanh Hóa ra sức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hậu phương, bảo đảm cung cấp sức người sức của cho các mặt trận và là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Bị thua đau trong Chiến dịch Biên giới, bị choáng váng bởi chiếc chiến hạm Anmyotd Inville bị đánh chìm xuống đáy biển ở Sầm Sơn (27-9-1950), giặc Pháp ra sức đánh phá hậu phương của ta, trong đó có vùng tự do Liên khu IV. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuy ở xa, nhưng vẫn luôn nhắc nhở các cấp bộ Đảng và chính quyền Tỉnh Thanh Hóa phải chú ý bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào.

  Mặc dù đã có sự chỉ đạo của cấp trên, nhưng việc sơ tán phòng tránh vẫn là điểm yếu nhất trong công tác bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân ở Thị trấn Cầu Bố. Khi thực hiện chủ trương mọi hoạt động giao dịch, buôn bán phải ngừng hoạt động từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều để tránh tập trung, đề phòng máy bay địch đến bắn phá, thì trong khu vực Thị xã cũ và ở các đầu ngã ba, ngã tư đường vào Thị xã đã mọc lên những quán giải khát và buôn hàng vặt, dần hình thành phố Vườn hoa. Trước tình hình đó, Tỉnh đã đề ra kế hoạch phòng không, với các yêu cầu cơ bản:

- Giải thể Thị trấn Cầu Bố.

- Kiên quyết phân tán những thị trấn lớn khác.

- Phân tán nhỏ các chợ, nhất thiết không cho họp chợ, mở cửa hàng và hạn chế người qua lại trong phố từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

- Có kế hoạch bảo vệ và phòng không ở địa điểm mới: mỗi gia đình phải có đủ hầm hố trú ẩn, hầm giấu của cải, đào thêm nhiều hầm trú ẩn công cộng, nhà cửa chỉ được phép làm thành dãy ngắn từ 30 đến 50 mét, mỗi nhà có một bể nước cứu hỏa.

Theo kế hoạch trên, Tỉnh quyết định giao đất dọc các trục tỉnh lộ thuộc hai xã Đông Hưng - Quảng Thắng cho Chi bộ và chính quyền Thị trấn Cầu Bố tổ chức sơ tán dân, bố trí từng cụm nhà tập trung theo ngành hàng khoảng từ 5 đến 10 nóc nhà, cụm nọ cách cụm kia 15-20 mét, cử cán bộ lên các huyện miền núi mua tranh, tre, nứa, lá về cung cấp cho dân, chỉ đạo dân dỡ dời nhà đến nơi ở mới dựng lại. Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc cử đoàn viên đến giúp đỡ những gia đình neo đơn dỡ, dời, dựng nhà; lực lượng tự vệ theo dõi bảo vệ để tránh mất mát tài sản của nhân dân.

Sau khi mọi việc đã hoàn tất, sinh hoạt của nhân dân đi vào nền nếp mới, tháng 3-1951, Tỉnh ủy quyết định hợp nhất Chi bộ Thị trấn Cầu Bố vào Chi bộ xã Đông Hưng, bổ sung đồng chí Nguyễn Viết Châu, Bí thư Chi bộ Thị trấn làm Phó Bí thư Chi bộ xã Đông Hưng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Chi bộ xã đối với số thị dân sơ tán tập trung đến địa bàn xã. Về phía chính quyền, giải thể Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn Cầu Bố.

Hơn 500 gia đình buôn bán và làm thủ công nghiệp từ Cầu Bố dời lên phố Nhồi với số cử tri gần 1.000 người được tổ chức thành 5 xóm của phố Nhồi, mỗi xóm có Trưởng xóm, có cán bộ thông tin, công an viên phụ trách, dưới sự điều hành của Ủy ban Kháng chiến hành chính xã. Phố Nhồi xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn lúc này trở thành thị trấn lớn nhất trong tỉnh. Tiểu tổ Đảng của phố Nhồi có 34 đảng viên mà gia đình ở rải cả 5 xóm, trong số đó có 12 đồng chí đã kinh qua cấp ủy xã và huyện. Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc với hơn một trăm đoàn viên, thu hút hầu hết số thanh niên hoạt động công thương và trí thức, trực thuộc Tỉnh Đoàn Thanh niên cứu quốc như thời ở Thị trấn Cầu Bố mà không sáp nhập vào xã. Hội Liên hiệp Phụ nữ sáp nhập vào xã, tuy nội dung hoạt động có những mặt chưa phù hợp với phụ nữ Thị trấn.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2-1951), Tỉnh ủy đã giao cho Chi bộ xã Đông Hưng tổ chức lễ ra mắt hoạt động công khai của Đảng bộ Tỉnh và huyện để trực tiếp lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc.

Những năm 1951-1952: nhân dân Thị xã cùng với nhân dân trong tỉnh và Liên khu IV đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm tới các ngành, các cấp, nhằm cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm cung cấp cho bộ đội, có nhiều sản phẩm trao đổi giữa các vùng và tích cực đấu tranh kinh tế với địch. Cuộc đại vận động sản xuất, tiết kiệm đầu năm 1952 diễn ra sâu rộng.

Tháng 7-1951 Chính phủ ban hành thuế công thương nghiệp và hàng hóa, bãi bỏ thuế môn bài, thuế lãi doanh nghiệp, thuế lợi tức tổng hợp và các thứ thuế gián thu khác. Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh Thanh Hóa chọn phố Nhồi là nơi chỉ đạo riêng, được học tập chính sách một cách kỹ càng trong nội bộ và ngoài nhân dân.

Ba Chi ủy viên Chi bộ xã (là người phố Nhồi) chịu trách nhiệm trước cấp ủy trực tiếp phụ trách Tiểu tổ Đảng phố Nhồi. Nhiều đảng viên trong Tiểu tổ được cử phụ trách các ban thuế xóm, ban thuế xã thường xuyên hội ý, hội báo để giải quyết kịp thời những công việc xảy ra hàng ngày.

Phố Nhồi có hơn 400 gia đình có quán hàng, nhiều hộ chuyên buôn bán, một số hộ vừa làm vườn, vừa mở quán bán hàng, một số hộ buôn chuyến, còn một số kinh doanh, nhưng doanh thu dưới 3 vạn đồng thì được miễn thuế. Trước lúc triển khai thuế công thương nghiệp chừng một tháng thì lượng hàng hóa bán ra chững lại, tuy vậy đời sống người buôn bán cũng còn hơn trung, phú nông thôn quê. Trong phố đã có 27 gia đình tiểu công nghệ trở về quê cũ ngoài Bắc để làm ăn.

Nhận thấy các Ban thuế xóm chỉ nặng về chuyên môn sổ sách, lo tính toán mà nhẹ về động viên kinh doanh, Tiểu tổ Đảng đã điều chỉnh lại, yêu cầu các xóm tổ chức các buổi học chủ trương, chính sách một cách thấu đáo.

Từ nhận thức đúng chủ trương, nghĩa vụ và quyền lợi đóng góp thuế phục vụ kháng chiến kiến quốc, bước sang đợt kê khai doanh thu đã vận động "Cán bộ kê khai trước, nhân dân sau, có cán bộ giúp đỡ".

Sau kỳ kê khai đầu tiên thấy những biểu hiện:

- Những người buôn bán nhỏ và những nhà buôn bán lớn tiến bộ phần nhiều kê khai đúng vì họ nghĩ mình có khai đúng mới thuyết phục được những nhà kê khai sai để yêu cầu họ kê khai lại.

- Những nhà buôn nhiều hàng thì cất bớt hàng để kê khai thấp doanh thu, hoặc thông đồng với nhau cùng khai ở mức thấp, rõ nhất là các ngành kinh doanh vàng bạc, thuốc tây, cầm đồ…

- Đảng viên cũng có đồng chí kê khai sút vì chưa thuyết phục được gia đình…, song biểu hiện chung nhất là không dám vận động những gia đình chậm tiến vì sợ mất cảm tình, gặp trường hợp khó thì đùn đẩy cho nhau, chưa nắm vững chính sách để giải thích.

Nhận thấy tình hình kê khai doanh thu chưa ổn, Tiểu tổ Đảng đề nghị tiến hành vận động kê khai lại, vẫn theo hai bước: Cán bộ kê khai trước, nhân dân kê khai sau. Do công tác tư tưởng tốt, gây được phong trào kê khai doanh thu đúng mức nên có kết quả rõ rệt.

Sau khi kê khai là bình xếp hạng A, B, C, D điều chỉnh chênh lệch giữa các hạng rồi mới bình doanh thu, đảm bảo tính công bằng hợp lý.

Tiểu tổ Đảng phố Nhồi đã đề nghị và các cấp chấp nhận phương án bình nghị theo ngành hàng trong đơn vị xóm, nếu giữa các xóm chênh lệch nhau quá thì bình ngành hàng toàn phố. Đã tiến hành việc bình gia đình cán bộ trước, chọn xóm I làm trước vì ở đây có đủ các điều kiện: Đảng viên tích cực, cán bộ trong và ngoài Đảng đoàn kết, các đoàn thể nhân dân tương đối vững, nắm chắc được phần tử trung kiên. Kết quả thu được ở xóm I thật khả quan, vì đã nói cho dân hiểu, thật sự dựa vào dân, tin vào sáng kiến của dân nên đã phát động được phong trào rầm rộ “nhà nhà đóng góp thuế công thương nghiệp để kháng chiến thắng lợi”. Chỉ trong một ngày của tháng 1-1952 toàn phố đã nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước.

Việc thu thuế công thương nghiệp lần đầu tiên theo chính sách mới ở nơi Tỉnh chọn làm thí điểm diễn ra nhanh gọn. Tiểu tổ Đảng và nhân dân phố Nhồi thật xứng đáng với lòng tin của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh Thanh Hóa.

Trong một cuộc tiếp xúc của phái đoàn Chính phủ với cán bộ, đảng viên và nhân dân phố Nhồi, mọi người đã trình bày thực trạng xã ít quan tâm đến những công việc của phố vì lãnh đạo xã chỉ mới quan tâm đến nông nghiệp - nông thôn, mà xem nhẹ công tác phòng gian, trừ gian ở phố. Do đó nguyện vọng của người dân khu phố là mong được thành lập Ủy ban quản trị khu phố để chăm lo mọi việc về dân sinh, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự.

Từ thực tiễn hoạt động của Chi bộ Cầu Bố và Tiểu tổ Đảng phố Nhồi, để việc tổ chức quản lý cư dân đô thị trong kháng chiến vừa đảm bảo được đời sống nhân dân lại vừa đóng góp được nhiều cho kháng chiến, đầu năm 1952 lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị với lãnh đạo Liên khu IV, trưng cầu ý kiến lãnh đạo huyện Đông Sơn về việc "thành lập một Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị xã trông coi suốt từ khu phố Voi (Quảng Xương) cho đến Cầu Sâng (Đông Sơn), trong phạm vi gồm có khu phố Voi, khu phố Rừng Thông, Cầu Sâng" và giao nhiệm vụ cho huyện điều tra, nắm bắt nguyện vọng nhân dân báo cáo với tỉnh. Ngày 2-3-1952, lãnh đạo huyện Đông Sơn phúc đáp phản ánh "nguyện vọng của nhân dân muốn có một Ủy ban Thị xã để lãnh đạo họ. Song ủy ban huyện chúng tôi đề nghị tỉnh đổi tên Ủy ban Thị xã là Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn" Vì gọi Ủy ban Thị xã thì nhân dân sẽ có cảm tưởng được hồi cư, do đó sẽ nảy ra óc thái bình".

Ngày 30-4-1952, Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh gửi công văn lên Liên khu IV xin lập Thị trấn đặc biệt. Sau khi được Liên khu chấp thuận về nguyên tắc, ngày 16-6-1952 Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh ra Nghị quyết lập Ban Nghiên cứu Thị trấn do đồng chí Ngô Sĩ Kính thay mặt Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Đông Sơn làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Viết Châu, Phó Bí thư Chi bộ xã Đông Hưng, đại biểu Liên Việt huyện Đông Sơn làm Phó Trưởng ban.

Ngày 20-7-1952, Ban Nghiên cứu Thị trấn trình lãnh đạo Tỉnh báo cáo tình hình chung thị trấn Thanh Hóa và Đề án tổ chức chính quyền Thị trấn.

Qua khảo sát, điều tra, Thị trấn có tổng số 2.962 hộ gia đình, gồm 17.736 nhân khẩu, 8.150 cử tri, trong đó có 50% là đồng bào Thị xã cũ, 50% là đồng bào tản cư từ các tỉnh đến. Hoạt động tiểu công nghệ: 322 hộ (10,8%), thương mại 1.108 hộ (37,4%), lao động, bần thương 1.532 hộ (51,7%).

Về tình hình đời sống nhân dân, tầng lớp phú thương (1%) trường vốn, buôn to lãi lớn (hàng cân, hàng vàng) đời sống dư dả. Lớp trung thương (10%) buôn mặt hàng xe đạp, thuốc tây, chủ các xưởng sản xuất đời sống đầy đủ. Lớp tiểu thương (40%) kiếm ngày nào ăn ngày ấy. Lớp bần thương, bần cố nông, lao động làm thuê (49%) đời sống chật vật.

Các thị trấn đều thuộc quyền quản lý của các xã. Nhờ lãnh đạo hai xã Đông Hưng, Đông Lĩnh quan tâm nên các tổ chức chính quyền, đoàn thể ở Nhồi, Rừng Thông hoạt động có hiệu quả hơn. Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc phố Nhồi, Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc phố Rừng Thông tích cực động viên nhân dân thực hiện chính sách thuế công thương; Thanh niên Cứu quốc phố Nhồi còn gây được phong trào “Lao động hóa nhân dân” rầm rộ, tự gánh đá san lấp, rải đường đi; Chi bộ Đảng Dân chủ phố Nhồi gây được thành tích mua công trái quốc gia…; ở các nơi khác phong trào chỉ sôi nổi trong những ngày lễ lớn, chưa duy trì được thường xuyên.

Từ tình hình thực tiễn, nhiều vấn đề về xây dựng tổ chức bộ máy quản lý và các hoạt động kinh tế-xã hội được đặt ra cấp bách, như:

1. Chỉ định gấp Ủy ban Thị trấn và lập ban quản trị các khu phố.

2. Di dời phố Nhồi vì nơi đây không phù hợp để mở mang kinh doanh.

3. Dời chợ Rừng Thông về nơi thuận tiện đường giao thông thủy bộ để chợ có điều kiện phát triển, có diện tích đất rộng rãiđể đào hầm hố trú ẩn tránh máy bay địch oanh tạc, thuận tiện cho việc giữ gìn trật tự trị an, phòng gian, đảm bảo thu thuế…

Nhằm bảo đảm và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đơn vị hành chính Thị trấn, ngày 6-8-1952, Tỉnh ủy ra Quyết định số 1123 VP/TH về việc thành lập Chi bộ tại Thị trấn Thanh Hóa. Trong Quyết định, Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để thực hiện chủ trương công thương nghiệp trong thời kỳ kháng chiến, việc sắp xếp các thị trấn cần phải bảo đảm được tài sản, tính mạng cho nhân dân đồng thời phải phát triển được nền kinh tế.

Căn cứ vào chủ trương và tình hình đã nghiên cứu, Tỉnh ủy quyết định: Sắp đặt việc phân tán lại Thị trấn Thanh Hóa gồm Rừng Thông, Nhồi, Thị xã cũ, Cầu Bố, Voi.

Đứng về phương diện chính quyền thì Thị trấn Thanh Hóa xem như một đơn vị cơ sở trực thuộc Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh.

Về phương diện Đảng thì tổ chức một Chi bộ theo Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam, trực thuộc Tỉnh ủy cho phù hợp với tính chất của một đơn vị hành chính cơ sở như trên.

Các đoàn thể quần chúng căn cứ vào hình thức tổ chức chính quyền và tổ chức Đảng mà tổ chức cho phù hợp.

Thực hiện Quyết định trên, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Viết Châu cùng với cán bộ lãnh đạo Thị trấn thành lập Chi bộ, đồng thời phối hợp với Chi bộ, chính quyền, đoàn thể sắp xếp tổ chức bộ máy Thị trấn.

Ngày 8-8-1952, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh gửi văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV cho phép “thành lập Chính quyền Thị trấn và di dời chợ Rừng Thông” với lý do để phát triển nền thương mại và công kỹ nghệ trong tỉnh… ; đề nghị “Ủy ban cho tạm chỉ định một ủy ban lâm thời Thị trấn để xúc tiến mọi công tác ở đó”, kèm danh sách Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn để Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV công nhận chính thức.

Sau phiên họp đầu tiên với Ban Chi ủy Chi bộ Thị trấn, ngày 10-8-1952 Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến định hướng về việc bố trí nhân sự chủ chốt là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn với các tiêu chuẩn, phẩm chất phù hợp, đồng thời nhấn mạnh giải quyết gấp ngân sách và các phương tiện làm việc cho các đơn vị chức năng thuộc tổ chức bộ máy đơn vị hành chính Thị trấn.

Căn cứ vào chủ trương của Trung ương, xét nguyện vọng của nhân dân, sau khi được Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV chấp thuận, ngày 20-8-1952, Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh đã ra Quyết định 625 - TC/CB thành lập Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa. Theo Quyết định, Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa là một đơn vị cơ sở chính quyền dân chủ nhân dân, có trách nhiệm và quyền hạn như một xã lớn, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh, gồm 7 khu phố, đồng thời chỉ định Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn đặc biệt gồm 6 ủy viên (chưa bố trí được Chủ tịch).

Chiều ngày 20-8-1952, tại xóm Bào Giang, Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn đặc biệt làm lễ ra mắt trước đông đảo nhân dân Thị trấn. Phó Chủ tịch Đặng Sĩ Tuy cùng 5 ủy viên là Trần Văn An, Đào Đình Khuê, Trịnh Hoàng Ngữ, Bùi Văn Quý, Nguyễn Văn Trợ được Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh chỉ định nhận nhiệm vụ trước nhân dân.

Để Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa sớm đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh giao, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban lần lượt được thành lập: Phòng thuế (ngày 15-9), Tòa án nhân dân và Ban Tư pháp (ngày 18-9), Chuyên trách Bình dân học vụ (ngày 11-10), Công an Thị trấn (ngày 15-10), Phòng Giao dịch Ngân hàng (ngày 28-10), Thị đội bộ dân quân (ngày 3-11), Cửa hàng mậu dịch quốc doanh (ngày 17-11).

Sau ba tháng đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính Thị trấn đặc biệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ và Ủy ban Kháng chiến hành chính, Thị trấn đã thành lập được 7 khu phố tự quản với 49 xóm; điều tra nắm tình hình dân số 24 xóm; lập danh sách tân binh, cựu binh đào lạc ngũ và động viên được 2/3 số đó trở lại quân đội; huy động dân công phục vụ chiến dịch Tây Bắc theo phương thức người có tiền mua xe để người có sức lao động dùng xe đi phục vụ, sau khi mua xe thì số tiền còn dư đem trợ giúp những gia đình dân công khó khăn. Thị trấn đã thành lập 4 tập đoàn xe ba gác vận chuyển hàng hóa; đắp lại các hố kháng chiến để nối dài tuyến đường ôtô từ phố Kết về dốc Ga đi Bái Thượng; điều chỉnh động viên thu thuế công thương nghiệp công bằng và hợp lý giữa các ngành hàng, giữa các xóm trong khu phố, giữa các khu phố trong Thị trấn… Từ Rừng Thông, chợ trâu bò được dời về Đình Hương, chợ Tỉnh được dời về sân vận động trại lính trong thành (Camp militaire), ở cả hai nơi họp chợ đều trống trải không có cây che bóng mát, lại họp chợ ban ngày nên được một thời gian thì chuyển sang họp đêm, giao lưu hàng hóa sút kém.

Một trong những vấn đề đặt ra trong kế hoạch xây dựng Thị trấn là tổ chức và hướng dẫn làm nhà ở cho nhân dân bảo đảm hợp lý trên các con đường từ trong Thị trấn ra và từ ngoài vào, thuận tiện cho giao lưu hàng hóa, bảo đảm các yếu tố cao ráo, thoáng mát, nhiều giếng nước ăn, thuận lợi cho việc đào hầm hố tránh máy bay địch. Để thực hiện yêu cầu kế hoạch đó, cấp ủy, chính quyền địa phương nhấn mạnh phải tránh tư tưởng hồi cư về Thị xã; tránh hiện tượng ghen tị giữa nơi này với nơi khác (lúc đó có hiện tượng người dân phố Nhồi được ưu tiên chia đất làm nhà); chú ý đến gia đình bộ đội, cán bộ thoát ly cần sinh sống ở Thị trấn; trong thiết kế, xây dựng cách quãng hai nhà một; chỉ đạo chặt chẽ việc trao đổi mua bán nhà để chống tư tưởng lợi dụng, hành động vô nguyên tắc của một số người tự tư tự lợi, gây trở ngại công việc quản lý của chính quyền.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện không đúng như kế hoạch đã vạch ra. Thị trấn có một Ban hồi cư do đồng chí Trần Trọng Tài phụ trách; chỉ những người được phép mới được hồi cư về Thị xã cũ. Nhưng trong tình trạng nặng óc thái bình, nhiều người đua nhau về dựng nhà ở Thị xã cũ, nên chỉ trong một thời gian ngắn đã mọc thêm 7000 nóc nhà, tập trung ở đường Lê Lợi (Vườn Hoa) hơn 300 nóc, Cầu Bố hơn 200 nóc, quy mô nhà thì cồng kềnh, đôi nơi còn nhà mới sát vách nhà cũ, dãy nọ sát dãy kia, hầm trú ẩn không đầy đủ, hầm hố cất giấu hàng và hầm hố công cộng rất ít. Để chấn chỉnh tình hình đó, ngày 2-3-1953 Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn đã chủ trì hội nghị kiểm thảo giữa cán bộ và nhân dân Thị trấn. Hội nghị đã chỉ rõ nguyên nhân sai trái của việc làm trên, đó là do chưa nhận rõ âm mưu thâm độc của giặc, còn nặng tư tưởng thái bình, chủ quan khinh địch, cán bộ thiếu theo dõi và hướng dẫn nhân dân trong việc xây dựng nhà cửa và thực hiện kế hoạch bảo vệ do cấp trên đề ra. Một trong 3 biện pháp sửa sai được hội nghị xác định là: “Đình chỉ việc cho làm nhà mới ở Thị trấn và vận động phân tán bớt nhà ở những nơi quá tập trung như Vườn Hoa và Cầu Bố.

Nhận xét về việc làm này, Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh cho rằng: "việc xây dựng phố Nhồi năm 1951 nặng về mặt quân sự mà nhẹ về mặt kinh tế đã đưa phố này đến chỗ suy sụp. Việc xây dựng Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa, trái lại nặng về mặt kinh tế mà nhẹ về mặt quân sự đã làm tiêu hao lực lượng nhân dân, tốn công tốn của trong việc kiến thiết quy mô, hình thức không hợp với hoàn cảnh kháng chiến". Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh chủ trương phải kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong việc để cho dân tùy tiện làm nhà ở Thị trấn không đúng quy định, gây tốn kém tiền của và công sức của nhân dân, và sẽ tổn thất lớn, nếu bị địch đánh phá.

Bộ phận phụ trách nhà đất của Ủy ban Kháng chiến hành chính Thị trấn không làm đúng theo chỉ đạo của Tỉnh nên 1 cán bộ phải đi tù và khai trừ Đảng, 1 ủy viên phải từ chức, 1 ủy viên khác bị cách chức. Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Đông Hưng có 2 ủy viên bị cách chức.

Tháng 1-1953, đồng chí Đặng Văn Bôi Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Hoằng Hóa, đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh được điều động làm đặc phái viên của Tỉnh tăng cường cho Thị trấn. Đồng chí Trịnh Hữu Thường, Tỉnh ủy viên được cử về làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Thị trấn, đồng chí Nguyễn Viết Châu, Phó Bí thư. Đảng bộ Thị trấn có 6 chi bộ khối là: Rừng Thông, Voi, Hòa Bình (Lò Chum), Vườn Hoa, Quang Trung, Phú Thọ. Tháng 7 năm 1953, các khu phố tự quản được lập Ủy ban Kháng chiến hành chính, cán bộ khu phố được hưởng chế độ như cán bộ xã do ngân sách tỉnh đài thọ.

Những tháng đầu năm 1953, thực dân Pháp mở nhiều trận càng uy hiếp huyện Nga Sơn, đổ quân biệt kích lên Quảng Xương, Tĩnh Gia, ném bom bắn phá trực tiếp phố Nhồi, Voi và chợ trâu bò Đình Hương gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân. Năm 1952, thực dân Pháp ném bom phá đập Bái Thượng, gây mất nước nông giang, chuyển hướng sản xuất gặp nhiều khó khăn, nạn đói rải rác xảy ra trong khắp các huyện. Địa chủ, phú nông, cường hào dây dưa thuế, bọn phản động phá chính sách thuế và gây hoang mang trong nhân dân, làm suy giảm tinh thần kháng chiến, kiến quốc trong quần chúng. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính Tỉnh chủ trương: "Phát động quần chúng đấu tranh chống dây dưa thuế, kết hợp với đấu tranh tô tức, hạ uy thế cường hào, đấu tranh trấn áp phản động, mục đích để giải quyết quyền lợi kinh tế, nâng cao uy thế chính trị của quần chúng cơ bản, hạ uy thế bọn cường hào ngoan cố, trấn áp phá cơ sở bọn phản động, gây đà phấn khởi trong nhân dân, đẩy mạnh mọi mặt công tác.

Chủ trương đúng đắn là vậy, nhưng do sự chỉ đạo thiếu chặt chẽ, nhiều nơi đã xảy ra những lệch lạc nghiêm trọng, đấu tranh trấn áp phản động tràn lan. Tỉnh phải uốn nắn, bổ khuyết hướng tập trung: Chống dây dưa thuế, hạ uy thế cường hào, đấu tranh tô tức, việc trấn áp phản động đi vào khai thác khám phá tổ chức, truy kích bọn đầu sỏ. Nhìn chung cuộc phát động đã làm cho tư tưởng quần chúng được nâng lên, nhận thức rõ hơn âm mưu hành động của thực dân Pháp và sự cấu kết giữa chúng với bọn phản động tay sai, cùng bọn địa chủ cường hào gian ác; giúp cơ quan thẩm quyền bắt giữ hai tên phản động đội lốt Phật giáo là Tuệ Quang, Tuệ Chiếu; bắt giữ và xét xử nhiều phần tử trong vụ án B184 (Hòn Mê - Ba Làng), nông dân tá điền đấu tranh với bọn đại địa chủ đòi thoái tô, có nơi còn đòi truy tô từ mấy năm trước; tạo được kết quả hạ uy thế bọn cường hào ở nông thôn đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân. Tác động của phong trào đấu tranh ở nông thôn về Thị trấn giúp cho công tác quản lý của chính quyền đi vào quy củ, nền nếp hơn; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách Nhà nước ban hành đối với dân công phục vụ các chiến trường đã làm cho tầng lớp lao động nghèo, bần thương hăng hái tham gia phục vụ các chiến dịch.

Đầu năm 1953, Tư lệnh Liên khu IV triệu tập Hội nghị đặt kế hoạch bảo vệ hậu phương Thanh Hóa bằng việc nhanh chóng phân tán Thị trấn Thanh Hóa, trung tâm thương mại toàn Tỉnh, đầu mối kinh tế của cả Liên khu III, Liên khu IV và Việt Bắc, nơi giao lưu kinh tế giữa vùng duyên hải với miền thượng du, sang Lào; chuyển mọi sinh hoạt buôn bán về ban đêm, từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng.

Những khu vực được di chuyển nhân dân đến là Toàn Tân, Đình Hương, Viên Khê (Đông Sơn), Lăng, Cảnh (Quảng Xương)… để từ đó đi sâu vào nội địa. Do phối hợp chặt chẽ với nơi đến, thuyết phục vận động giúp đỡ giải quyết khó khăn vướng mắc ở nơi đi, nên đến đầu tháng 9-1953 đã có 80% số người ở Vườn Hoa, khu phố Voi, 60% số người ở Cầu Bố, 30% số người ở các khu vực Rừng Thông, Phú Thọ, Lò Chum dời khỏi nơi ở cũ đến nơi ở mới. Khó khăn đặt ra đối với việc tổ chức đời sống nhân dân sơ tán là nơi ăn ở còn tạm bợ, việc làm ăn gặp nhiều trở ngại, lòng dân không yên. Hàng hóa được sơ tán, cự ly vận chuyển dài ra mà chợ lại họp đêm nên buôn bán sa sút.

Tháng 10-1953, máy bay địch oanh tạc dữ dội vùng Diễn Châu (Nghệ An), tàu chiến địch áp sát Hòn Mê bắn phá các xã duyên hải Tĩnh Gia, Quảng Xương, cho biệt kích nhảy dù xuống Như Xuân, mở trận càn ra Rịa, Nho Quan (Ninh Bình) áp sát Hà Trung, Nga Sơn, thọc sâu vào Dốc Xây, Bỉm Sơn, Phố Cát, Quý Hương… “nhằm chiếm Thanh Hóa và giam chân Sư đoàn 304 thâm nhập vào đồng bằng.

Trước tình hình đó, các cơ quan Thị trấn Thanh Hóa đã được triệt để phân tán về Triệu Xá - Bôn - Trà Thượng - Ngã Ba Chè - Dốc Vạc; giải tán khu phố Nấp, Nhồi, Rừng Thông, Toàn Tân để nhân dân sơ tán sâu vào vùng Viên Khê, Rủn, Quán Giắt, tỏa về Cổ Định, Chợ Mốc, Chợ Sim..., Ủy ban kháng chiến hành chính xã Đông Trấn được thành lập để tổ chức quản lý các hộ nông nghiệp còn lại ở trên đất Thị xã cũ. Đến năm 1953, Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa đã định hình ở Đường Bôn (Đông Sơn) đi Dốc Vạc (Thiệu Hóa) với 3 khu phố: Khu phố I từ Toàn Tân lên Triệu Xá, Khu phố II từ Triệu Xá lên Bôn, Khu phố III từ Trà Thượng lên ngã Ba Chè và Dốc Vạc.

Sau khi Thị trấn Thanh Hóa sơ tán, số gia đình nông nghiệp, gia đình bán nông bán thương ở lại đất cũ đã tập hợp trong đơn vị kháng chiến hành chính mới là xã Đông Trấn thuộc huyện Đông Sơn. Ông Đặng Sĩ Tuy, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính khu vực Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Đông Trấn.

Xã Đông Trấn gồm 21 xóm: Tây Thọ, Phú Thọ, Hậu Thành, Đông Lân, Hàng Cá, Đội Cung, Trường Thi, Thống Nhất, Tân Hưng, Tân Hà, Hậu Giang, Ba Lít, Phú Cốc, Tân An, Định Bình, Công Chính, Hàn Thuyên, Phan Bội Châu, Lam Sơn… với tổng số 1.513 gia đình, 5.854 nhân khẩu.  Xã Đông Trấn có 506 mẫu, 9 sào ruộng, Đội phát động quần chúng giảm tô đợt 5 quy tất cả 47 địa chủ. Sang bước chỉnh đốn tổ chức, Đội đã buộc toàn bộ thành viên Ủy ban Kháng chiến hành chính xã phải nghỉ việc. Đợt 5 giảm tô vừa kết thúc thì Đội Cải cách ruộng đất đợt 2 đã về xã thâm nhập quần chúng để tiến hành đợt phát động cải cách ruộng đất.

Xã Đông Trấn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng nhân dân trong xã đã hăng hái tham gia phát động quần chúng giảm tô, đẩy mạnh sản xuất, đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ các chiến dịch.

Việc phân tán dân Thị trấn với quy mô lớn đã gây trở ngại cho việc giao lưu buôn bán; đồng thời cũng mắc phải hạn chế. nặng về quân sự, nhẹ về kinh tế, chuyển nghề cho thương nhân tức là hạn chế thương nghiệp, mà thương nghiệp là động cơ làm cho sản xuất phát triển. Trước sai sót đó, Liên khu IV yêu cầu Tỉnh Thanh Hóa phải quyết tâm sửa chữa sai lầm, nếu để lâu có hại về kinh tế và không lợi về chính trị.

Từ những yêu cầu của cấp trên, kết hợp với nguyện vọng nhân dân và đề nghị tích cực của Ban Thường vụ Thị ủy Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa, lần sơ tán này tỉnh vẫn giữ nguyên tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Thị trấn đến một số khu phố để theo sát nhân dân, trực tiếp lãnh đạo và tổ chức giải quyết mọi công việc hàng ngày, đồng thời động viên nhân dân khắc phục khó khăn trong việc tổ chức đời sống và tích cực tham gia kháng chiến như tòng quân, đi dân công phục vụ các chiến dịch.

Từ chủ trương, chính sách cụ thể của Trung ương và của tỉnh về huy động dân công, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể của Thị trấn đã vượt qua khó khăn, gian lao vất vả, làm tốt công tác tư tưởng trong nội bộ Đảng và trong nhân dân, cán bộ, đảng viên đã nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu trong các đợt dân công phục vụ các chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong chiến dịch Thượng Lào (1953), theo đề nghị của Chính phủ kháng chiến Lào và với tinh thần phối hợp chiến đấu nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng Quân giải phóng Lào, mở các mũi tiến công vào vị trí trung tâm của địch ở Xiêng Khoảng và Sầm Nưa. Đồng thời, nhân dân Thanh Hóa lại cùng nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, vốn là hậu phương trực tiếp của cách mạng Lào, lại được Trung ương tin cậy giao nhiệm vụ huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Trong chiến dịch, Tỉnh Thanh Hóa đã huy động tới 141.160 dân công, trên 200 xe đạp thồ, 400 thuyền gỗ, 300 xe bò và nhiều phương tiện khác.

Theo lệnh của Hội đồng cung cấp tỉnh, Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa huy động dân công phục vụ chiến dịch, Thị ủy đã tổ chức học tập cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ kế hoạch, tổ chức Ban Bảo trợ dân công, giúp đỡ những gia đình neo đơn thiếu thốn, bố trí đảng viên cùng đi để lãnh đạo và làm gương mẫu cho nhân dân.

Các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ được phân công trực tiếp chỉ đạo 4 đợt dân công lớn phục vụ chiến dịch Thượng Lào.

Đợt 1 đồng chí Trịnh Văn Phóng làm Chính trị viên phụ trách một đoàn 200 xe đạp thồ.

Đợt 2 đồng chí Trần Trọng Tài, Đoàn trưởng một đoàn 300 xe đạp thồ.

Đợt 3 đồng chí Trần Chiêm phụ trách một đoàn 200 xe đạp thồ.

Đợt 4 đồng chí Nguyễn Văn Thới phụ trách một đoàn 160 xe đạp thồ.

Đoàn xe thồ đi từ Thanh Hóa đến Sầm Nưa, tuy đường dốc cheo leo, khó khăn hiểm trở, nhưng các đoàn xe thồ vẫn nêu cao tinh thần "Tất cả cho chiến dịch" vừa đi vừa hò hát, lạc quan phấn khởi, khắc phục khó khăn đạt năng suất thồ là 250kg, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để phục vụ bộ đội truy kích địch, đoàn xe thồ do đồng chí Nguyễn Văn Thới phụ trách mặc dù đã hết thời hạn phục vụ vẫn ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ, quyết không để bộ đội thiếu lương thực và đạn dược.



[1] Nay là phố Lê Thị Hoa, phường Lam Sơn.

[2] Theo Nguyễn Kiên Giang: Việt Nam - năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám,: "Ngân sách Đông Dương hụt 185 triệu đồng, nợ 564 triệu. Ngân khố Trung ương chỉ còn 1.230.000 đồng, trong đó 586.000 đồng là nát không dùng được… Tuần lễ Vàng cả nước thu được 20 triệu đồng Đông Dương. Đồng tiền tài chính phát hành tháng 10/1946 được nhân dân tín nhiệm" (trang 84-85).

[3] Sau một thời gian ngắn vận động quyên góp, nhân dân Thanh Hóa đóng góp vào Quỹ độc lập 528 lạng vàng, hơn 16 tấn đồng. Xem Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), CTQG, H,2003, tr.78-79

[4] Khu đất Ngã tư Đại lộ Lê Lợi và đường Hạc Thành hiện nay.

[5] Báo cáo ngày 6-12-1945 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Thanh Hoá đăng trên Báo Tiến - cơ quan của Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hoá, số 15 ngày 8-12-1945.

[6] Khu đất được giới hạn bởi 4 đường: Lê Lợi - Lý Thường Kiệt - Lê Hữu Lập - Lê Hoàn

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV, tr. 220, NXB Sự thật.

Về sau đồng chí Lê Duy Hoàn là Trưởng Ty Bình dân học vụ Thanh Hoá.

Báo Tiến - cơ quan tuyên truyền đấu tranh của Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hoá, số ra ngày 6-3-1946.

Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc ngày 25-11-1945 của Trung ương Đảng.

. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.ập 8, tr. 2.

Số đại biểu từng tỉnh và thành phố (Bản đính theo Sắc lệnh số 51 ngày 17-10-1945 đăng trên Việt Nam dân quốc Công báo số 5 ngày 25-10-1945 quy định Thanh Hoá bầu 14 đại biểu, trong đó có 1 đại biểu dân tộc Mường.

Theo Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đối với khu vực thành thị, cơ quan chính quyền địa phương ở Thị xã, Thành phố được tổ chức như sau: "ở mỗi Thành phố (trừ Đà Lạt) sẽ đặt một Hội đồng nhân dân" và một Ủy ban hành chính; ở mỗi khu phố có một Ủy ban hành chính khu phố. Dẫn theo Việt Nam dân quốc Công báo, số 16 năm 1945, tr.197.

Theo Công báo nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, số 1 năm 1946, tr. 6, sau ngày kháng chiến toàn quốc 19/12/1946 trở thành ủy ban kháng chiến.

Sách: Việt Nam những sự kiện 1945 - 1986, Nxb KHXH, tr. 30.

Bác Hồ với Thanh Hóa. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa xuất bản 1990, tr.15

Xem Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H 2002, T.5, tr.62-65

Theo tường thuật của báo Chống giặc - cơ quan của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, số 33, ra ngày 23 - 2 - 1947, cho biết thêm: Cuối buổi nói chuyện, vui vẻ và tươi cười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mọi người hô khẩu hiệu "Thanh Hóa muôn năm!". Mọi người cùng hô to "Thanh Hóa muôn năm!", "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị bộ trưởng đi thăm làng Quý Hương (Hà Trung).

Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, số 11 năm 1947, tr.2

Theo Báo cáo tổng kết hai năm 1947-1948 của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa, Lưu trữ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Hồ sơ lưu trữ 183/1949 phòng lưu trữ Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Hồ sơ lưu trữ số 200/1949, Ủy ban nhân dân tỉnh

Hồ sơ lưu trữ số 200/1949, Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh

Hồ sơ lưu trữ số 159/1949, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Hồ sơ lưu trữ số 236/1949, Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh Thanh Hóa

Ở tỉnh Thanh Hóa, tháng 10-1947 có 2000 đảng viên, đến tháng 5-1948 tăng lên trên 4000 đảng viên.  Xem thêm Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), CTQG, H,2003, tr.173-174

Hồ sơ lưu trữ số 204/1949, Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh

 

Hồ sơ lưu trữ số 226/1949, Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh.

Theo Báo cáo tổng kết hai năm 1947-1948 của Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh Thanh Hóa, "80% dân số trong tỉnh ấm no hơn trước, 10% giữ mức như xưa. So với đầu năm 1945 thì cuối năm 1948 giá hàng hóa cao lên từ 200 % đến 300%, trái lại, giá lúa gạo đã hạ từ 50 % đến 60%, nạn đói đầu năm 1945 đã giải quyết, mức độ tăng gia sản xuất phát triển lớn". Dẫn theo: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), CTQG, H,2003, tr.262-263.

Hồ sơ lưu trữ số 405/1951.

Hồ sơ lưu trữ số 357/1951

 

Toàn tỉnh Thanh Hóa, chỉ riêng trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, đã có 49.009 hộ gia đình lập kế hoạch phát triiển kinh tế và đăng ký thi đua sản xuất. Việc thu thuế nông nghiệp đạt từ 80-90% trong vụ chiêm xuân năm 1952. Nhiều xí nghiệp đã đạt và vượt năng suất từ 10-100%.

Hồ sơ lưu trữ số 298/1951, 491/1952.

Hồ sơ lưu trữ số 298/1951,  491/1952

Hồ sơ lưu trữ số 298/1951.

Công văn số 157/TT/NC ngày 16-2-1952 Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hoá.

Hồ sơ lưu trữ số 491/1952 và 614/1953

 

Lịch sử Thanh Hoá kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, trang 154.

Số hộ ở lại tăng hơn 2 lần khi kiểm kê ban đầu vì họ tản cư ít bữa rồi lại về.  Thực hiện chủ trương của Trung ương, từ tháng 5 đến tháng 10-1953, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành hai đợt giảm tô, tịch thu của địa chủ cường hào gian ác hơn 1.680 mẫu ruộng dất đem chia cho nông dân nghèo. Cùng với giảm tô, các địa phương có phát động quần chúng đã tiến hành chia lại xã, củng cố nông hội, điều chỉnh lại bộ máy chính quyền, bộ máy chỉ huy dân quân, du kích, công an. Công tác chỉnh đảng, cơ cấu lại các chi ủy cũng được tiến hành nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp bộ đảng. Trong hai đợt giảm tô, tỉnh Thanh Hóa đã chia 38 xã đã phát động quần chúng thành 91 xã mới; theo đó, số chi ủy cũng tăng từ 401 lên 629 chi ủy. Dẫn theo: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), CTQG, H,2003, tr.506-507.

Tuy nhiên, trong hai đợt phát động quần chúng giảm tô kết hợp với chỉnh đốn tổ chức, số đảng viên trong 38 xã đã phát động giảm tô lại giảm từ 7.406 đảng viên xuống còn 6.463 đảng viên, có 11 đảng viên bị đem ra đấu tố. Một bộ phận trung nông, phú nông hoang mang, sợ sệt, một số địa chủ bỏ sản xuất hoặc tìm cách chạy ra vùng địch. Ở Quảng Xương, hai địa chủ Ứng Đình Ngọc và Tôn Thất Toại đã bỏ hoang 2000 mẫuDẫn theo: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), CTQG, H,2003, tr.510-511 .

. Hồ sơ lưu trữ về Thị trấn đặc biệt.

Chiếc xe đạp thồ nguyên là phương tiện đi lại, buôn bán làm ăn của nhân dân Thị trấn đặc biệt Thanh Hoá, do yêu cầu phục vụ kháng chiến, xe đạp được cải tiến làm phương tiện vận chuyển hàng hoá phục vụ tiền tuyến, đạt năng suất và hiệu quả cao.

http://thanhhoacity.gov.vn/Documents/lich%20su%20dang%20bo%20TP%20TH/anhtulieu_lamtronnv.jpg

 

 

 

Ngày 3-5-1953, chiến dịch Thượng Lào kết thúc, các đoàn xe thồ Thị trấn được khen thưởng cờ: “Đã ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ Thu Đông năm 1953” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ: “Quân đội giải phóng Lào tặng Đoàn dân công có thành tích” có thêu chim hòa bình trên nền xanh da trời.

Chiến sĩ dân công Bùi Xuân Tín được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba. Hai chiến sĩ dân công Nguyễn Xuân Thục, Nguyễn Xuân Khoát được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn tuyến, 20 chiến sĩ khác được tặng Giấy khen của Bộ Quốc phòng và Hội đồng Cung cấp tỉnh.

Ngoài ra còn có những đợt dân công phục vụ nhiều nhiệm vụ khác với số lượng ít hơn, nhưng đều được tổ chức lãnh đạo chặt chẽ, kiên quyết nêu cao tinh thần phục vụ khi có yêu cầu đặt ra. Theo báo cáo của Trạm VC5 phụ trách 40 km từ bến đò Phú Yên (Thọ Xuân) lên giáp giới Lang Chánh, với nhiệm vụ bảo quản kho tàng 500 tấn và xây dựng Bệnh xá đón tiếp 400 bệnh nhân, hoạt động trong thời gian từ 20-1-1953 đến 30-5-1953, thì ngoài số lớn dân công các huyện vận chuyển trong tỉnh, Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa có 641 dân công thường trực và 315 dân công gánh bộ. Cùng với một số đơn vị như Hoàng Sơn (Nông Cống), Đông Hoàng (Đông Sơn), Quảng Văn (Quảng Xương), Thọ Long (Thọ Xuân)… Đoàn dân công Thị trấn đặc biệt đã thực hiện tốt khẩu hiệu “bảo vệ gạo như bảo vệ người”, khi gặp mưa, gạo được che đậy nên không bị ẩm mốc, cả quá trình vận chuyển không hao hụt một cân nào. Về cuối đợt có yêu cầu dân công thường trực ở lại phục vụ thêm một tháng, đoàn Thị trấn đặc biệt xung phong ở lại cùng với xã Thọ Ngọc (Thọ Xuân).

Trạm VC5 đã kịp thời biểu dương, nêu cao khẩu hiệu “Hoan nghênh các Đoàn dân công xung phong phục vụ thêm 1 tháng”, “Hoan nghênh đoàn Dân công Thị trấn Thanh Hóa”[1].

Tháng 9-1953, Hội đồng cung cấp Tỉnh giao nhiệm vụ cho Thị trấn huy động dân công phục vụ chiến dịch Tây Nam Ninh Bình[2].

Nhiệm vụ của đợt dân công này là chuyển gạo từ Thanh Hóa ra Yên Mô, sau lại quay về Nho Quan lấy gạo chuyển tiếp. Trong đợt này, đã huy động 2.200 dân công gánh bộ, mà nhiều tiểu thương lại chưa quen gánh nặng đi đường xa.

Thấy rõ khó khăn đó, Thị ủy và chính quyền Thị trấn đã động viên được tinh thần hăng hái tương trợ, những người có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, tạo nên sự phấn khởi cho mọi người. Đồng chí Nguyễn Văn Thới được giao nhiệm vụ chính trị viên đơn vị kiêm Bí thư Chi bộ dân công đã phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ, tổ chức tương trợ, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Theo định mức, mỗi dân công gánh 15 kg gạo, không kể tiêu chuẩn ăn của mình, nhưng nhiều người đã gánh vượt định mức để đỡ cho những người gánh chưa quen. Chỉ trong vòng một tháng, Thị trấn đã hoàn thành nhiệm vụ, nhiều chiến sĩ dân công được cấp bằng khen và giấy khen.

Trên cơ sở sở phân tích toàn diện chiến trường, tháng 9-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra phương châm tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 là: Tập trung binh lực mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu và sơ hở, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo thuận lợi để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đập tan kế hoạch Nava thâm độc của địch.

Để chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, hàng chục vạn dân công được huy động phục vụ công tác chuẩn bị chiến trường.

Trải qua bảy năm kháng chiến, vùng tự do Thanh Hóa ngày càng khẳng định vai trò to lớn của một căn cứ địa, một hậu phương trọng yếu của chiến tranh nhân dân. Tiềm năng về nhân tài, vật lực của tỉnh được khơi dậy, nhân lên đồng thời với những đóng góp nhu cầu thiết yếu phục vụ kháng chiến.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cục diện mới của cuộc kháng chiến lại đặt ra yêu cầu mới, to lớn hơn cho hậu phương Thanh Hóa. Quân và dân Tỉnh lại gồng mình, dốc toàn lực phục vụ các chiến trường, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

Quán triệt yêu cầu nhiệm vụ do Tỉnh giao, Thị ủy và chính quyền Thị trấn đã phát động được tinh thần tự giác nhận nhiệm vụ của đảng viên và nhân dân. Mọi người cùng nhau thảo luận dân chủ về ý nghĩa, quá trình của đợt công tác, trước khi xung phong nhận nhiệm vụ và bình nghị người đi phục vụ, người ở lại hậu phương.

Do được học tập và hiểu rõ tầm quan trọng của đợt phục vụ này, nhân dân Thị trấn đã hăng hái xung phong góp của, góp công để phục vụ chiến dịch.

Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể đã tổ chức quyên góp, động viên giúp đỡ những gia đình có người đi phục vụ mà gặp khó khăn, để người ngoài tiền tuyến yên tâm làm tròn nhiệm vụ.

Trong đợt phục vụ này, Thị trấn đã huy động tới 17 đợt dân công với 1.780 xe đạp thồ và hàng ngàn dân công gánh bộ. Người đợt trước chưa về, người đợt sau đã nối tiếp. Phục vụ xong đợt này về nghỉ ít ngày lại tiếp tục đi phục vụ đợt khác. Các cán bộ cấp ủy (Thị ủy viên, Chi ủy viên) và đảng viên trong Đảng bộ thay phiên nhau dẫn đoàn quân lên đường thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị chiến dịch.

Thực hiện phương châm chiến lược của Bộ Chính trị, các đơn vị chủ lực của ta liên tiếp mở những cuộc tiến công vào những hướng đã định, buộc thực dân Pháp phải vội vã điều quân ứng cứu.

Tháng 11-1953, quân chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, uy hiếp địa bàn chiến lược sơ hở nhất của địch. Từ chỗ không phải là tâm điểm của kế hoạch, Nava vội vã điều các binh đoàn cơ động tăng cường xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm với 16.000 quân cùng với xe tăng, đại bác, máy bay, sẵn sàng ứng chiến bảo vệ  cứ điểm được coi là "Pháo đài bất khả xâm phạm", "con nhím khổng lồ giữa núi rừng Tây bắc", "cối xay thịt Việt Minh".

Phát huy thắng lợi vừa giành được của đợt đầu chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, tháng 12- 1953 Hội nghị Bộ chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch.

Để giải quyết vấn đề cung cấp to lớn cho các đòn tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng vừa chủ trương khai thác hậu cần tại chỗ, vừa huy động nguồn lực từ các vùng tự do, vùng căn cứ địa. Theo quyết định của Trung ương, ở Liên khu IV, Thanh Hóa (và một phần Nghệ An) đảm nhiệm cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 25-4-1954, Thường vụ Liên khu Ủy IV họp quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc phối hợp tác chiến với chiến trường Điện Biên Phủ và chỉ rõ Thanh Hóa tập trung phục vụ tiền tuyến hoàn thành nhiệm vụ Trung ương giao về thóc gạo. Để có đủ số lương thực, thực phẩm Trung ương giao, nhân dân Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa cùng nhân dân Tỉnh phải ăn ngô non, khoai non, dành gạo cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Những tấn lương thực, thực phẩm cuối cùng lại được dân công vận chuyển qua hai chặng: Thanh Hóa-Suối Rút, Suối Rút-Điện Biên Phủ, dài 600 km đến tiền tuyến cung cấp cho chiến sĩ[3].

Theo kế hoạch, phải mở thông con đường 41 lên Điện Biên Phủ. Lực lượng dân công được huy động làm đường rất đông. Do yêu cầu phục vụ, Đoàn dân công Thị trấn được giao nhiệm vụ gánh gạo phục vụ dân công làm đường.

Số lượng dân công Thị trấn được giao đợt này là gần 2.000 người, chia thành nhiều đợt do các đồng chí Phạm Doãn Ứng, Trần Trọng Tài, Trần Văn An phụ trách. Riêng đợt do đồng chí Phạm Doãn Ứng phụ trách được biên chế thành 4 đại đội: 3 đại đội nam, 1 đại đội nữ.

Về chỉ huy lãnh đạo, Thị ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính giao nhiệm vụ đồng chí Phạm Doãn Ứng là Đoàn trưởng, đồng chí Lê Thị Khuê là Đoàn phó phụ trách công tác phụ vận, đồng chí Thiệu Hồng làm Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ Đoàn. Đoàn có nhiệm vụ gánh gạo từ Thanh Hóa đến Hồi Xuân, qua Phú Lệ sang Vạn Mai, đến điểm cuối cùng là đường 41 thì giao gạo, thời gian phục vụ là 3 tháng. Các đảng viên trong Chi bộ Đoàn đã nêu cao vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, cùng chiến sĩ dân công hoàn thành xuất sắc đợt phục vụ này.

Riêng Đại đội nữ gồm 152 người do chị Nguyễn Thị Hiểu là Đại đội trưởng và chị Nguyễn Thị Nghĩa làm Đại đội phó, đa số chị em trong đơn vị là tiểu thương chưa quen việc gánh vác, lại gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nên ban đầu có một số người tỏ ra chán nản. Nhưng được sự cổ vũ, động viên kịp thời của Ban Chỉ huy Đoàn và Đại đội, chị em đã cố gắng vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, trong suốt ba tháng phục vụ, chị em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao, nhiều chị em được bầu là cá nhân xuất sắc. Riêng chị Nguyễn Thị Nghĩa được công nhận là Chiến sĩ thi đua loại I của toàn tuyến.

Tuyến hậu cần chủ yếu để phục vụ chiến dịch kéo dài suốt từ Thanh Hóa đi Suối Rút, qua Mộc Châu sang Cò Nòi đến Sơn La. Lực lượng dân công xe thồ của Thị trấn được bố trí phục vụ ở cả ba tuyến: Hậu tuyến, trung tuyến và hỏa tuyến. Vượt qua những đèo cao, dốc đứng, những đồi trọc và những trận mưa rừng xối xả, đường vận chuyển lầy lội trơn như đổ mỡ, máy bay địch thường xuyên bắn phá, đoàn xe đạp thồ Thị trấn vẫn vui văn nghệ dọc tuyến đường phục vụ. Có đêm đoàn thồ đi được 22km, đoàn vừa đi vừa rút kinh nghiệm, tìm ra thao tác giữ cho xe khỏi đổ, đi nhanh, chở nhiều,...



[1] Hồ sơ lưu trữ số 632/1953.

[2] Chiến dịch này diễn ra từ ngày 15-10 đến 16-11-1953.

[3] Trong đợt vận chuyển thứ 3 số lượng dân công toàn tỉnh chiếm tới 80% số dân công trên toàn tuyến cung cấp; trong lực lượng dân công chi viện chiến trường Điện Biên Phủ, có 25.000 nữ dân công Thanh Hóa. Trong toàn chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động 30% số người ở độ tuổi lao động; 3.530 xe đạp thồ; 1.126 thuyền; 31 ô tô; 180 xe bò; 42 ngựa, 3 voi vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược cho bộ đội. Thanh Hóa cung cấp cho chiến dịch hơn 11.000 tấn lương thực, thực phẩm (toàn hậu phương là 26.000 tấn). Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Sơ thảo, Tập 1 (1930-1954).

 

Điển hình trong tăng năng suất toàn tuyến là anh Trịnh Ngọc (Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa) đã nâng mức thồ lên 345,5 kg và trở thành người đạt mức thồ cao nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh Đào Đức Ty đã nâng mức thồ từ 160kg lên 195kg và sau đó thường xuyên đạt 320kg. Ở hỏa tuyến, đồng chí Nguyễn Viết Châu trực tiếp phụ trách một đoàn đã tổ chức thao diễn cách thồ, cách dựng, cách đẩy, vì vậy thường xuyên đưa năng suất thồ lên cao hơn, kịp thời phục vụ yêu cầu khẩn trương của hỏa tuyến. Cũng tại hỏa tuyến, đơn vị do đồng chí Hồ Văn Huấn phụ trách sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) tiếp tục nêu cao tinh thần phục vụ, tham gia giải quyết các công việc hậu chiến dịch, như: khiêng cáng thương binh, chôn cất liệt sĩ, thu dọn chiến lợi phẩm,...

Với những thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phục vụ chiến đấu, tổng kết công tác dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, lãnh đạo Tỉnh Thanh Hóa đã tuyên dương "Thị trấn Thanh Hóa khá về xây dựng các đoàn xe đạp, các xe điển hình". Ở ngay trên chiến trường, đơn vị đồng chí Hồ Văn Huấn vinh dự được nhận cờ "Thi đua khá nhất" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với thành tích đặc biệt về năng suất thồ, đồng chí Trịnh Ngọc đã được Hội đồng cung cấp Mặt trận Liên khu IV tặng Bằng khen. Nhiều đoàn khác được tặng thưởng 1 Cờ của Hội đồng cung cấp Trung ương, 2 Cờ của Hội đồng cung cấp tỉnh; 5 chiến sĩ được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba, 13 Chiến sĩ thi đua được thưởng Huy hiệu Hồ Chủ tịch.

*

*        *

Sau khi giành được chính quyền, Đảng bộ và nhân dân Thị xã đã thực hiện những việc cấp bách nhằm tăng cường thực lực cách mạng: xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, bồi dưỡng sức dân, củng cố, phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, bài trừ nội phản, chống giặc đói, giặc dốt, cải thiện sức dân, chuẩn bị kháng chiến, động viên sức người, sức của cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Cuộc động viên, tổ chức lực lượng toàn dân kháng chiến, kiến quốc phát triển mạnh mẽ. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đã thực hiện triệt để chủ trương "tiêu thổ kháng chiến", thực hiện vườn không nhà trống, xây dựng căn cứ và hậu phương kháng chiến...

Đảng bộ, chính quyền cách mạng đã động viên nhân dân đồng lòng, quyết tâm đánh thắng giặc. Niềm tin ở sức mạnh vô địch của toàn dân kháng chiến đã được khẳng định ngay từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhân dân Thị xã Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, chịu đựng gian khổ hy sinh, vượt qua bao thử thách khắc nghiệt, chiến đấu bảo vệ quê hương, tích cực chi viện sức người sức của cho cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Sự đóng góp, hy sinh anh dũng của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã góp phần làm cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do, làm nên thiên sử vàng chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Đánh giá về công lao của quân và dân Thanh Hóa trong đó có vai trò của cán bộ, đảng viên và quân dân Thị xã, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điên Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó"[1].

Lịch sử Đảng bộ chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ cùng toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H.2002, T.8, tr.400