Tổng Bí thư Tô Lâm 'gióng trống lệnh' phòng, chống lãng phí
Mỗi khi phố thị lên đèn, 3 toà nhà chung cư tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) chìm trong bóng tối. Đã nhiều năm trôi qua, những toà nhà ngày một xuống cấp, nhưng không có người ở, cây dại mọc ngổn ngang. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về sự lãng phí – điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển”.
Cùng với đó, tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Theo Tổng Bí thư, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Không khó để nhận ra các dạng thức lãng phí, đặc biệt là lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Tại họp báo của Ban Nội chính Trung ương thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mới đây, ông Nguyễn Hữu Đông, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, công tác rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại kéo dài với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp gây thất thoát, lãng phí lớn, cho thấy: Có 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng; 22 dự án trong lĩnh vực điện lực, công nghiệp, than, khoáng sản; 15 dự án trong lĩnh vực giao thông; 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá, thể thao, du lịch; 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp …
Nói về vấn đề chống lãng phí tại phiên họp tổ Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết rất bức xúc và có nhiều người bức xúc về tình trạng lãng phí. “Dân hỏi đất vàng quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế? Hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc, ai phải chịu trách nhiệm chứ, nhà nước, doanh nghiệp hay ai được cấp phải có trách nhiệm, tại sao không làm, không làm phải thu lại”, Tổng Bí thư, nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: TTXVN
Từ đó, theo Tổng Bí thư, phải có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nhà nước cấp như thế nào để lãng phí thế này? Doanh nghiệp hay ai được cấp, tại sao không làm? Nếu không làm thì Nhà nước thu lại theo quy định. Nếu bảo "tôi đang làm nhưng vướng", thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó”.
“Vụ án kết thúc rồi, người vi phạm đưa ra xử lý rồi thì cũng phải có xử lý, vì đây là tài sản của Nhà nước, tiền của của nhân dân. Làm sao đừng để dân bức xúc. Cái này tỉnh làm, hay Trung ương, hay bộ, ngành nào làm, phải có địa chỉ. Nếu của Nhà nước cũng phải có cơ quan đứng ra", Tổng Bí thư, nói.
Tổng Bí thư "điểm danh" những dự án rất cụ thể, như dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM, trải qua hai nhiệm kỳ, tiền Nhà nước bỏ ra rồi nhưng nhân dân TPHCM “vẫn phải chịu ngập lụt”. “Nếu để thế nữa là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng nhưng tội lãng phí”, Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư đồng thời cũng nhắc đến 2 dự án bệnh viện ở Hà Nam(Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2), được Nhà nước bỏ tiền ra xây chục năm rồi vẫn "treo", không đưa vào sử dụng, rất lãng phí... "Kể ra nhiều lắm, ruộng đất quý thế nhưng cứ để cỏ mọc lãng phí, chả biết của ai, nếu do chính sách thì cần xem lại chính sách", Tổng Bí thư, nêu rõ.
Tổng Bí thư cũng nhắc đến tình trạng "có tiền không tiêu được" trong giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến 9 tháng tỷ lệ đạt chưa được 50%. “Giờ còn mấy tháng tiêu được hết không? Hỏi sao không tiêu được thì bảo do vướng cái này, vướng quy định kia... Nó là cái gì, tại sao có những quy định ấy, quy định đấy là do ai? Tại sao lại để vướng thế? Khó đến đâu gỡ đến đấy. Nhà nước không làm được thì sao doanh nghiệp làm được”, Tổng Bí thư đặt vấn đề. Theo Tổng Bí thư, Chính phủ phải trao đổi với Quốc hội, Quốc hội cùng gỡ vướng với Chính phủ.
'Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực'
“Chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần nghiên cứu, chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Tổng Bí thư cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng, tiêu cực. Về tổng thể, phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp đến cao để thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, như: xây dựng văn hoá chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội...
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội. Tổng Bí thư yêu cầu, phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “trở thành việc làm tự giác, tự nguyện, như cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày”. Phải khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của nhà nước, công sức của nhân dân.
Còn tình trạng "lãng phí cơ hội, thời gian, lãng phí năng lực"
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong phát biểu tại Quốc hội, đã đề cập đến vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền. Bà Hoa nhắc bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, cho rằng, Tổng Bí thư đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng.
“Có thể nói, đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội”, bà Hoa nói.
Về tình trạng lãng phí, bà Hoa nêu, có nhiều nguyên nhân, trong đó, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. “Lâu nay, họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội”, bà Hoa cho hay. Bên cạnh đó, theo đại biểu, có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước không hiệu quả. Thực tế, còn có lãng phí về cơ hội và thời gian.
Bà Hoa nêu, một chuyên gia nước ngoài đã nhận định, lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại. "Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định: Thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh, ngoài vật chất, lãng phí còn được thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau, rất khó nhận diện, ví dụ như lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội… "Thời gian chính là vàng, và lãng phí thời gian cũng chính là lãng phí cơ hội. Điều này đã được Tổng Bí thư nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở tổ vừa qua", bà Nga nói.
Theo bà Nga, trong nhiều công việc, có thể rút ngắn được thời gian, giải quyết chỉ trong một thời gian nhất định, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình giải quyết công việc bị kéo dài. Lãng phí thời gian dẫn đến lãng phí cơ hội, chính là lãng phí tiền bạc, vì có những cơ hội chỉ đến trong một khoảng thời gian nhất định, trong một khoảnh khắc nhất định.
Ngoài ra, có tình trạng lãng phí khác lâu nay ít người nói đến, đó là lãng phí năng lực. Mỗi cá nhân chưa thực sự tận dụng hết khả năng của bản thân trong giải quyết công việc. Báo cáo của Chính phủ những năm gần đây thường nhắc đến tồn tại, hạn chế là, một bộ phận cán bộ, công chức còn chần chừ trong công việc, rồi né tránh, đùn đẩy, e ngại, sợ sai… Đó chính là lãng phí năng lực.
Bà Nga cho rằng, trên thực tế, hậu quả, thiệt hại của lãng phí có khi còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng. Bởi đôi khi, hậu quả của lãng phí không đo đếm ngay được, ví dụ như lãng phí về cơ hội, làm sao mà đo đếm được.
"Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, khi phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ vừa qua liên quan đến vấn đề lãng phí. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt hơn trong việc này. Muốn vậy, trước tiên, chúng ta phải tìm ra người chịu trách nhiệm, đơn vị, cá nhân nào để xảy ra lãng phí? Lãng phí đó gây ra hậu quả như thế nào? Từ các vụ việc điển hình gây lãng phí sẽ phân loại ra, xử lý nghiêm trách nhiệm cụ thể, có như vậy mới đảm bảo sức răn đe. Còn nếu không có chế tài cụ thể, không có người chịu trách nhiệm cụ thể, thì những điều chúng ta nói về lãng phí cũng chỉ dừng lại trên lý thuyết", bà Nga nói.
Không tinh gọn bộ máy không phát triển được
Một trong các giải pháp phòng, chống lãng phí là việc tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nguyên nhân, theo Tổng Bí thư, hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, trong khi đó công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập, một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Cùng với đó, một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin, cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn thiếu triệt để. Theo Tổng Bí thư, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Về chủ trương chiến lược, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Tổng Bí thư yêu cầu cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát...
Chia sẻ thêm về vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Nhưng cách thức phải như thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn. Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư chỉ rõ, việc ở đâu cũng phải làm, và tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. "Không tinh gọn bộ máy không phát triển được", Tổng Bí thư lưu ý.
Nêu về con số ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu?... Còn 30% thì tiền đâu để quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội?. Theo Tổng Bí thư, trong khi đó các nước khác mức chi có hơn 40%, ít nhất phải được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...
“Chúng ta so sánh thôi cũng vô cùng sốt ruột. Cứ phình ra như thế, cứ như thế… Vì sao không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80 - 90% chi ngân sách. Làm gì còn tiền ngân sách đâu để làm các hoạt động khác”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, nhiều bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, rồi địa phương hỏi mãi không trả lời, mất thời gian. "Một ông chuyên viên có ý kiến khác thôi là toàn bộ hệ thống lại phải dừng lại để đánh giá lại, họp lại", Tổng Bí thư nêu vấn đề.
Chuyển động ngay
Ở Hà Nội, không khó để tìm “ví dụ điển hình” cho tình trạng lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Riêng vấn đề nhà tái định cư, xuất hiện hàng loạt toà nhà, với hàng trăm căn hộ bỏ hoang nhiều năm.
Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, trên địa bàn phường Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội), 2 toà chung cư tái định cư cao tầng bỏ hoang nhiều năm, khuôn viên cỏ dại mọc um tùm. Cách đó vài trăm mét, 2 toà nhà chung cư tái định cư cao tầng khác, nằm giáp đường Khuyến Lương (Trần Phú, Hoàng Mai) cũng hoang hoá nhiều năm.
Ở phường Yên Sở (Hoàng Mai), 1 toà chung cư tái định cư nằm cạnh phố Sở Thượng cũng chung số phận không có người ở nhiều năm, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, 3 toà chung cư tái định cư cao tầng Đền Lừ III nằm giáp đường Tân Mai (phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai) cũng trong cảnh hiu hắt, dù được nhìn nhận có vị trí rất đẹp – gần công viên, khu đô thị, chợ đầu mối…
Mới đây nhất, ngay sau những chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác phòng, chống lãng phí, tại Hà Nội, đã có những chuyển động. Ngày 30/10, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã chủ trì, nghe báo cáo một số dự án “được nhìn nhận” là ở trạng thái “đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng gây bức xúc trong xã hội,có biểu hiện của lãng phí.
Đáng chú ý, tại cuộc họp, liên quan chung cư tái định cư Đền Lừ III, thành phố đã yêu cầu UBND quận Hoàng Mai tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện việc cải tạo, sửa chữa công trình CT1, CT2, CT3, bảo đảm chất lượng, cảnh quan môi trường để phục vụ tái định cư cho nhân dân; hoàn thành, bàn giao công trình trong Quý II/2025 để bố trí tái định cư cho các dự án trên địa bàn quận (dự án đường Tam Trinh) và các dự án khác trên địa bàn quận. Cùng với đó, thành phố tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng công trình nhà tái định cư tại 02 ô đất CT4, CT5 bằng nguồn đầu tư công.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chuyển đổi ngay các hạng mục A2, A3, A4 Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội cho thuê. Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố được giao nhiệm vụ khẩn trương thực hiện lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025; trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027. Đây là công trình đã bỏ hoang cả chục năm nay, gây lãng phí nguồn lực rất lớn.
“Với tinh thần mới, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quyết tâm thay đổi, sửa đổi cách làm để chống lãng phí, thời gian tới, yêu cầu, các sở, ban, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ, có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm thúc đẩy đưa các tài nguyên, tiềm năng của thành phố trở thành động lực và nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội; không để xảy ra tình trạng chậm trễ, kéo dài, dù là dự án đầu tư công hay ngoài ngân sách”, thông báo cuộc họp nêu kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Theo Báo Tiền Phong online
Tin cùng chuyên mục
-
Tổng Bí thư: 'Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường để bứt phá'
31/12/2024 00:00:00 -
Tổng Bí thư Tô Lâm: Sớm có chủ trương về chế độ, chính sách với cán bộ khi tinh gọn bộ máy
16/12/2024 00:00:00 -
Tổng Bí thư: 'Không để xảy ra lợi ích nhóm khi xây dựng luật'
09/12/2024 00:00:00 -
Không để cơ quan Nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém
02/12/2024 00:00:00
Tổng Bí thư Tô Lâm 'gióng trống lệnh' phòng, chống lãng phí
Mỗi khi phố thị lên đèn, 3 toà nhà chung cư tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) chìm trong bóng tối. Đã nhiều năm trôi qua, những toà nhà ngày một xuống cấp, nhưng không có người ở, cây dại mọc ngổn ngang. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về sự lãng phí – điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển”.
Cùng với đó, tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Theo Tổng Bí thư, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Không khó để nhận ra các dạng thức lãng phí, đặc biệt là lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Tại họp báo của Ban Nội chính Trung ương thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mới đây, ông Nguyễn Hữu Đông, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, công tác rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại kéo dài với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp gây thất thoát, lãng phí lớn, cho thấy: Có 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng; 22 dự án trong lĩnh vực điện lực, công nghiệp, than, khoáng sản; 15 dự án trong lĩnh vực giao thông; 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá, thể thao, du lịch; 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp …
Nói về vấn đề chống lãng phí tại phiên họp tổ Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết rất bức xúc và có nhiều người bức xúc về tình trạng lãng phí. “Dân hỏi đất vàng quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế? Hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc, ai phải chịu trách nhiệm chứ, nhà nước, doanh nghiệp hay ai được cấp phải có trách nhiệm, tại sao không làm, không làm phải thu lại”, Tổng Bí thư, nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: TTXVN
Từ đó, theo Tổng Bí thư, phải có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nhà nước cấp như thế nào để lãng phí thế này? Doanh nghiệp hay ai được cấp, tại sao không làm? Nếu không làm thì Nhà nước thu lại theo quy định. Nếu bảo "tôi đang làm nhưng vướng", thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó”.
“Vụ án kết thúc rồi, người vi phạm đưa ra xử lý rồi thì cũng phải có xử lý, vì đây là tài sản của Nhà nước, tiền của của nhân dân. Làm sao đừng để dân bức xúc. Cái này tỉnh làm, hay Trung ương, hay bộ, ngành nào làm, phải có địa chỉ. Nếu của Nhà nước cũng phải có cơ quan đứng ra", Tổng Bí thư, nói.
Tổng Bí thư "điểm danh" những dự án rất cụ thể, như dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM, trải qua hai nhiệm kỳ, tiền Nhà nước bỏ ra rồi nhưng nhân dân TPHCM “vẫn phải chịu ngập lụt”. “Nếu để thế nữa là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng nhưng tội lãng phí”, Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư đồng thời cũng nhắc đến 2 dự án bệnh viện ở Hà Nam(Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2), được Nhà nước bỏ tiền ra xây chục năm rồi vẫn "treo", không đưa vào sử dụng, rất lãng phí... "Kể ra nhiều lắm, ruộng đất quý thế nhưng cứ để cỏ mọc lãng phí, chả biết của ai, nếu do chính sách thì cần xem lại chính sách", Tổng Bí thư, nêu rõ.
Tổng Bí thư cũng nhắc đến tình trạng "có tiền không tiêu được" trong giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến 9 tháng tỷ lệ đạt chưa được 50%. “Giờ còn mấy tháng tiêu được hết không? Hỏi sao không tiêu được thì bảo do vướng cái này, vướng quy định kia... Nó là cái gì, tại sao có những quy định ấy, quy định đấy là do ai? Tại sao lại để vướng thế? Khó đến đâu gỡ đến đấy. Nhà nước không làm được thì sao doanh nghiệp làm được”, Tổng Bí thư đặt vấn đề. Theo Tổng Bí thư, Chính phủ phải trao đổi với Quốc hội, Quốc hội cùng gỡ vướng với Chính phủ.
'Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực'
“Chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần nghiên cứu, chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Tổng Bí thư cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng, tiêu cực. Về tổng thể, phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp đến cao để thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, như: xây dựng văn hoá chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội...
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội. Tổng Bí thư yêu cầu, phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “trở thành việc làm tự giác, tự nguyện, như cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày”. Phải khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của nhà nước, công sức của nhân dân.
Còn tình trạng "lãng phí cơ hội, thời gian, lãng phí năng lực"
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong phát biểu tại Quốc hội, đã đề cập đến vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền. Bà Hoa nhắc bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, cho rằng, Tổng Bí thư đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng.
“Có thể nói, đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội”, bà Hoa nói.
Về tình trạng lãng phí, bà Hoa nêu, có nhiều nguyên nhân, trong đó, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. “Lâu nay, họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội”, bà Hoa cho hay. Bên cạnh đó, theo đại biểu, có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước không hiệu quả. Thực tế, còn có lãng phí về cơ hội và thời gian.
Bà Hoa nêu, một chuyên gia nước ngoài đã nhận định, lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại. "Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định: Thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh, ngoài vật chất, lãng phí còn được thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau, rất khó nhận diện, ví dụ như lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội… "Thời gian chính là vàng, và lãng phí thời gian cũng chính là lãng phí cơ hội. Điều này đã được Tổng Bí thư nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở tổ vừa qua", bà Nga nói.
Theo bà Nga, trong nhiều công việc, có thể rút ngắn được thời gian, giải quyết chỉ trong một thời gian nhất định, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình giải quyết công việc bị kéo dài. Lãng phí thời gian dẫn đến lãng phí cơ hội, chính là lãng phí tiền bạc, vì có những cơ hội chỉ đến trong một khoảng thời gian nhất định, trong một khoảnh khắc nhất định.
Ngoài ra, có tình trạng lãng phí khác lâu nay ít người nói đến, đó là lãng phí năng lực. Mỗi cá nhân chưa thực sự tận dụng hết khả năng của bản thân trong giải quyết công việc. Báo cáo của Chính phủ những năm gần đây thường nhắc đến tồn tại, hạn chế là, một bộ phận cán bộ, công chức còn chần chừ trong công việc, rồi né tránh, đùn đẩy, e ngại, sợ sai… Đó chính là lãng phí năng lực.
Bà Nga cho rằng, trên thực tế, hậu quả, thiệt hại của lãng phí có khi còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng. Bởi đôi khi, hậu quả của lãng phí không đo đếm ngay được, ví dụ như lãng phí về cơ hội, làm sao mà đo đếm được.
"Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, khi phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ vừa qua liên quan đến vấn đề lãng phí. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt hơn trong việc này. Muốn vậy, trước tiên, chúng ta phải tìm ra người chịu trách nhiệm, đơn vị, cá nhân nào để xảy ra lãng phí? Lãng phí đó gây ra hậu quả như thế nào? Từ các vụ việc điển hình gây lãng phí sẽ phân loại ra, xử lý nghiêm trách nhiệm cụ thể, có như vậy mới đảm bảo sức răn đe. Còn nếu không có chế tài cụ thể, không có người chịu trách nhiệm cụ thể, thì những điều chúng ta nói về lãng phí cũng chỉ dừng lại trên lý thuyết", bà Nga nói.
Không tinh gọn bộ máy không phát triển được
Một trong các giải pháp phòng, chống lãng phí là việc tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nguyên nhân, theo Tổng Bí thư, hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, trong khi đó công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập, một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Cùng với đó, một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin, cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn thiếu triệt để. Theo Tổng Bí thư, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Về chủ trương chiến lược, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Tổng Bí thư yêu cầu cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát...
Chia sẻ thêm về vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Nhưng cách thức phải như thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn. Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư chỉ rõ, việc ở đâu cũng phải làm, và tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. "Không tinh gọn bộ máy không phát triển được", Tổng Bí thư lưu ý.
Nêu về con số ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu?... Còn 30% thì tiền đâu để quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội?. Theo Tổng Bí thư, trong khi đó các nước khác mức chi có hơn 40%, ít nhất phải được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...
“Chúng ta so sánh thôi cũng vô cùng sốt ruột. Cứ phình ra như thế, cứ như thế… Vì sao không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80 - 90% chi ngân sách. Làm gì còn tiền ngân sách đâu để làm các hoạt động khác”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, nhiều bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, rồi địa phương hỏi mãi không trả lời, mất thời gian. "Một ông chuyên viên có ý kiến khác thôi là toàn bộ hệ thống lại phải dừng lại để đánh giá lại, họp lại", Tổng Bí thư nêu vấn đề.
Chuyển động ngay
Ở Hà Nội, không khó để tìm “ví dụ điển hình” cho tình trạng lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Riêng vấn đề nhà tái định cư, xuất hiện hàng loạt toà nhà, với hàng trăm căn hộ bỏ hoang nhiều năm.
Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, trên địa bàn phường Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội), 2 toà chung cư tái định cư cao tầng bỏ hoang nhiều năm, khuôn viên cỏ dại mọc um tùm. Cách đó vài trăm mét, 2 toà nhà chung cư tái định cư cao tầng khác, nằm giáp đường Khuyến Lương (Trần Phú, Hoàng Mai) cũng hoang hoá nhiều năm.
Ở phường Yên Sở (Hoàng Mai), 1 toà chung cư tái định cư nằm cạnh phố Sở Thượng cũng chung số phận không có người ở nhiều năm, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, 3 toà chung cư tái định cư cao tầng Đền Lừ III nằm giáp đường Tân Mai (phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai) cũng trong cảnh hiu hắt, dù được nhìn nhận có vị trí rất đẹp – gần công viên, khu đô thị, chợ đầu mối…
Mới đây nhất, ngay sau những chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác phòng, chống lãng phí, tại Hà Nội, đã có những chuyển động. Ngày 30/10, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã chủ trì, nghe báo cáo một số dự án “được nhìn nhận” là ở trạng thái “đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng gây bức xúc trong xã hội,có biểu hiện của lãng phí.
Đáng chú ý, tại cuộc họp, liên quan chung cư tái định cư Đền Lừ III, thành phố đã yêu cầu UBND quận Hoàng Mai tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện việc cải tạo, sửa chữa công trình CT1, CT2, CT3, bảo đảm chất lượng, cảnh quan môi trường để phục vụ tái định cư cho nhân dân; hoàn thành, bàn giao công trình trong Quý II/2025 để bố trí tái định cư cho các dự án trên địa bàn quận (dự án đường Tam Trinh) và các dự án khác trên địa bàn quận. Cùng với đó, thành phố tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng công trình nhà tái định cư tại 02 ô đất CT4, CT5 bằng nguồn đầu tư công.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chuyển đổi ngay các hạng mục A2, A3, A4 Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội cho thuê. Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố được giao nhiệm vụ khẩn trương thực hiện lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025; trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027. Đây là công trình đã bỏ hoang cả chục năm nay, gây lãng phí nguồn lực rất lớn.
“Với tinh thần mới, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quyết tâm thay đổi, sửa đổi cách làm để chống lãng phí, thời gian tới, yêu cầu, các sở, ban, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ, có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm thúc đẩy đưa các tài nguyên, tiềm năng của thành phố trở thành động lực và nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội; không để xảy ra tình trạng chậm trễ, kéo dài, dù là dự án đầu tư công hay ngoài ngân sách”, thông báo cuộc họp nêu kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Theo Báo Tiền Phong online